Đánh giá công chức làm sao cho thực chất 

Chiều 19/12, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức làm sao cho thực chất”.

Tại buổi tọa đàm, ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) và PGS.TS Ngô Thành Can, Phó trưởng Khoa tổ chức nhân sự - Học viện Hành chính Quốc gia đã chia sẻ nhiều vấn đề trong công tác đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

 

Hình ảnh tại buổi giao lưu. (Ảnh: HH)

 

Theo ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), Nghị định 56 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển... Từ khi Nghị định 56 có hiệu lực, công tác đánh giá và phân loại cán bộ đã có nhiều điểm mới, đã mở rộng hơn, dân chủ hơn và đánh giá sát hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế mà Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sớm trình Chính phủ để sửa đổi.

Ngoài ra, việc đánh giá công chức thời gian qua chưa phản ánh thực chất là do nể nang, người đứng đầu cũng chưa làm hết trách nhiệm, sợ ảnh hưởng thành tích chung. Hơn nữa, công tác phê bình, tự phê bình của công chức chưa tốt, có tâm lý không chịu thừa nhận mình làm kém. Chất lượng cán bộ, công chức không đồng đều nên phân công, theo dõi, quản lý công chức chưa sát sao, kịp thời, cuối năm ngồi lại đánh giá phân loại thì bắt đầu xuề xòa, dĩ hòa vi quý, nể nang, làm hạn chế hiệu quả của việc đánh giá, phân loại.

Theo PGS. TS. Ngô Thành Can, Phó trưởng Khoa Tổ chức nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia), việc đánh giá thực chất phải tách bạch được rạch ròi giữa người làm tốt - người hoàn thành - người làm kém. Dẫn chứng báo cáo tổng hợp của các bộ, ngành, địa phương chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, 20-30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, công việc không hiệu quả, thậm chí có cán bộ tự nhận hoàn thành nhiệm vụ nhưng chi bộ cứ cho thành xuất sắc... Để chứng minh việc đánh giá còn thiếu thực chất, TS. Can cho rằng, việc nể nang hay đánh giá không thực chất là đặc điểm của một nền công vụ “thương nhau”. “Chúng ta phải làm sao để cán bộ hiểu được không nên làm như thế và phải có quy định để họ không thể làm được như thế”, ông Can nêu quan điểm.

Về con số hiện nay ở Việt Nam có khoảng 30% công chức, viên chức không làm được việc, tương đương 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm, ông Can cho rằng, đó là do báo cáo không chính thức qua các hội thảo. Còn báo cáo từ dưới lên theo con đường chính thức do các đơn vị bình bầu, phê duyệt thì con số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có... 0,5-0,6%.

Trước câu hỏi việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức đều được cấp có thẩm quyền xem xét, nhưng vẫn còn hiện tượng chưa hoàn thành nhiệm vụ được bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương. Theo quy định người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm, vậy thực tế đã có ai chịu trách nhiệm về những sai sót này?

Ông Trương Hải Long cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ như vừa qua là do chưa đảm bảo quy định, chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, chưa có cơ chế kiểm soát đối với người có quyền sử dụng cán bộ, công chức. Đó là yêu cầu đặt ra trong thời gian tới.

Ông Long cho rằng phải đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu, không thể “dĩ hoà vi quý” để phục vụ công tác thi đua khen thưởng. Khi chỉnh sửa, nội dung này sẽ được quy định cụ thể hơn./.

764 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 964
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 964
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77274943