Xây dựng phong cách sống của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 

Phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm một hệ thống lề lối, cung cách, cách thức, thái độ, phong độ, phẩm chất, trở thành nề nếp trong tất cả các hoạt động, công tác, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt… Đó là phong cách mẫu mực của người cách mạng, người cán bộ, đảng viên, nó gắn bó mật thiết với tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng.

Nét chung trong phong cách sống, phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất mực giản dị, đạm bạc trong đời sống vật chất, nhưng lại vô cùng phong phú, thanh cao về giá trị đạo đức - tinh thần; chứa chan tình yêu thương con người, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp... với những rung động, nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ. Phong cách sống của Người thể hiện những nét đặc trưng sau đây:

Một là, phong cách sống cần kiệm, liêm chính. Cả trong lời nói và việc làm Hồ Chí Minh luôn luôn tự mình thực hiện cần kiệm, liêm chính, đó không chỉ là do hoàn cảnh mà từ đạo đức, nhân cách của con người Hồ Chí MInh. Sinh ra tại một vùng quê nghèo, một đất nước nghèo, bị nô lệ, Người nung nấu một tình yêu quê hương, đất nước ra đi làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Trong tư cách một người lao động, phải tự thân vận động để sống và hoạt động, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành cho mình một lối sống rất mực cần cù, giản dị, tiết kiệm gần gũi với lối sống của những người lao động, người cách mạng chân chính. Ngay cả khi đã trở thành chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn giữ lối sống cần kiệm, liêm chính mẫu mực của mình. 

(Ảnh tư liệu)

Khác nhiều vị lãnh tụ, Người chọn cho mình một cuộc sống bình dị như đại đa số người dân bình thường, không cách biệt, không vương giả. Từ chối dinh thự của Toàn quyền Đông Dương cũ, Người dọn về ở và làm việc tại ngôi nhà sàn giống kiểu nhà sàn của đồng bào nơi vùng cao của chiến khu Việt Bắc. Người dùng tầng dưới làm nơi họp Bộ Chính trị và làm việc với cán bộ các bộ, ban, ngành, tiếp một số đoàn khách, bạn bè đồng chí gần gũi, hoặc các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ghét thói xa hoa, lãng phí, hưởng thụ, và xa lạ với thói phô trương, hình thức, trong phòng làm việc cũng như phòng ngủ của Người chỉ có những đồ vật thật sự cần thiết và hết sức đơn giản. Bữa ăn hàng ngày của Bác thường có canh cua, tương cà, dưa muối, cá bống kho với lá gừng… Đó là những món ăn quen thuộc, dân giã, mang hương vị của mỗi làng quê Việt Nam mà Người ưa thích. Quý trọng công sức, tài sản và cả thời gian của nhân dân, trong mỗi bữa ăn, Người không bao giờ để thừa, tránh lãng phí. Tiết kiệm và sống giản dị, những lúc làm việc ở nhà thường mặc bộ quần áo bà ba lụa màu nâu, đi đôi guốc gỗ. Còn khi tiếp khách, đi công tác Người thường mặc bộ quần áo ka ki bốn túi và đi đôi dép cao su. Trong sinh hoạt hàng ngày, Người luôn đặt cho mình một kỷ luật hết sức chặt chẽ, giữ nếp trật tự, ngăn nắp gọn gàng, thường xuyên chú ý đến việc rèn luyện sức khỏe, sắp xếp thời gian thực hiện mọi công việc thật hợp lý và sao cho có hiệu quả tốt nhất.

Hai là, phong cách sống hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông – Tây. Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho - Phật - Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu - Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam.  Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng cách tân, đổi mới với bản lĩnh sáng tạo, không giáo điều, biệt phái mà trái lại, hết sức khoáng đạt, thấm nhuần tinh thần khoan dung và luôn thực hành văn hóa khoan dung, mang cốt cách hiền triết Á Đông, đậm bản sắc Việt Nam. Trong phong cách sống, Người phối hợp cả lối sống cộng đồng coi trọng tập thể của truyền thống Việt Nam với lối sống phương Tây coi trọng cá nhân con người. Điều này thể hiện qua phong cách điều tra tỷ mỷ và cách thức trình bày, lập luận chặt chẽ đầy sức thuyết phục trong hàng loạt bài phóng sự, bút chiến, tiểu phẩm, truyện ký…của Người.

Hồ Chí Minh mang dấu ấn cả Nho - Phật - Đạo, xuất thân từ một gia đình nho giáo nên Người đã học hỏi ở Nho giáo quan niệm về vai trò quan trọng của giáo dục cải tạo con người. Trả lời với nhà báo nước ngoài, Người nói: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước chúng tôi. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao?... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy.”

Ba mươi năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, nhưng Người vẫn giữ nguyên tình cảm quê hương, gia tộc, giọng quê xứ nghệ,…Suốt cuộc đời, Người luôn thể hiện lối sống hài hoà, giản dị, trọng tình, kính già mến trẻ, quý trọng phụ nữ, chung thuỷ với bạn bè, sống chan hoà với thiên nhiên và rất yêu thơ, ca…Hồ Chí Minh mang dấu ấn cả Nho - Phật - Đạo, xuất thân từ một gia đình nho giáo nên Người đã học hỏi ở Nho giáo quan niệm về vai trò quan trọng của giáo dục cải tạo con người. Không ít bài nói, viết của Người có trích dẫn hoặc vận dụng câu nói của Khổng Tử. Tinh thần nhân ái từ bi của Phật giáo, lối sống coi nhẹ hình thức của Lão giáo thể hiện trong cách ĂN – MẶC - Ở.  Người bộc lộ điều ước giản dị, mang đậm chất nông dân Việt Nam: “...Sau khi hoàn thành trách nhiệm…Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi...”.  

Ba là, tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Trong những nét phong cách, sức hấp dẫn và thuyết phục nhất của Người là phong cách của vị lãnh tụ luôn ung dung, tự tại, hòa nhập với thiên nhiên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Yêu thương con người và tình yêu thiên nhiên rộng lớn đã tạo nên ở Người phong cách sống vô cùng phong phú, mang cốt cách của một vĩ nhân luôn thấu hiểu sự đời, tinh thần lạc quan, thư thái, ung dung tự tại, chủ động trong mọi hoàn cảnh, vượt khỏi giới hạn thời gian, không gian. Thanh tao trong lối sống, Hồ Chí Minh còn là sự hài hòa, yêu thương con người, yêu thiên nhiên, đất trời, cây cỏ, hoa lá, chim muông, xem tất cả là sự sống. Những khi rỗi rãi, Người làm thơ với trăng, hoa, mai vàng, sương sớm... tất cả đều được nhân cách hóa, giao hòa với con người, một tấm lòng gắn bó với dân, với nước, theo đuổi khát vọng nhân văn cao cả.

Với Người, tình yêu thiên nhiên gắn liền với xuất phát từ tình yêu đất nước, tình yêu con người, vì hạnh phúc của con người, vì tương lai của đất nước. Gắn trồng cây với nhiệm vụ trồng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, chăm lo đào tạo thế hệ cách mạng cho muôn đời sau. Người đã đề xướng phong trào “Tết trồng cây”, vì “việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”: “Mùa Xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngày nay đã trở thành một phong tục tập quán tốt đẹp trong nhân dân.

Trong sinh hoạt đời thường, Hồ Chí Minh cứ thuận theo các điều kiện tự nhiên mà làm. Những người được sống bên Người đều có cảm nhận là chưa bao giờ thấy Người phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ. Khi tuổi cao, Người chủ động tiếp nhận những quy luật tự nhiên của con người, chủ động viết di chúc để lại những lời dặn dò, những mong muốn cho Đảng và nhân dân ta.

Phong cách sống, sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh thanh cao, giản dị và tinh tế, có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Đạo đức, phong cách, tư tưởng, sự nghiệp Hồ Chí Minh đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc, mãi mãi là tấm gương cho mọi người phấn đấu học tập và làm theo.

Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách sống của Người để mỗi cán bộ đảng viên nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn giá trị của phong cách Hồ Chí Minh. Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện cụ thể trong hành động, trong việc làm hàng ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, không ngừng hoàn thiện phong cách sống của người cán bộ, đảng viên theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Chỉ có như vậy, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ Quang Hóa

1650 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1445
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1445
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76440670