Chú trọng bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ 

(QT) - Để giám sát tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, vừa qua Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh đã làm việc với Ban ATGT tỉnh, Phòng CSGT (Công an tỉnh) và Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố gồm huyện Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà…

Qua các buổi làm việc, có nhiều vấn đề đặt ra trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh trong thời gian qua, Ban ATGT tỉnh cũng như các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã thực hiện tốt công tác quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, chỉ tính trong năm 2016, lực lượng CSGT đã triển khai 10.934 ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện 34.799 trường hợp vi phạm TTATGT; xử phạt 29.544 trường hợp (phạt tiền 22.838.499.000 đồng); tước giấy phép lái xe 2.594 trường hợp; tạm giữ phương tiện gồm 383 xe ô tô và 1.830 xe mô tô…

 

Lực lượng Thanh tra giao thông tiến hành tuẩn tra, kiểm soát trên các tuyến đường tỉnh, đường nội thị và ra quyết định xử phạt 185 trường hợp (thu nộp ngân sách nhà nước 538.950.000 đồng). 9 tháng đầu năm 2017, lực lượng CSGT triển khai 8.547 ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện 25.154 trường hợp vi phạm TTATGT; xử phạt 19.130 trường hợp (phạt tiền 18.157.184.000 đồng); tước giấy phép lái xe 1.702 trường hợp; tạm giữ phương tiện gồm 267 xe ô tô và 1.583 mô tô. Thanh tra giao thông đã tiến hành tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường tỉnh, đường nội thị và ra quyết định xử phạt 85 trường hợp (thu nộp ngân sách 306,65 triệu đồng).

 

Về tình hình TNGT, năm 2016 trên địa bàn tỉnh xảy ra 216 vụ, làm chết 102 người, bị thương 213 người. 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 154 vụ TNGT làm chết 82 người và bị thương 143 người (so với cùng kỳ năm 2016 giảm 7 vụ (giảm 4,3%), tăng 9 người chết (tăng 12,3%), giảm 27 người bị thương (giảm 15,9%). Cũng tại các buổi giám sát, Ban ATGT tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố đã nêu ra những khó khăn với Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh như trong công tác triển khai, phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ và còn mang tính hình thức; chương trình tuyên truyền vẫn mang tính đại trà, chưa được thiết kế cụ thể cho từng nhóm đối tượng; cán bộ làm công tác tuyên truyền chủ yếu là làm việc kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ truyền thông nên gặp khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền; kinh phí bố trí cho hoạt động tuyên truyền còn hạn chế.

 

Về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT, do lực lượng cũng như trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ còn thiếu trong khi đó lưu lượng người tham gia giao thông lớn nên số lượt vi phạm TTATGT xảy ra nhiều, hiệu quả xử lý chưa cao. Kinh phí đầu tư, sửa chữa, khắc phục, xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra TNGT còn hạn chế.

 

Việc thực hiện Chỉ thị số 18- CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và Thông tư số 38/2010/TT - BCA, ngày 12/10/2010 của Bộ Công an quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT chưa được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc; trong xử lý vi phạm về TTATGT vẫn còn nhiều trường hợp gọi điện can thiệp gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ; mức tiền phạt đối với một số lỗi cao dẫn đến tình trạng người vi phạm không đến cơ quan công an để tiến hành các thủ tục xử lý.

 

Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT, do sự phân cấp nên lực lượng CSGT công an huyện không được tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ nên hiệu quả công tác chưa cao, chưa xử lý được các trường hợp vi phạm... Để thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, Ban ATGT tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố đã kiến nghị với Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh các vấn đề như: Cần hỗ trợ kinh phí cho công tác triển khai, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ công tác xử lý vi phạm hành chính cho các lực lượng thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

 

Nên đưa tiêu chí chấp hành Luật Giao thông đường bộ vào nội dung đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên hàng năm để nâng cao vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành các quy định của pháp luật; có phương án tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất cho lực lượng chức năng thực hiện công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT; mở rộng phạm vi, thẩm quyền tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ cho lực lượng CSGT công an huyện…; tập trung khắc phục các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ về TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ… nhằm hạn chế TNGT có thể xảy ra; các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường cán bộ chuyên trách cho công tác bảo đảm an toàn giao thông. Có kế hoạch lắp đặt camera ở một số ngã tư trên địa bàn thành phố Đông Hà có mật độ giao thông đông để phục vụ cho công tác điều tra, xử lý TNGT cũng như phạt nguội đối với các hành vi vi phạm TTATGT theo quy định của pháp luật…

 

SH

1073 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 665
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 665
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78068636