Xác định rõ địa vị pháp lý, tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ các lực lượng khác

Chiều ngày 29/5, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật CSBVN nhằm hoàn thiện pháp luật về CSBVN, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng CSBVN, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng CSBVN; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Các đại biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Thái Bá Dũng).

Theo ĐB Hồ Văn Thái (đoàn Kiên Giang) tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng CSBVN hết sức nặng nề. Hiện tại văn bản pháp lý cao nhất là pháp lệnh chưa cao, chưa tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn các vấn đề phát sinh, vì vậy việc nâng lên thành Luật là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động, phù hợp với hội nhập quốc tế.

ĐB Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hầu hết các quốc gia đều xây dựng luật về cảnh sát biển, bảo vệ vùng biển, quy định nhiệm vụ cảnh sát biển, lực lượng bảo vệ bờ biển tương ứng với luật pháp quốc tế. Tuy khác nhau về tên gọi nhưng nhiệm vụ giống nhau là duy trì an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ các nguồn tài nguyên môi trường, ngăn chặn chống buôn lậu, ngăn chặn cướp biển và là lực lượng chỉ đạo ứng phó với các sự cố tràn dầu ô nhiễm môi trường. Do đó, cần thiết ban hành Luật CSBVN để xây dựng lực lượng CSB chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thực thi pháp luật trên biển.

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng với nhiệm vụ quan trọng và nòng cốt trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển thì lực lượng CSB phải được xây dựng chuyên nghiệp, tinh nhuệ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, đề nghị làm rõ sự phối hợp giữa CSB với biên phòng, hải quân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Ví dụ, xảy ra sự cố về môi trường trên biển thì CSB  phải phối hợp với UBND địa phương để xử lý.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) lưu ý, xây dựng lực lượng cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì phải có cơ chế chính sách vượt trội và ưu tiên. “Không có ứng dụng khoa học công nghệ chắc chắn sẽ không có vũ khí, công nghệ hiện đại, như vậy khó có thể bảo vệ được an ninh trật tự trên biển”, ĐB Tiến nói.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị cần rà soát lại Luật Quốc phòng, Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để làm rõ hơn tính pháp lý để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng.

Về phạm vi hoạt động, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị cần xác định rõ địa vị pháp lý của lực lượng CSB, tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng an ninh khác, tạo “khoảng trống” trách nhiệm pháp lý trên biển hoặc “bỏ trống” vùng biển cần tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

Cân nhắc kỹ điều kiện quy định đặc xá đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật vì phù hợp với tổng kết thực tiễn thực hiện đặc xá thời gian qua; căn cứ các quy định của Luật, Chủ tịch nước sẽ quyết định thời điểm đặc xá cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Tuy nhiên, cho rằng hiện nay Chính phủ mới quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, đề nghị Chính phủ quy định cụ thể thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện.

ĐB Lê Thành Long (Thanh Hóa) Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, nên tính toán để cân nhắc bỏ quy định đặc xá ở thời điểm các ngày lễ lớn. Bởi quy định như vậy là “đến hẹn lại lên”, cộng với sau này thực hiện Điều 66 của Bộ luật Hình sự thì số lượng giữa các lần đặc xá là khá dày.

Đồng thời, đề nghị cần rà soát và cân nhắc kỹ việc đưa đối tượng như: người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố vào diện được đặc xá. Trong trường hợp nếu vẫn tiếp tục quy định những đối tượng phạm tội này thuộc diện đặc xá thì theo hướng các điều kiện phải nghiêm khắc hơn.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng việc quy định đặc xá các đối tượng trên cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi đây là các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, được thực hiện do lỗi cố ý, Bộ luật Hình sự cũng không cho phép tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với những đối tượng này./.

Thu Hằng