Tạo bước đột phá trong phát triển KTXH, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương 

(Chinhphu.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ và 7 giải pháp nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tạo bước đột phá trong phát triển KTXH, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu: Tỉnh thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ và 7 giải pháp nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

­­­­­­­­­­Ngày 16/11, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đã có bài phát biểu về nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, y tế giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo định hướng tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nằm ở vùng duyên hải miền Trung, Thừa Thiên Huế giữ một vị thế chiến lược quan trọng, là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cùng với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang. 

Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có tới 7 di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam, gồm rừng núi, vùng đồi, đồng bằng, đầm phá, biển. 

Giá trị di sản Cố đô Huế còn được hun đúc bởi con người Huế, tính cách Huế, phong vị Huế rất riêng có, rất đặc trưng.   

Chính vì vậy, ngay từ khi có Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tỉnh đã bắt tay ngay để xây dựng hình thành 4 trung tâm lớn của khu vực và cả nước, bao gồm: Văn hóa, du lịch đặc sắc; y tế chuyên sâu; khoa học-công nghệ; giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. 

Qua hơn 10 năm thực hiện Kết luận, Thừa Thiên Huế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. 

Vị thế của 4 trung tâm đang dần được khẳng định. Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để trở thành một trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ được ban hành là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho Huế, là định hướng quan trọng và là kim chỉ nam để Huế phát triển đúng với đặc trưng, thế mạnh của mình.

Với hướng đi đặc thù đó, Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp để phát triển các trung tâm lên tầm cao mới. Chính vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương; triển khai đồng bộ, quyết liệt các chương trình, đề án để cụ thể để thực hiện. 

Trong đó, tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết về xây dựng, phát triển 4 trung tâm cùng với các nghị quyết chuyên đề khác về phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, chuyển đổi số… để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện.

Trong thời gian tới, để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai có hiệu quả việc xây dựng 4 trung tâm trên, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, về xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch: Triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phù hợp với thực tiễn địa phương. Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội. 

Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố lễ hội của Đông Nam Á; xây dựng Huế thành kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài Việt Nam. 

Triển khai Đề án "Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển"; thực hiện dự án "Xây dựng thành phố Huế văn hoá và du lịch thông minh". Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực thương hiệu Huế. Triển khai đồng bộ các giải pháp trùng tu, bảo tồn hệ thống di tích, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa theo hướng nguyên bản, đồng bộ. 

Thực hiện có hiệu quả Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 gắn với nhiệm vụ số hóa di sản, di tích trên địa bàn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, nhất là các công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Phấn đấu hoàn thành đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế trong năm 2023. Nghiên cứu phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về giá trị văn hóa, di sản nhằm thúc đẩy du lịch, dịch vụ của địa phương.  

Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua, trong đó, chú trọng huy động và phát huy hiệu quả Quỹ bảo tồn di sản Huế. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn mới gắn với lan tỏa sâu rộng các phong trào để làm cho Huế thêm xanh-sạch-sáng và thông minh, đặc biệt là nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn nét đẹp của không gian văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và vẻ đẹp của con người xứ Huế. Tăng cường giáo dục bản sắc văn hóa Huế trong gia đình, trường học và đời sống xã hội.

Thứ hai, về xây dựng trung tâm giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao: Tiếp tục rà soát, sắp xếp bảo đảm quy hoạch mạng lưới trường, lớp và cơ sở đào tạo theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội, dân cư. 

Đánh giá, phân cấp mạng lưới hệ thống giáo dục đại học, phổ thông hợp lý để ưu tiên đầu tư thích đáng cho một số trường học, lĩnh vực thế mạnh. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo toàn diện và mũi nhọn; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với hình thức phù hợp. 

Phát triển Đại học Huế trở thành đại học quốc gia. Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình trường-viện cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng Học viện Âm nhạc Huế xứng tầm là một trong ba cơ sở đào tạo, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn có uy tín, thương hiệu của cả nước.

Thứ ba, về xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu: Gắn kết chặt chẽ và phát huy thế mạnh 3 trụ cột chính là Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế và hệ thống y tế địa phương. Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế xứng tầm là trung tâm y học cao cấp, bệnh viện hạt nhân, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có thương hiệu quốc tế.

Triển khai các giải pháp để thúc đẩy y tế trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế tỉnh; nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, dự phòng của các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện nhằm bảo đảm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới. 

Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển y tế với phát triển kinh tế du lịch. Đặc biệt, tỉnh chú trọng công tác nghiên cứu, khảo sát và xây dựng đề án hình thành và phát triển một số vùng trồng, sản xuất dược liệu phục vụ sản xuất công nghiệp dược. 

Thứ tư, về xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo: Tập trung xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. 

Hỗ trợ xây dựng Viện Công nghệ sinh học trở thành trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung; hình thành và từng bước hoàn thiện khu công nghệ cao; đầu tư xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung. Chú trọng phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế. 

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, Thừa Thiên Huế tập trung vào các nhóm giải pháp:

Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị phù hợp với thực tiễn địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ trong đổi mới và phát triển bền vững. Phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, ý thức giữ gìn, bảo vệ giá trị văn hóa, di sản của Thừa Thiên Huế nói riêng, của quốc gia nói chung trong toàn Đảng, toàn dân.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch Vùng, chú trọng mối liên hệ vùng Đông Nam Á, hành lang Đông-Tây, mối quan hệ với các đô thị lân cận.

Đồng thời, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa thành thị và nông thôn và phù hợp với đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế. Trong đó, tập trung xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phát triển các bệnh viện, trường học, trung tâm khoa học-công nghệ. Hình thành khu công nghệ cao quốc gia; quy hoạch phát triển kinh tế biển và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Khu du lịch quốc gia Lăng Cô-Cảnh Dương…

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa du lịch, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là hệ thống đường ven biển. 

Tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu-cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông một cách đồng bộ. Huy động nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực gắn với các chương trình, đề án cụ thể để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Phát triển nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là nguồn nhân lực trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ. 

Tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này với mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng cao... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 

Trong đó, chú trọng cơ chế, chính sách đột phá nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng nguồn lực sẵn có của mình; đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, công chức quản lý hành chính chuyên nghiệp. 

Phát hiện, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; công nghệ thông tin; giữ chân các chuyên gia đầu ngành; bồi dưỡng tài năng trẻ; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hiện đại, thông minh.

Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế đến bạn bè quốc tế gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư. 

Đồng thời, tạo sự gắn kết của khoa học công nghệ với giáo dục-đào tạo, y tế và văn hóa du lịch. Đẩy mạnh hợp tác giữa các trung tâm, viện nghiên cứu của tỉnh với các cơ quan trung ương trên địa bàn. Thực hiện cơ chế phối hợp tương hỗ giữa Đại học Huế, các cơ sở đào tạo với ngành giáo dục địa phương một cách hiệu quả, chất lượng.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội; các ngành, lĩnh vực ưu tiên; các công trình trọng điểm, dự án lớn nhằm phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng; thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế vùng. 

Phát huy vai trò động lực, đẩy mạnh liên kết với các địa phương, nhất là khai thác thế mạnh của các vùng đất giàu tiềm năng văn hóa, du lịch nhằm tạo sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chú trọng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng, phát triển 4 trung tâm. 

Chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, sớm đưa các chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống.

Với 2 nghị quyết hết sức quan trọng của Bộ Chính trị đã ban hành, là Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 và Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022, hy vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của địa phương, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cả nước, Thừa Thiên Huế tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương.

157 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1293
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1293
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143128