|
Hoạt động rà phá bom mìn của các tổ chức phi chính phủ tại Quảng Trị |
Báo cáo kết quả xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) của tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2014 - 2019 nêu rõ, tỉnh Quảng Trị hiện có quan hệ hợp tác với 67 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế. Các chương trình, dự án của các tổ chức PCPNN/nhà tài trợ tập trung triển khai trong các lĩnh vực: khắc phục hậu quả chiến tranh; y tế; giáo dục và đào tạo; giải quyết các vấn đề xã hội; người khuyết tật; phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp…
Trong đó số chương trình, dự án, viện trợ phi dự án tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh do đặc thù tỉnh Quảng Trị là địa phương có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất trong cả nước (hơn 81%) và đang cần sự hỗ trợ, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, các dự án còn góp phần xây dựng, nâng cao năng lực cho các đối tác Việt Nam, tăng cường hiểu biết và mở rộng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Quảng Trị với bạn bè quốc tế.
Các chương trình/dự án mà các tổ chức PCPNN/nhà tài trợ triển khai giai đoạn 2014-2019 tại địa phương góp phần thiết thực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, phù hợp với các ưu tiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, các chương trình, dự án PCP còn góp phần xây dựng và nâng cao năng lực cho các đối tác Việt Nam, tăng cường hiểu biết và mở rộng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh vận động, thu hút nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam ngày càng khó khăn khi nước ta đã vươn lên ngưỡng các nước có thu nhập trung bình thì những khoản tài trợ của các tổ chức PCPNN cũng đang có xu hướng giảm. Lĩnh vực triển khai đạt hiệu quả nhất là khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị đã giúp giảm thiểu tai nạn bom mìn và số nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh qua các năm, giảm thương vong và tổn thất cho người dân và chi phí cho xã hội.
Bên cạnh đó, hiệu quả đến từ các dự án còn được thể hiện ở việc tăng diện tích đất phục vụ canh tác, định cư, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; góp phần nâng cao nhận thức nguy cơ bom mìn đối với nhân dân địa phương, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường; giúp cho nạn nhân bom mìn có điều kiện để vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
Thông qua các dự án, một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với kỹ thuật, công nghệ hiện đại cũng đã được đào tạo. Đây sẽ là một nguồn lực quan trọng để giúp tỉnh giải quyết vấn đề hậu quả bom mìn bền vững trong tương lai; tạo việc làm ổn định cho gần 800 lao động địa phương.
Mặc dù đạt được nhiều thành công, tuy nhiên hoạt động xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Quảng Trị cũng còn một số khó khăn như phần lớn các chương trình và dự án PCPNN có thời gian thực hiện ngắn, mang tính nhỏ lẻ và chưa liên tục. Điều này gây khó khăn cho đối tác địa phương trong việc lập kế hoạch hợp tác hằng năm.
Một số tổ chức PCPNN đặt yêu cầu ngày càng cao hơn về tỉ lệ đóng góp của địa phương. Mặc dù chính quyền các cấp đã chú ý đến việc bố trí vốn đối ứng, nhưng ngân sách của tỉnh còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, một số dự án không được tài trợ, hoặc được tài trợ nhưng thực hiện bị chậm trễ.
Khi chương trình, dự án PCPNN kết thúc, khả năng chuyển giao lại cho địa phương để duy trì hoạt động khó thực hiện được do không đảm bảo nguồn ngân sách từ địa phương.
Định hướng phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Trị phấn đấu vận động nguồn viện trợ đạt 110 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, giáo dục, vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực quản lý.
Mai Anh