Tín dụng chính sách góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội ở Quảng Trị  

(QT) - Chính sách tín dụng cho người nghèo và đối tượng chính sách là một chính sách lớn mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhằm ổn định xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện Nghị định số 78/2002/ NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, 15 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh phối hợp với các cấp, ngành, hội, đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

 

Đến nay, tổng nguồn vốn cho vay tại NHCSXH tỉnh đạt 2.292 tỉ đồng, tăng gấp 15 lần so với thời điểm mới bắt đầu hoạt động. Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các hội, đoàn thể nhận ủy thác đã triển khai hoạt động cho vay 14 chương trình tín dụng ưu đãi, qua đó giúp 302 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập, nâng cao đời sống.

 

Nguồn vốn còn thu hút, tạo việc làm cho gần 19 nghìn lao động; giúp 34 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 61 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 5 nghìn hộ nghèo xây dựng nhà ở; trên 1.000 lao động thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.

 

Quá trình thực hiện, NHCSXH tỉnh thường xuyên bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương, mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tích cực triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn với quy mô ngày càng mở rộng; đồng thời thực hiện tốt các giải pháp quản lý nguồn vốn từ khâu giải ngân, thu nợ, kiểm tra, giám sát…

 

Cán bộ, đoàn viên Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Trị chăm lo hoạt động đền ơn đáp nghĩa - Ảnh: LT

 

Nhờ đó, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và khoanh nợ của NHCSXH toàn tỉnh giảm từ 4,16% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2003) xuống còn 0,27%. Đến nay, toàn tỉnh có 53/141 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn, 85% Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn... Mạng lưới giao dịch đã được triển khai đều khắp trong toàn tỉnh tại thành phố Đông Hà và 8 huyện, thị xã, 141 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và 2.007 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản, khu phố.

 

Có thể khẳng định, thời gian qua tỉnh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung sức thực hiện tín dụng chính sách để nguồn vốn huy động được ngày càng cao, đồng thời giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu đời sống của nhân dân, đã thực sự giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

 

Kết quả 15 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực giải quyết việc làm. Bình quân hộ nghèo của tỉnh mỗi năm giảm từ 2,0 - 2,5%; từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là những người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

 

Thời gian tới, nguồn vốn tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu của các hộ nghèo, hộ chính sách để đầu tư phát triển kinh tế hộ nâng cao đời sống vẫn rất lớn. Công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cần nhiều sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa của NHCSXH và sự tích cực tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

 

Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được được, nâng cao chất lượng và hiệu quả của tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin tuyên truyền, công khai minh bạch các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 

Tích cực phối hợp với NHCSXH nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thường xuyên kiện toàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng khác. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chấn chỉnh kịp thời những sai sót và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc cho vay tín dụng ưu đãi được thực hiện thuận lợi, thông suốt, đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả.

 

Các hội, đoàn thể các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH tỉnh, tổ chức thực hiện tốt các quy định về ủy thác cho vay; đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý tốt nguồn vốn. Phối hợp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, đoàn thể các cấp và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao nghiệp vụ nhận ủy thác. Thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn vay của NHCSXH với các chương trình khuyến nông -khuyến công - khuyến ngư, kết hợp với đào tạo nghề, chuyển giao các tiến bộ khoa họckỹ thuật để phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi.

 

Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam, kết hợp với nguồn vốn ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Đồng thời, kiện toàn mạng lưới hoạt động của các phòng giao dịch và 141 điểm giao dịch lưu động tại xã, phường, thị trấn và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp; tăng cường sự phối hợp thực hiện với các ngành chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động cho vay vốn của ngân hàng.

 

Thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn, các quy trình nghiệp vụ vay vốn, bảo đảm công khai, minh bạch, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, tạo thuận lợi nhất cho các hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh. Mặt khác, cần thường xuyên bám sát địa bàn, cùng với hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương để có biện pháp phù hợp, hiệu quả trong giải quyết nợ xấu.

 

Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức NHCSXH, cán bộ quản lý tổ chức nhận ủy thác, cán bộ chuyên trách công tác xóa đói giảm nghèo, ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền kịp thời các chính sách, quy định mới về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách để mọi người biết và giám sát việc thực hiện.

 

Với những kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, tin tưởng rằng chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách ở Quảng Trị sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả to lớn hơn trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Quảng Trị.

 

Mai Thức, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Quảng Trị

1162 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 550
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 550
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78064735