Hội thảo thu hút nhiều đại diện ban, ngành liên quan (Ảnh: N.H)
Ngày 5/9, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) tổ chức Hội thảo "Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0".
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, đảm bảo khả năng tham gia sâu của nền kinh tế vào mảng sản xuất và phân phối toàn cầu, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững và dài hạn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để phát triển công nghiệp cơ khí. Mặc dù các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đối với ngành cơ khí trọng điểm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, ngành cơ khí trong nước vẫn đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể như: số lượng doanh nghiệp cơ khí tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016 trong khi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD; nhiều sản phẩm trước đây chúng ta đã phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế, dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa ngày một nâng cao góp phần vào quá trình CNH, HĐH; một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của một số tập đoàn đa quốc gia.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 những nhân tố mới xuất hiện đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cũng như cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, mục tiêu tổng quát đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về xuất khẩu: giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí. Về xuất khẩu, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Cụ thể, đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu. Sau năm 2025, hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp; hình thành một số nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ công trình công nghiệp.
Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm triển khai chiến lược đó là: cần phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ và đủ mạnh để hỗ trợ phát triển ngành; các giải pháp về phát triển thị trường: cần có quy mô chuỗi cung ứng lớn để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại; gải pháp về nâng cao năng lực doanh nghiệp cơ khí: giải pháp về tài chính, về khoa học và công nghệ, về phát triển nguồn nhân lực.
Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2018 này được xem như “liều thuốc tăng trưởng” cho ngành cơ khí. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho hay, với chính sách phát triển rõ ràng, ngành cơ khí sẽ nắm bắt được cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để vươn lên mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hùng, nguyên Tổng giám đốc Lilama, cách mạng lần thứ 4 này chắc chắn sẽ làm thay đổi cả hệ thống dây chuyển công nghệ thiết kế, chế tạo cơ khí truyền thống. Đây là cơ hội để chúng ta làm cuộc cách mạng đổi mới ngành cơ khí chế tạo. Vấn đề là phải có kế hoạch đầu tư các dây chuyền chế tạo cơ khí mới được áp dụng công nghệ mới.
Ngoài ra, cần thiết phải đầu tư cho con người, nhân tố quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng này. Đào tạo các kỹ sư, công nhân mới bước đầu phải được đào tào ở nước ngoài, ông Phạm Hùng cho hay.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI cũng cho rằng, tới đây, Việt Nam cần một chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, đầu tư mới, lựa chọn một số ngành hàng có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, như: sản xuất, lắp ráp ô tô tải, bus; chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép,... Nhà nước cần tính toán và có chính sách để doanh nghiệp trong nước có nhiều đơn hàng, thị trường để đầu tư phát triển, như vậy mới có thể giúp vực dậy ngành cơ khí.
Kim Dung