Ý NGHĨA TỪ NHỮNG LÁ ĐƠN XIN THOÁT NGHÈO 

Theo số liệu thống kê, năm 1989 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Trị chiếm trên 64,7%; năm 2016 chiếm 15,43% (24.579 hộ); năm 2018 chiếm 9,69% (16.730 hộ nghèo); năm 2019 chiếm 8,03% (13.998 hộ nghèo).

Cuộc sống của các hộ nghèo trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Số liệu thống kê trên cho thấy rõ rằng, công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh đạt được những kết quả nổi bật, đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Từ chỗ hàng năm phải đối phó chật vật với nạn đói giáp hạt, thì đến nay tỉnh cơ bản không còn hộ thiếu đói; người nghèo được cải thiện đáng kể về điều kiện sống, được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; một số nhu cầu thiết yếu của người nghèo đã được đáp ứng như: nhà ở, nước sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh. Nhiều hộ nghèo đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Từ năm 2016-2019, tổng số hộ viết đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo là 136 hộ. Việc xin thoát nghèo của các hộ dân không chỉ đơn thuần là xóa tên trong danh sách những người nhận trợ cấp, ưu đãi của Nhà nước hàng tháng, mà hơn hết đó là sự tự trọng, là ý thức không trông chờ, ỷ lại vào xã hội. Họ là những tấm gương, là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo của các hộ dân một mặt thể hiện sự tự lực vươn lên của người nghèo, mặt khác góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng về chính sách cho người nghèo và còn tạo ra cơ hội thiết thực hơn cho các hộ khó khăn khác. Việc thay đổi nhận thức của hộ nghèo đối với công tác giảm nghèo, nhất là những trường hợp tự nguyện xin thoát nghèo trên địa bàn tỉnh là rất đáng biểu dương. Đó là những tấm gương sáng để những hộ nghèo nào còn có tư tưởng ỷ lại, chưa có sự nỗ lực vươn lên nhìn vào để phấn đấu và “soi” lại mình. Bởi việc giảm nghèo muốn đạt hiệu quả cao và bền vững thì không ai khác, chính các hộ nghèo cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống, nâng cao đời sống.

Người dân nỗ lực vượt khó, thoát nghèo

Với quyết tâm thoát khỏi cảnh đói nghèo, người dân Quảng Trị, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi tập quán, kỹ thuật sản xuất, chuyển từ hình thức sản xuất quảng canh sang hình thức sản xuất bán thâm canh và thâm canh; thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương để phát triển sản xuất, chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả, đưa các giống cây, con mới phù hợp, có năng suất cao vào sản xuất, cho thu nhập cao, không để đất bỏ hoang. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa có liên kết tạo lợi nhuận cao cho người dân; các mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch đã đem lại cho người dân những mùa vàng bội thu như mô hình gạo sạch, mô hình chăn nuôi lợn liên kết, ứng dụng công nghệ mới,  mô hình kết hợp cá-lúa, trồng cỏ nuôi bò, nuôi cá nước ngọt, trồng tiêu, chuối, cao su tiểu điền, mô hình nuôi 1ợn bản, nuôi dê, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Từ nhận thức, ý chí của người nghèo và từ tinh thần không cam chịu đói nghèo, những lá đơn tự nguyện được các hộ nghèo gửi đến cơ quan chức năng xin thoát nghèo đã chứa đựng những ý nghĩa lớn lao, mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc.              

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tỉnh đã xác định công tác xóa đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị khóa XVI đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 22/6/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016- 2020. UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo dõi, phụ trách, chỉ đạo từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể của Chương trình giảm nghèo bền vững. Sở Lao động, Thương binh & Xã hội là cơ quan thường trực theo dõi Chương trình giảm nghèo bền vững đã thực hiện Chương trình ký kết phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững với các tổ chức đoàn thể. Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng các phong trào từ thiện, nhân đạo; tổ chức các phong trào thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Công tác vận động Quỹ  ”Vì người nghèo”, chăm lo, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng khó khăn được triển khai thực hiện hiệu quả và thiết thực, nhất là hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, phát triển sản xuất - kinh doanh thoát nghèo bền vững với phương châm “Lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tính đến ngày 30/11/2019, Quỹ “Vì Người nghèo” các cấp trong tỉnh huy động được trên 18 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 413 nhà Đại đoàn kết với tổng giá trị hơn 12,130 tỷ đồng. Chú trọng công tác phối hợp, hiệp thương thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội trong phân công giúp đỡ hộ gia đình thoát nghèo bền vững theo địa chỉ cụ thể, đồng thời giám sát, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả và tính thực chất việc hỗ trợ vay vốn sản xuất từ nguồn “Quỹ Vì người nghèo”.

Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện để người nghèo, người cận nghèo nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi về giáo dục đối với các học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định. Có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ tạo điều kiện để các đối tượng từ 15 tuổi đến 30 tuổi được tiếp cận về giáo dục, duy trì vững chắc tỷ lệ (gần 100%) trẻ em trong độ tuổi đến trường. Khuyến khích động viên người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số tích cực đến trường học tập, nâng cao trình độ văn hóa. Từ năm 2016-2020, toàn tỉnh đã thực hiện miễn, giảm học phí cho 121.593 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí miễn, giảm trên 32,29 tỷ đồng. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo. Thực hiện cấp trên 840.000 lượt thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai có hiệu quả chính sách của Nhà nước hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo. Tập trung huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm để hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho hộ nghèo. Từ năm 2016-2020, đã hỗ trợ 1.342 nhà ở cho hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 35,79 tỷ đồng. Phân bổ kinh phí 51,64 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện cho 97.257 lượt hộ nghèo nhằm hỗ trợ nhu cầu sử dụng điện chiếu sáng cho hộ nghèo. Các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho 1854 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,77 tỷ đồng. Các cấp, các ngành đã tư vấn, giới thiệu để tạo việc làm mới cho 5.198 lao động nghèo, cận nghèo. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo các trạm truyền thanh cơ sở, phát triển mạng viễn thông ở các vùng nông thôn, vùng miền núi nhằm tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ thông tin, sử dụng các thiết bị viễn thông, phát thanh truyền hình, giúp họ hiểu biết quyền, nghĩa vụ mình, chủ động tiếp cận với các chính sách trợ giúp của nhà nước để vươn lên thoát nghèo.

Tỉnh Quảng Trị xác định nguồn lực địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng, làm đòn bẩy tài chính trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại địa phương, nguồn vốn ủy thác địa phương từ tỉnh đến huyện chuyển qua NHCSXH mỗi năm đều tăng và thực hiện cấp vốn ngay từ đầu năm. Tổng số lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn là 121.175 lượt hộ, với tổng số tiền cho vay là 4.123,13 tỷ đồng (từ năm 2016-2020). Thông qua việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư cho sản xuất- kinh doanh.

Với sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh cùng sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo và sự chủ động viết đơn xin thoát nghèo của các hộ nghèo đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính sách hỗ trợ của chính quyền, của xã hội về giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, khơi gợi và lan tỏa mạnh mẽ ý chí thoát nghèo của người dân.

Trong thời gian tới, nhất là trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ tác động, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vì vậy, để ngày càng có nhiều hộ tự nguyện thoát nghèo rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ, sẻ chia nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh, để sao cho đằng sau mỗi lá đơn xin thoát nghèo ấy là cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là niềm tin, ý chí khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân./. Thủy Phương

1065 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2064
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 2065
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76253899