Sáng 16/6, Ban Chỉ đạo Cải cải tư pháp (CCTP) Trung ương họp phiên thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cho ý kiến về Đề án "Đổi mới công tác thi hành án hình sự" và thông qua kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCTP.

Tại phiên họp, thay mặt Đảng uỷ công an Trung ương, Trung tướng,Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trình bày  dự thảo Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự (THAHS) ”. Mục tiêu của Đề án nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình công tác thi hành án hình sự; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới đồng bộ, toàn diện, khoa học, có tính khả thi và tổ chức thực hiện có hiệu quả; từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về THAHS bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp, tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền công khai, minh bạch, tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Ban Chỉ đạo Cải cải tư pháp Trung ương họp phiên thứ 5. (Ảnh: TH).

Tại phiên họp, các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng Đề án. Đồng thời cho rằng Dự thảo Đề án đã làm rõ tình hình, thực trạng công tác THAHS, đánh giá các quy định pháp luật mới liên quan đến THAHS...

Tuy nhiên, dự thảo  Đề án còn chưa phân tích thật rõ và chưa cụ thể những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức THAHS; chưa chỉ ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan của khó khăn, vướng mắc, bất cập này; các giải pháp đề xuất còn chưa thật cụ thể, chưa xác định lộ trình thực hiện.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình lưu ý, phải cân nhắc việc đổi mới công tác THAHS phù hợp với Luật đặc xá, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 và các luật liên quan.

“Đề án cần xác định rõ, cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan tổ chức liên quan trong việc thực hiện từng giải pháp; thời gian thực hiện lộ trình”, Chánh án nói.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng cho rằng, Đề án cần làm rõ hơn mục tiêu nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm tốt hơn quyền con người quyền công dân đối với người đang chấp hành bản án hình sự.

Cũng trong phiên họp này, Ban Chỉ đạo thảo luận, thông qua Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ CCTP tại các cấp uỷ, tổ chức đảng. Theo kế hoạch, sẽ thành lập 8 đoàn kiểm tra tại 16 tỉnh uỷ. Mốc thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến 30/6/2018. 

Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương nhấn mạnh, Đề án đổi mới công tác THAHS cần quán triệt, thực hiện đúng đắn mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ CCTP nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW để xác định rõ mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp đổi mới công tác THAHS phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Trong đó, xác định rõ mục tiêu của việc đổi mới công tác THAHS là hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành, bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với điều kiện trong nước; xác định rõ lộ trình, trách nhiệm triển khai thực hiện của các cấp, các ngành.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương phát biểu kết luận Phiên họp. (Ảnh: TH).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu nội dung đánh giá thực trạng công tác THAHS phải nêu rõ hơn những ưu điểm cần tiếp tục duy trì, phát huy; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể để có cơ sở đề ra phương hướng, giải pháp đổi mới. Đặc biệt là phân tích rõ hơn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giam giữ đối với phạm nhân bị án tử hình và việc thi hành án tử hình; công tác quản lý, giam giữ, cải tạo, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp và việc thực hiện các chính sách đối với phạm nhân phải chấp hành bản án phạt tù; công tác quản lý, theo dõi, giáo dục đối với người thi hành án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế...

“Việc đổi mới công tác THAHS trong thời gian tới cần xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và lộ trình, trách nhiệm thực hiện đối với từng lĩnh vực công tác - bao gồm phương hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật, đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức thi hành án tử hình, án phạt tù, án treo, cải tạo không giam giữ”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục quán triệt, thể chế hóa và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW đối với công tác hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và công tác quản lý, theo dõi, giáo dục đối với người thi hành án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế...

Chủ tịch nước đề nghị Đảng uỷ Công an Trung ương tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án.

Cho ý kiến chỉ đạo về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ CCTP, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, căn cứ vào Kế hoạch chung của Ban Chỉ đạo, đề xuất với cấp ủy nơi mình công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra tại bộ, ngành mình. Trên cơ sở đó, chọn lọc vấn đề nổi cộm để kiểm tra tại các cấp ủy. Quá trình kiểm tra phải thực hiện đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ được giao; bảo đảm tính khách quan, toàn diện, thiết thực, hiệu quả./.

Thu Hằng