Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Báo cáo của Chính phủ, chiều 25/6 - Ảnh: VGP/LS
Làm rõ các yếu tố về chính sách ưu đãi và điều kiện lao động
Chiều 25/6, tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan; trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19/6/2024, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Theo đó, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2 nội dung.
Thứ nhất, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024).
Thứ hai, quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp).
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 01/7/2024 với các nội dung.
Thứ nhất, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay). Theo tính toán của Bộ Tài chính khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW thì mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%.
Căn cứ cơ sở đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) thì đương nhiên các đối tượng hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng được tăng tương ứng mức 30%.
Thứ hai, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý.
Đối với một số bộ, ngành đang đề xuất có chế độ phụ cấp theo nghề, cần tiếp tục làm rõ các yếu tố về chính sách ưu đãi và điều kiện lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, Chính phủ đề xuất từ ngày 01/7/2024 điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024).
Đồng thời đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), cao hơn 5,7% so với mức tăng lương 30% của công chức.
Điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Bộ trưởng cho biết mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.
Cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp; đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội.
Về hạn chế, Bộ trưởng cho biết chưa thực hiện được các bảng lương và phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì CPI bình quân giai đoạn 2024-2026 sẽ tăng khoảng 0,72%.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách tiền lương - Ảnh: VGP/LS
Ủy ban Xã hội: Quan tâm đến giải pháp thực hiện nguồn lực thực hiện ổn định
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Ủy ban Xã hội thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và các nội dung khác đã nêu tại Báo cáo số 329/BC-CP; đồng thời, nhấn mạnh một số nội dung sau:
Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, toàn diện, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương hoàn thiện các bảng lương, các chế độ phụ cấp, chế độ nâng lương, chế độ tiền thưởng, nguồn lực thực hiện, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập để bảo đảm cải cách chính sách tiền lương thực sự là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Do việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội là vấn đề lớn, quan trọng, có tác động sâu sắc trong toàn xã hội, Chính phủ cần tăng cường công tác truyền thông để người có công, người hưởng lương hưu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân hiểu đúng về chính sách và tạo sự đồng thuận xã hội khi tổ chức thực hiện.
Về thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024, Ủy ban Xã hội thấy rằng, nội dung đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 01/7/2024 đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW.
Theo đó, thực hiện đầy đủ 02 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công. Hiện nay, Chính phủ cũng đang quyết tâm, tích cực ban hành văn bản để bảo đảm thực hiện các nội dung này từ 01/7/2024.
Cùng với việc tăng lương cơ sở, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ quan tâm đến các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công; cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới để các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên cân đối được thu - chi và có tích luỹ; bảo đảm quyền tự chủ thực chất khi thực hiện tự chủ tài chính.
Về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Đồng thời, Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ định kỳ rà soát, xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để từng bước tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn[1] và sớm thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết số 42-NQ/TW và Nghị quyết số 108/2023/QH15.
Chính phủ xem xét quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội mới được bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, một cách thỏa đáng và ở mức hợp lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tính toán, trình bổ sung trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để triển khai thực hiện.
Lê Sơn