Nhật Bản đặc biệt coi trọng mối quan hệ tin cậy với Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ 29/5 đến 2/6 là dịp để hai nước bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên một giai đoạn phát triển mới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 29/5-2/6. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa chuyến thăm và triển vọng hợp tác của hai nước trong thời gian tới.

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả hai bên. Đây là dịp để hai nước bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng lên một giai đoạn phát triển mới vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Như các bạn đã biết, hàng năm, Nhật Bản chỉ đón 1 đến 2 đoàn thăm cấp Nhà nước. Do vậy, Nhật Bản xác định đón Chủ tịch nước ta thăm cấp Nhà nước trong năm nay thể hiện Nhật Bản hết sức coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới, coi trọng sự phát triển mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Đối với Việt Nam, chuyến thăm lần này nằm trong tổng thể triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, cũng như đường lối cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ hai, chuyến thăm cũng là tiếp nối trao đổi định kỳ giữa lãnh đạo hai nước. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện chuyến thăm Nhật Bản rất thành công vào năm 2015. Trong năm 2016, 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có chuyến thăm Nhật Bản.

Về phía Nhật Bản, năm 2017, lần đầu tiên Nhà Vua và Hoàng Hậu đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam hết sức thành công. Thủ tướng Shinzo Abe cũng có hai lần thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2017.

Qua sự trao đổi thường xuyên giữa hai nước góp phần tăng cường, củng cố tin cậy chính trị giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, bàn những biện pháp để thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Thứ ba, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trần Đại Quang diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tích cực tổ chức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018).

Chuyến thăm này là dịp để lãnh đạo hai nước, nhân dân hai nước cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hai nước trong suốt 45 năm qua, đồng thời cũng là dịp để chúng ta tri ân những bạn bè, đối tác đã đồng hành, gắn bó giúp đỡ nhau trong suốt mấy thập kỷ qua.

Triển vọng quan hệ hợp tác của hai nước trong thời gian sắp tới như thế nào, thưa ông?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Về quan hệ hai nước hiện nay có thể nói đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, trong thời gian tới quan hệ hai nước có rất nhiều triển vọng để phát triển. Điều này dựa trên những cơ sở nền tảng của nó.

Thứ nhất, quan hệ hai nước trong 45 năm qua có bước phát triển vượt bậc, là nền tảng rất quan trọng để phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu lợi ích của mỗi bên. Về phía Việt Nam, chúng ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững hướng tới việc xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Về phía Nhật Bản, chính quyền Thủ tướng Abe cũng đang đẩy mạnh chính sách Abenomics, tái cơ cấu nền kinh tế, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ hướng ra bên ngoài, và Việt Nam là một thị trường, đối tác hết sức quan trọng của Nhật Bản trong khu vực.

Thứ ba, một nền tảng mới cho quan hệ hai nước là Việt Nam và Nhật Bản đó là đã cùng nhau tích cực và đàm phán đi đến ký kết Hiệp định CPTPP. Theo như dự kiến thì bắt đầu từ năm 2019, Hiệp định này sẽ có hiệu lực, mở ra triển vọng hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước.

Hiện tại, cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản đang rất phát triển. Làm thế nào để gắn kết cộng đồng đóng góp vào lợi ích của mỗi nước, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Chúng ta có Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, các địa phương khác nhau cũng có các chi nhánh của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. Chúng ta có Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Phật tử người Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.

Các hội đoàn này gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau để cùng làm ăn, sinh sống tại Nhật Bản và có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Việt Nam cũng như sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Đại sứ quán luôn luôn là một ngôi nhà tập hợp tất cả người Việt Nam, Hội Đoàn Việt Nam tại Nhật Bản. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, các hội, đoàn luôn coi Đại sứ quán Việt Nam là một địa chỉ tin cậy. Đại sứ quán sẽ luôn tích cực cổ vũ và hỗ trợ các hoạt động của các hội, đoàn Việt Nam tại Nhật Bản.

Khả năng hợp tác của hai nước trong các vấn đề quốc tế, ví dụ như vấn đề Biển Đông ra sao, thưa ông?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Về vấn đề khu vực và quốc tế có thể nói Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ rất nhiều lợi ích chiến lược song trùng. Chúng ta và Nhật Bản có rất nhiều quan điểm gần nhau trong vấn đề Biển Đông.

Chúng ta đánh giá cao lập trường nhất quán của Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Chúng ta đều chủ trương tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

Trân trọng cám ơn Đại sứ.

(theo VOV)

365 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1080
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1080
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87100133