Sau đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Thuận và Triệu Giang (huyện Triệu Phòng, tỉnh Quảng Trị) đã xuất hiện hiện tượng sạt lở rất nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền. Sạt lở đã uy hiếp con đường giao thông nối một số thôn của xã, nhiều nhà dân đang đứng trước nguy cơ bị đổ sụp xuống sông.
Sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Giang bị sạt lở nặng
Nơi bị sạt lở nghiêm trọng nhất là đoạn sông thuộc thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang. Khu vực sạt lở dài khoảng 500m, khoét sâu vào con đường dân sinh liên thôn khoảng 5m, những bụi tre lớn mà người dân trồng để chống sạt lở cũng bị trốc gốc, đổ xuống sông.
Theo người dân địa phương, tình trang sạt lở đã diễn ra nhiều năm nay, hiện dọc bờ sông xuất hiện rất nhiều điểm sạt lở, vết nứt dài nguy hiểm.
Nhiều đoạn sạt lở ăn sâu vào đường dân sinh rất nguy hiểm
Nhằm hạn chế sạt lở lấn sâu, người dân đã cắm cọc tre, đổ trụ bê tông nhưng vẫn không ngăn được dòng nước sông Thạch Hãn hàng ngày “nuốt chửng” từng con đường, mảnh vườn, đe dọa cuộc sống người dân.
Bà Cao Thị Cúc (80 tuổi, thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhìn mảnh vườn trước nhà mình bị sụp xuống sông Thạch Hãn trong cơn mưa lớn vào đêm đầu tháng 9.
Bà cho biết: “Đêm trời mưa to, đang loay hoay bắt gà thì bất ngờ mảng đất sau vườn nhà trôi trượt xuống sông, đường nứt lớn thấu tận phần sân trước nhà”. Hiện bà phải thuê người đổ đất đá gia cố lại phần sân bị sạt lở để lấy đường đi.
Ngay sát nhà bà Cúc, con đường qua thôn Trà Liên Đông, sát sông Thạch Hãn cũng bị sạt lở, con dường độc đạo duy nhất của thôn đang có nguy cơ biến mất. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cắm cọc báo hiệu, song vẫn không tránh khỏi nguy cơ gây tai nạn.
Cây cối bị đổ ngã do sạt lở
Ông Cao Đức Sinh, trưởng thôn Trà Liên Đông cho biết: “Những ngày qua, dù không có mưa to nhưng vẫn xảy ra tình trạng sạt lở, gây ảnh hưởng đến hơn 32 hộ dân trong thôn, cuộc sống bị đảo lộn, không thể an tâm sinh sống. Bà con luôn lo lắng đến tính mạng và tài sản của mình. Hiện chính quyền địa phương đã cắm biển, căng dây cảnh báo người dân cùng phương tiện qua lại trên đoạn đường đang bị sạt lở, chú ý đảm bảo an toàn”.
Tương tự, cũng trên sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Đại Lộc, xã Triệu Long khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm dài gần 1,4km, phạm vi sạt lở ăn sâu vào khu dân cư, tốc độ sói lở nhanh, cuốn trôi nhiều diện tích đất thổ cư, sạt lở tuyến đường giao thông liên xã, ảnh hướng đến nhiều công trình văn hóa công cộng: đình làng, miếu thờ,…
Quảng trị hiện có gần 120km bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng trên 2.360 hộ dân, trong đó có gần 600 hộ sống trong vùng đặc biệt nguy hiểm. Tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp nhất là ở các con sông chính như sông Thạch Hãn, Bến Hải, Ô Lâu...
Sạt lở 0,5 km bờ kè biển uy hiếp Di tích Quốc gia đặc biệt Vịnh Mốc
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Sạt lở bờ sông rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới giao thông đi lại của bà con cũng như sản xuất và đặc biệt nơi ăn chốn ở của bà con mất ổn định, bà con rất lo lắng, băn khoăn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương làm các biển cảnh báo cũng như khắc phục các điều kiện tại chỗ để bà con an tâm sản xuất cũng như ổn định đời sống. Tỉnh cũng đã kiến nghị với Trung ương hỗ trợ ngân sách để khắc phục gia cố lại phần bờ kè, những vùng bị sạt lở”.
NGUYỄN HOÀNG