Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới” 

(QT) – Hôm nay 14/10/2017, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới”. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị có các đồng chí: Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo kết quả tổng kiểm tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 cho thấy cả nước hiện có 14.377.682 ha (tăng 315.826 ha so với năm 2015), trong đó bằng khoanh nuôi, tái sinh và các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên hiện có 10.242.141 ha (tăng 66.621 ha); rừng trồng 4.135.541 ha (tăng 249.203 ha so với năm 2015); độ che phủ rừng đạt 41,19% (tăng 0,35% so với năm 2015); giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016 (so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012); sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần (từ 5,6 triệu m3/năm 2011 lên 17,3 triệu m3/năm 2016); giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần (từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012-2015, năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD)…

 

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Ước tính hàng năm, cả nước thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng; chi trả cho hơn 5,4 triệu ha rừng và ước riêng năm 2017, cả nước thu khoảng 1.650 tỷ đồng... Bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, nên diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người làm nghề rừng…

 

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tuy đã giảm nhưng chưa triệt để với việc trong 6 tháng cuối năm 2016, cả nước phát hiện 10.466 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; diện tích rừng bị thiệt hại là 827 ha; đã xử lý hành chính 9.520 vụ và xử lý hình sự 164 vụ… Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; diện tích rừng bị thiệt hại 1.257 ha; đã xử lý hành chính 10.985 vụ và xử lý hình sự 263 vụ…

 

Riêng đối với tỉnh Quảng Trị tính đến năm 2016, diện tích đất có rừng tăng lên 254.336 ha với độ che phủ rừng đạt 49,6% (trong đó, rừng tự nhiên là 143.328 ha; rừng trồng 111.008 ha)…Để đạt được kết quả ấy, trong thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã làm tốt công tác quản lý rừng; việc quản lý và phát triển rừng luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm cùng với sự tham gia tích cực của các chủ rừng, người dân trên địa bàn tỉnh…

 

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã tham luận về thực trạng và đề xuất giải pháp, kiến nghị… nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng và không khai thác gỗ rừng tự nhiên; các bộ, ngành, các địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ; tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ (kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện); không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển; không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất…

 

Các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng để điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua; phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở.

 

Các địa phương tiếp tục chú trọng giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất; triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển…. và nhiều vấn đề quan trọng khác.

 

SH

661 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 953
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 953
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77274080