|
Trạm bơm Gia Độ. |
Ông Hoàng Quang Dưỡng - Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong cho biết: Bên cạnh nguồn nước tưới tự chảy từ hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn thì ruộng lúa Triệu Phong có đến hàng ngàn ha phải tưới từ hệ thống trạm bơm, với 43 trạm bơm lớn, nhỏ, tập trung nhiều ở các xã như Triệu Thượng, Triệu Giang, Triệu Phước, Triệu Độ, Triệu Trạch… Chính lẽ đó, mà những năm trước đây các trạm bơm sử dụng động cơ diezen thì diện tích tưới còn hạn chế, đặc biệt những năm hạn hán kéo dài mùa màng thường bị thất bát.
Từ khi các trạm bơm sử dụng bằng điện lưới, diện tích trồng lúa nước được mở rộng, năng suất được nâng cao, mùa vụ luôn ổn định. Tuy nhiên, để có hệ thống trạm bơm phát huy hiệu quả, phù hợp cho từng vùng tưới, thời gian qua, Điện lực Triệu Phong đã có các phương án tính toán hợp lý từ việc quy hoạch các trạm biến áp cho đến công tác đầu tư đưa nguồn điện đến tận chân trạm bơm…
Vào một chiều hè, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi có chuyến vi hành qua những cánh đồng lúa Triệu Phong. Để đến được với trạm bơm Gia Độ, xã Triệu Độ (Triệu Phong), chúng tôi phải di chuyển bằng hai phương tiện. Quãng đường đến trạm bơm còn khoảng hơn 500m thì ôtô không đi tiếp được do đường hẹp, chúng tôi từ ôtô chuyển qua đi xe máy. Đi qua cánh đồng lúa hè thu Gia Độ được gieo cấy hơn 1 tháng, những vùng lúa đang lên xanh tốt, một màu xanh trải dài bao la hứa hẹn thêm một mùa vàng bội thu.
Ông Hồ Xuân Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Gia Độ cho biết: Ruộng đồng của Hợp tác xã Gia Độ nằm về cuối nguồn của con sông Việt Yên, có tổng diện tích gieo cấy hai vụ đông xuân và hè thu là 134ha, trong đó có đến gần 80ha được tưới qua hệ thống trạm bơm. Từ năm 2000 trở về trước, trạm bơm này chạy bằng máy nổ, nên diện tích tưới chỉ đảm bảo cho khoảng 15ha, do đó diện tích gieo cấy lúa vẫn còn hạn chế.
Từ năm 2001, khi trạm bơm được chuyển qua dùng điện lưới, công suất trạm nâng lên 2 máy 33kW, nên diện tích trồng lúa được mở rộng và năng suất cũng đạt cao, nhiều năm trở lại đây năng suất luôn ổn định đạt từ 59 - 60 tạ/ha/vụ.
Trời về chiều, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến cánh đồng Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa (Triệu Phong). Diện tích lúa ở Mỹ Lộc tuy không lớn (90ha), diện tích dùng nước tưới tự chảy của kênh mương thủy lợi Nam Thạch Hãn chỉ chiếm 30%, số diện tích 70% còn lại phải dùng nước tưới từ trạm bơm, trong khi đó vùng đất trồng lúa ở đây được hình thành nhiều vùng khác nhau, bởi một phần diện tích nằm bên bờ sông này (sông Vĩnh Định), một phần diện tích nằm bên kia bờ.
Với địa hình như vậy, nên ở Mỹ Lộc có đến 3 trạm bơm, trong đó 1 trạm bơm có công suất 33kW, hai trạm còn lại, mỗi trạm có công suất 22kW và đều dùng bằng điện lưới từ năm 1992. Mặc dù nơi có nhiều trạm bơm và nằm cách xa nhau, nhưng Điện lực Triệu Phong vẫn khắc phục sự khó khăn và phức tạp về địa hình, đưa nguồn điện đến tận chân trạm bơm.
Ông Hồ Sỹ Nam - Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Triệu Phong cho biết thêm: Để phục vụ điện sinh hoạt cũng như điện sản xuất, đặc biệt là sản xuất tưới tiêu thì việc đặt trạm biến áp phải tính đến sự tiện ích hài hòa, trong đó có những trạm phải chuyển dời một vài lần bởi sự thay đổi về cánh đồng hay khu vực dân cư, mới phù hợp với hiện trạng.
Riêng trạm biến áp Triệu Độ đã một lần di dời, từ ngoài đồng ruộng, cách khu vực dân cư gần 1.000m, từ năm 2018 trạm được di dời đến gần khu vực dân cư. Giờ đây trạm biến áp Triệu Độ vừa phục vụ điện sinh hoạt cho hàng trăm hộ gia đình, vừa phục vụ trạm bơm tưới tiêu cho hàng chục ha lúa, góp phần mang lại những mùa vàng cho vùng quê ở cuối nguồn con sông Việt Yên này.
Tại Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, điện lực đã thực hiện phương án kéo bổ sung dây dẫn đường dây hạ áp để chống quá tải và giảm tổn thất điện năng tại trạm biến áp Mỹ Lộc. Năm 2020, thực hiện công trình sửa chữa đường dây 22kV XT 474E4 khu vực Triệu Phong, theo đó, điện lực đã sửa chữa lưới điện trung áp khu vực xuất tuyến 474ĐHA nhằm cấp điện an toàn, liên tục và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đặc biệt là các phụ tải bơm nông nghiệp. Nhờ vậy, ngoài việc luôn đảm bảo cung cấp nguồn điện sinh hoạt và các hoạt động khác, các trạm bơm tưới tiêu lúa hai vụ ở Mỹ Lộc hoạt động có hiệu quả, góp phần làm cho cho mùa màng nơi đây ổn định và đạt năng suất cao xấp xỉ 6 tấn/vụ.
Rời Mỹ Lộc là lúc hoàng hôn dần buông, trên Tỉnh lộ 64 trở lại thành phố Đông Hà (Quảng Trị) ánh đèn điện lung linh trên những cánh đồng, làng quê trong tôi bỗng miên man mấy câu hát của nhạc sỹ Trần Hoàn: Truyền thống ấy góp sức ta cùng vun đắp/Cho nảy mầm vùng đất đỏ quê hương/Vùng đất màu và vùng lúa vàng/Quảng Trị mình cất cánh vút bay.