Nâng cao chất lượng lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 

(ĐCSVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động, tuy nhiên cũng đòi hỏi chất lượng lao động cần được nâng lên. Đây là thách thức không nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam.

Nội dung trên được các đại biểu quan tâm thảo luận tại Diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Diễn đàn do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 31/10, tại Hà Nội.

Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 dù mới khởi đầu nhưng đã có tác động nhất định đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tại nước ta. Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm được cho là ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của khoa học và công nghệ nói chung, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot, công nghệ tự động hóa nói riêng.

Những thành tựu này đang giúp thay cho con người trong lao động, sản xuất với hiệu quả và năng suất cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập có nguy cơ gia tăng nhanh, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra nếu nước ta không tận dụng được những cơ hội tốt mà cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra.

Nghiên cứu về lao động giản đơn (lao động chưa qua đào tạo), nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Thuật (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) cho hay, mặc dù hơn 98% lao động giản đơn có việc làm (42,4 triệu người) nhưng loại hình lao động này được cho là có số lượng lao động thiếu việc làm nhiều nhất và chủ yếu thực hiện những công việc không ổn định, công việc có thu nhập thấp. Đặc biệt là lao động ở nông thôn và lao động nông thôn di cư ra đô thị.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động giản đơn nước ta hiện nay đang đứng trước vấn đề kép: vừa yếu kỹ năng cứng (thiếu chuyên môn kỹ thuật) vừa yếu kỹ năng mềm (thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian,…).

Vì vậy, theo TS. Nguyễn Văn Thuật, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc cần đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cho lao động giản đơn là điều cần thiết vừa để đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, vừa là cơ sở để mỗi lao động khẳng định bản thân để có thể gia nhập vào vị thế của loại hình lao động cao hơn mà sự phát triển đang cần.

Đồng quan điểm, PGS.TS Cao Văn Sâm (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Đối với lao động giản đơn, những công việc mới đòi hỏi lực lượng này cần có kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp. Tuy nhiên, với vấn đề kỹ năng mềm hiện nay được đề cập trong chính sách đào tạo vẫn còn khá mờ nhạt. Mặt khác, để tạo điều kiện cho việc thống nhất số liệu thống kê về lao động giản đơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần xây dựng Thông tư quy định cho việc này, đặc biệt về các tiêu chí của lao động giản đơn.

Còn theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, thị trường lao động Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu và phổ biến là cung và cầu lao động kỹ năng thấp. Cung lao động Việt Nam chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp, giá rẻ. Hiện nay, mới chỉ có 20,01% được đào tạo cơ bản, còn lại gần 80% không được đào tạo. Trong số 20,01% (số liệu của Tổng cục Dạy nghề), cơ cấu đào tạo cũng chưa hợp lý, thầy nhiều thợ ít, lực lượng công nhân kỹ thuật bậc cao rất khan hiếm. Bậc trên đại học, cử nhân, kỹ sư nhiều hơn so với nhu cầu thị trường lao động. Với cầu lao động Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào số lượng doanh nghiệp được thành lập ra.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, để nâng cao chất lượng lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động về bản chất, nội dung và yêu cầu cũng như tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là yêu cầu tiên quyết để các ngành, các cấp, người lao động, người sử dụng lao động cùng chung sức vượt qua những thách thức, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động – việc làm. Trong đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì và tiếp tục phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, hỗ trợ người lao động trong đào tạo và tái đào tạo để thích ứng với bối cảnh mới. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp, tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng đào tạo theo hướng trang bị tay nghề, giáo dục thái độ lao động mới để người lao động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu việc làm cả hiện tại và sau này./.

BT

332 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 844
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 844
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76428902