Điểm tựa pháp lý của người nghèo 

(QT) - Mỗi khi gặp vướng mắc về pháp lý, nhiều người dân thuộc diện hộ nghèo, gia đình có công, đồng bào dân tộc thiểu số… trên địa bàn liền tìm tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh. Đối với họ, đây là một điểm tựa vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Đến giờ, thỉnh thoảng, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh vẫn ghé nhà bà Trịnh Thị Hoa, trú tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ giải quyết những vướng mắc về pháp lý nảy sinh trong cuộc sống. Cán bộ, nhân viên Trung tâm vẫn nhớ như in, cách đây vài năm, một người phụ nữ ăn vận giản dị, đôi mắt hằn vết chân chim, run run gửi đơn nhờ đòi lại đất. Bà đến đây thông qua lời giới thiệu của cán bộ tư pháp xã sau ba năm gõ cửa cầu viện khắp nơi. Nghe thuật lại tường tận sự việc và nghiên cứu kỹ hồ sơ, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh nhận thấy, quyền lợi của bà Trịnh Thị Hoa có dấu hiệu bị xâm phạm. Ngay lập tức, họ đã vào cuộc, hướng dẫn bà Hoa các thủ tục pháp lý và đồng hành với người phụ nữ này trong những phiên tòa kéo dài. Thế rồi, niềm vui như vỡ òa khi qua hai cấp xét xử, bà Hoa đã đòi lại được đất.

 

Với phương châm “Dân không đi thì cán bộ tìm tới”, thời gian qua, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh lặn lội đến nhiều miền quê trên địa bàn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho người dân. Thực tế, nhiều trường hợp người dân thuộc diện được hưởng chế độ chính sách nhưng hồ sơ đang bị “kẹt” lại hoặc tồn đọng mấy năm trời. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, trong khi cơ quan nhà nước chưa giải thích, hướng dẫn một cách thấu đáo. Nhận được phản ánh, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã phối hợp với đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý trên địa bàn trực tiếp gặp mặt để tìm hiểu, sao chụp hồ sơ, xác minh rõ đối tượng được trợ giúp.

 

Mỗi lần hỗ trợ một người dân được hưởng lợi ích hợp pháp, chính đáng, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đều ấm lòng và tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn. Do hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nên nhiều người nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh chưa hiểu biết sâu rộng về pháp luật. Mỗi khi vướng mắc pháp lý nảy sinh, phần lớn người dân đành ngậm ngùi chịu thiệt thòi. Trước thực tế ấy, nhiều năm nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã trở thành điểm tựa pháp lý vững chắc cho họ. Thông qua các hình thức như: Cung cấp kiến thức pháp luật; tham gia bào chữa; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; tư vấn pháp luật tại trụ sở, các chi nhánh hoặc điểm tư vấn miễn phí…,

 

Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã kịp thời hỗ trợ nhiều trường hợp hộ nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số... Điều đáng nói là các đối tượng được trợ giúp pháp lý không hề mất một khoản chi phí nào. Sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý đã góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, tránh gây oan sai cho người vô tội và để lọt tội phạm, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, giai đoạn 2007 - 2016, Trung tâm đã thực hiện được 27.592 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 27.581 lượt người dân thuộc diện hộ nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác. Trong đó, số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn là 26.681 vụ; tham gia tố tụng 850 vụ; đại diện ngoài tố tụng 49 vụ; hòa giải 12 vụ.

 

Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và bám sát quy định của pháp luật; chủ động, khách quan, trung thực trong bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý; không để xảy ra vi phạm pháp luật hoặc khiếu kiện đòi bồi thường do trợ giúp pháp lý sai; không có phản ánh, kiến nghị, khiếu nại về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý… Để đạt kết quả trên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã chú trọng vào công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý. Việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý được quan tâm.

 

Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho cộng tác viên, chuyên viên và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhiều đối tượng. Trên cơ sở Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tiếp tục duy trì các hoạt động phối hợp, thực hiện việc truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức. Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên… để thực hiện truyền thông, trợ giúp pháp lý, đảm bảo cho hoạt động trợ giúp pháp lý đa dạng đến với các đối tượng được kịp thời, sâu rộng.

 

Đặc biệt, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã chú trọng đến công tác trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với pháp luật; giúp người dân được hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc về chính sách; kịp thời giải tỏa những bức xúc ngay tại cơ sở. Thông qua các hoạt động này, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật của người dân dần được nâng cao, giảm thiểu tối đa những trường hợp vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Bà Nguyễn Thị An, Chủ tịch CLB Phụ nữ và pháp luật xã Mò Ó, huyện Đakrông cho biết: “Trước đây, đồng bào vùng cao nói chung và phụ nữ xã Mò Ó nói riêng cho rằng, đói bụng thì chết, đói luật chẳng sao.

 

Thế nhưng, giờ bà con đã hiểu rõ sự cần thiết của việc trau dồi, tìm hiểu kiến thức pháp luật. Kết quả này có được một phần là nhờ hoạt động trợ giúp pháp lý đã đến từng thôn, bản”. Theo ông Hà Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cùng đội ngũ cộng tác viên đã nỗ lực không ngừng trong thực hiện nhiệm vụ. Điều ý nghĩa nhất là hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số… có thêm chỗ dựa tin cậy, được tiếp cận với dịch vụ pháp lý một cách thuận lợi, qua đó có điều kiện để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.

 

Ông Thành cho biết: “Hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đang gặp một số khó khăn như: Cán bộ Trung tâm không được hưởng phụ cấp công vụ; cơ sở vật chất xuống cấp; thiếu về biên chế; kinh phí từ địa phương hỗ trợ cho Trung tâm còn hạn chế… Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

 

Tây Long

 

936 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 619
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 619
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78103154