Mới đây, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo chí về những mục tiêu đặt ra của ngành lâm nghiệp trong năm 2019.
Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (Ảnh: BT)
Phóng viên (PV): Năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 10% số vụ vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2018, xin Thứ trưởng cho biết giải pháp của ngành để thực hiện nhiệm vụ này?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Để phát triển lâm nghiệp bền vững, việc đầu tiên rất quan trọng là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Cùng với đó là tăng năng suất và chất lượng của rừng. Năm 2018, bằng những giải pháp quyết liệt, chúng ta đã giảm được 22% số vụ vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp và giảm được 30% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng và phá rừng trái pháp luật gây ra.
Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương và Nghị quyết 71 của Chính phủ nên đã kiểm soát rất chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Bước đầu chúng ta đã rà soát trên 3.000 dự án với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng trên 122 nghìn ha rừng tự nhiên. Đến nay, chúng ta mới giải quyết được một số lượng khoảng gần 500 nghìn ha. Chúng ta phải đảm bảo mục đích trước hết là quốc phòng an ninh và những dự án về an sinh xã hội quan trọng để ổn định dân sinh, ổn định đời sống cho những người dân di cư.
Năm 2019, trên cơ sở thành tựu đó, ngành NN&PTNT giao trách nhiệm cho lâm nghiệp phải giảm được 10% số vụ vi phạm pháp luật, đồng nghĩa với việc phải giảm khoảng 1.000 vụ vi phạm pháp luật trong năm 2019 và giảm khoảng 20% diện tích rừng bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, tức là phải giảm từ 200-300 ha.
Tôi cho rằng với sự quyết liệt hiện nay của các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương cùng với việc tăng cường giám sát tại hiện trường, nhất là triệt phá những đường dây phá rừng trái pháp luật hiện nay, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến, tăng cường các giải pháp quản lý tại chỗ của kiểm lâm địa bàn, của chủ rừng, tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
PV: Với lực lượng kiểm lâm như hiện nay, theo Thứ trưởng, mục tiêu trên liệu có khả thi?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Chúng tôi nhất quán quan điểm từ trước đến nay, kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ rừng nhưng nếu chỉ có mỗi lực lượng kiểm lâm sẽ không hoàn thành được mục tiêu bảo vệ rừng. Thực hiện bảo vệ rừng, trước hết là chủ rừng. Chúng ta đã kiên trì và thực hiện rất tốt việc giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp, cho các hộ gia đình cá nhân, không chỉ để bảo vệ rừng mà còn giúp họ có thu nhập từ rừng.
Kiểm lâm chỉ là lực lượng thừa hành pháp luật, giám sát thực thi và bảo vệ ở những khu vực trọng điểm, nhất là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Vì vậy, chúng ta mặc dù không tăng biên chế nhưng với những giải pháp, những cơ chế chính sách hiện nay thì người dân và các chủ rừng là những người trực tiếp bảo vệ rừng.
PV: Năm 2018, ngành gỗ tiếp tục ghi điểm tốt trong kim ngạch xuất khẩu, trong đó, công tác chế biến gỗ góp phần rất quan trọng. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về lĩnh vực này trong năm qua?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 có thể nói là một dấu ấn rất ấn tượng. Chúng ta đã đạt được kim ngạch xuất khẩu trên 9,3 tỷ USD, vượt cả kỳ vọng mong muốn đặt ra từ đầu năm 2018 khoảng 9 tỷ USD. Sản phẩm của chúng ta đã có mặt trên thị trường của 120 nước và vùng lãnh thổ, đồng thời đã có 4.700 doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay có vốn lớn, có năng lực quản trị và đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới. Bước đầu, các doanh nghiệp đã gắn kết việc phát triển sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Thành công của xuất khẩu năm nay nhờ sự thúc đẩy, tạo hứng khởi bằng cơ chế chính sách, bằng chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Với việc tạo hứng khởi, doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành này. Tôi đánh giá rất cao ở hai điểm: thứ nhất, các doanh nghiệp đầu tư có lợi nhuận cao hơn một số ngành nghề khác; thứ hai, doanh nghiệp đầu tư vào ngành này rất bền vững. Những người làm xuất khẩu gỗ và lâm sản đều có ý chí và thực hành cao trong việc nói không với sử dụng nguyên liệu gỗ bất hợp pháp, góp phần vào việc thực hiện thành công việc đóng cửa khai thác rừng tự nhiên.
Trong năm 2018, chúng ta đã có nguồn gỗ nguyên liệu ở trong nước khoảng 25,7 triệu m3. Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước của chúng ta tăng lên nhanh chóng và đáp ứng gần khoảng 80% nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, vì vậy, chúng ta đã xuất siêu trong ngành này được gần 7 tỷ USD.
PV: Năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu từ 10,5 tỷ USD, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tính khả thi của mục tiêu này?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Năm 2018 chúng ta tăng được kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD. Năm 2019 đặt ra mốc 10,5 tỷ USD, đồng nghĩa với mức tăng trưởng 1,2 tỷ USD so với năm 2018. Đây chưa phải là kỳ vọng cao hơn nhưng là con số có tính khả thi. Thứ nhất là, chúng ta đang tranh thủ được trong năm 2019-2020 những thuận lợi trong quan hệ thương mại giữa các thị trường lớn. Bên cạnh đó, chúng ta còn có quan hệ thương mại tốt với các thị trường lớn khác như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Song song với đó, chúng ta đang có nội lực tăng lên, thể hiện ở việc năm 2019, có thể tăng sản lượng gỗ khai thác trong nước khoảng 1,5 triệu m3 phục vụ cho nguồn cung nguyên liệu. Các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào ngành hàng này tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trong năm 2018, năm 2019 bắt đầu hoạt động, vì vậy, công suất, sản lượng sẽ tăng. Đây cũng là các doanh nghiệp hướng về xuất khẩu với chất lượng cao. Vừa qua, các doanh nghiệp đã thông tin với Bộ các đơn hàng có thể tăng lên khoảng 1,5 tỷ USD trong năm 2019 so với 2018, vì vậy, phương án chúng ta đặt ra tăng lên 1,2 tỷ USD là hoàn toàn có khả thi.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.
BT (ghi)