Kiểm tra tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Huyện ủy Đakrông  

Ngày 7/9/2017, đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra tình hình thực hiện QCDC tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh và huyện Đakrông.
  • Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu phát biểu tại buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh

 

 

Thực hiện QCDC ở cơ sở, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Huyện ủy Đakrông đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện QCDC; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở; bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động phù hợp với tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy chế làm việc; quy chế phối hợp làm việc giữa lãnh đạo cơ quan và tổ chức công đoàn; quy chế chi tiêu nội bộ; việc quy hoạch, đánh giá cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức được thực hiện đúng quy trình; các chế độ, chính sách nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, mua sắm tài sản được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định.

Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh và huyện Đakrông đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ cơ sở; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hàng năm, qua đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương lắng nghe các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ, huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong xây dựng cơ quan, xây dựng kết cấu hạ tầng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Những nội dung dân bàn và quyết định trực tiếp được thực hiện dân chủ như mức đóng góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng ở các xã, thị trấn…

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ở huyện Đakrông và Cục Thi hành án dân sự tỉnh gắn thực hiện QCDC với thực hiện nhiệm vụ chính trị như xây dựng kế hoạch mua sắm tài sản, thu chi tài chính, chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong công tác quản lý, điều hành, thủ trưởng cơ quan đã thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công khai hoạt động của cơ quan, đơn vị; đồng thời tổ chức, tạo điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động, nhân dân tham gia ý kiến và giám sát hoạt động của cơ quan, chỉ đạo việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, bố trí nơi tiếp và thực hiện tiếp công dân theo đúng quy định.

Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng được các cơ quan nhà nước thực  hiện nghiêm túc, đúng luật, nhờ đó đã hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp và không có điểm nóng, ổn định tình hình ở địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh nhấn mạnh phải xác định việc thực hiện QCDC là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài; thực hiện tập trung dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để thực hiện tốt bản chất của chế độ ta là vì dân.

 

  • Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đakrông

Đánh giá cao việc triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện QCDC kịp thời, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh và huyện Đakrông tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Đồng thời chỉ ra hạn chế hiện nay, hoạt động giám sát và thực hiện QCDC theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” trên địa bàn tỉnh còn hình thức, hiệu quả chưa cao, trong đó hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn hạn chế.

Đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh và huyện Đakrông cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thường xuyên, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách, công tác cán bộ, khen thưởng, kỷ luật… liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để họ biết, tham gia ý kiến và giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, từ đó phát huy dân chủ và sự đồng thuận thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần củng cố, kiện toàn và tăng cường hiệu quả hoạt động Ban Thanh tra nhân dân trong giám sát thực hiện QCDC; nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động cơ quan hiểu biết và thực hiện đầy đủ các nội dung QCDC ở cơ sở, tránh tình trạng Ban Thanh tra nhân dân không hoạt động, mang tính hình thức.

Đối với huyện Đakrông, cần thường xuyên quan tâm đến hoạt động Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở, cố gắng giải quyết càng sớm càng tốt những khiếu nại, tố cáo của nhân dân, không để phát sinh điểm nóng; tăng cường tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình và tham gia giám sát có hiệu quả các hoạt động  tại cộng đồng; quan tâm giải quyết các vấn đề dân sinh, ổn định đời sống của người dân, phát huy dân chủ thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra.

 

NTH

 

 

5629 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 566
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 566
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78065650