Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn 

Phóng viên: Từ ngày 30/9 đến 07/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ai-len, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết mục đích, ý nghĩa của chuyến công tác này? 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhằm khẳng định một lần nữa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa đạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời cũng thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Mông Cổ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Ai-len, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp và mong muốn nâng tầm và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác phù hợp với tình hình mới và lợi ích của các nước.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ cùng lãnh đạo cấp cao Mông Cổ trao đổi các định hướng lớn, các biện pháp quan trọng để thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị cũng như tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực hai bên ưu tiên, nhất là hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước.

Với Ai-len, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Ai-len là một dân tộc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về lịch sử và truyền thống yêu nước, ý chí vươn lên, nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Hai bên có nhiều dư địa, tiềm năng để tăng cường hợp tác, cùng phát triển. Lãnh đạo Cấp cao hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Ai-len có thế mạnh như đầu tư chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, giáo dục - đào tạo nhất là giáo dục đại học. 

Với Pháp, trên cơ sở quan hệ “lương duyên” đặc biệt, và kết quả quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược hơn 10 năm qua, Lãnh đạo hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả hai nước ở khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác thương mại đầu tư; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác truyền thống như văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác giữa các địa phương; mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mới, giàu tiềm năng như hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, kinh tế số…

Thông qua chuyến công tác, chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các nước trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu; vận động các nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào đời sống sở tại, phát huy vai trò cầu nối, đóng góp cho quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm và luôn sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức, đóng góp vào một tương lai “hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững”, như mục tiêu mà Hội nghị cấp cao Pháp ngữ hướng tới.

Phóng viên: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết về những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước Mông Cổ, Ai-len, Pháp; cũng như những đóng góp của Việt Nam tại Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) trong thời gian qua?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam với các nước Mông Cổ, Ai-len, Pháp và cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phát triển tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. 

Mông Cổ là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng cả về vật chất lẫn tinh thần trong phong trào đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc. Ngày nay, hai nước thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, duy trì hợp tác chặt chẽ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Hợp tác trên các lĩnh vực được hai nước triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả thực chất.

Ai-len hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại thị trường EU và có chính sách ưu tiên Việt Nam là một trong hai quốc gia châu Á  nhận viện trợ phát triển, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, bình đẳng giới, ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ dân tộc thiểu số, người khuyết tật và hỗ trợ rà phá bom mìn... Đến nay, Ai-len đã cấp khoảng 250 học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam thông qua các Chương trình học bổng toàn phần Irish Aid được triển khai từ năm 2009. Ngoài ra, hai nước đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ai-len.

Với Pháp, sau 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược, tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố. Gần đây nhất, lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Pháp dự Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đã khẳng định mong muốn cùng Việt Nam “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Pháp đang là một trong những đối tác châu Âu hàng đầu của Việt Nam về du lịch, thương mại, đầu tư, viện trợ ODA; tham giavào nhiều dự án góp phần vào sự phát triển, hiện đại hóa, cải thiện chất lượng và môi trường sống của người dân Việt Nam như Dự án Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long…

Hợp tác Việt Nam và Pháp ngữ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Cộng đồng Pháp ngữ luôn xem Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế xã hội, là trung tâm trong các hoạt động hợp tác pháp ngữ tại khu vực.Về phần mình, Việt Nam là một trong những thành viên thúc đẩy mạnh trụ cột kinh tế, nhất là kinh tế số trong không gian Pháp ngữ. Với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, có dân số khoảng 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian kinh tế Pháp ngữ còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác một cách sâu rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, du lịch bền vững, khoa học, công nghệ…

Với những bước phát triển tích cực đó, tôi tin tưởng rằng chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thành công và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố vững chắc những cơ sở, nền tảng trong quan hệ của Việt Nam với Mông Cổ, Ai-len, Pháp và cộng đồng Pháp ngữ; đồng thời khai phá thêm những dư địa, tiềm năng mới trong hợp tác với mỗi nước, góp phần đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.

Phóng viên: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ./.

 
 
Mạnh Hùng