VẪN LÀ TIẾP TỤC CẠNH TRANH ĐỊA – CHÍNH TRỊ MANG TÍNH TOÀN CẦU 

Trong những năm gần đây, trước sự biến đổi của tình hình thế giới, các nước lớn tập trung điều chỉnh chính sách nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến các quốc gia, khu vực trong chiến lược địa chính – trị, địa - kinh tế; đạt mục tiêu chính sách khu vực và bảo đảm lợi ích quốc gia của mình. Sự điều chỉnh đó tác động đến cách ứng xử của hầu hết các quốc gia trong quan hệ quốc tế đương đại, nhất là quan hệ với các nước lớn.

Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn trong thời gian gần đây tác động đến sự phát triển của các quốc gia khác chủ yếu là của Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga.

          Trước khi đi vào vấn đề, xin nêu khái niệm “nước lớn”, bởi lẽ, trên thực tế  khái niệm này hiện nay không dễ thống nhất. Đồng thời làm rõ khái niệm “nước lớn” giúp chúng ta hiểu sâu hơn nội dung của chính sách điều chỉnh, đánh giá tác động, ảnh hưởng chính xác hơn trên các vực lĩnh vực, từ đó có cách ứng xử hợp lý nhằm bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia.

Nếu tiếp cận về lĩnh vực chính trị (tức là khả năng chi phối tình hình thế giới) thì có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), đó là Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Anh, vì năm quốc gia này có quyền phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Về lĩnh vực chính trị thì năm quốc gia này là nước lớn.

Nếu tiếp cận phân chia nước lớn theo lĩnh vực kinh tế thì Hoa Kỳ là số một. GDP của Hoa Kỳ năm 2018 là 19 ngàn tỷ USD. Thứ hai là Trung Quốc với GDP 13 ngàn tỷ USD; thứ 3 là Nhật Bản với khoảng 5,5 ngàn tỷ USD; thứ tư là Liên bang Đức: 4,5 ngàn tỷ USD; Vương quốc Anh khoảng 3,5 ngàn tỷ USD. Như vậy xét về kinh tế thì có 5 quốc gia lớn nhất: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Anh. Về kinh tế thì Nga hết sức khiêm tốn. Năm 2013, trước khi bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây cấm vận thì GDP của Nga là 2.200 tỷ USD, đứng thứ 6 thế giới. Sau 5 năm bị bao vây cấm vận, GDP của Nga giảm xuống chỉ còn 1.700 tỷ USD, xếp thứ 12 thế giới. Hiện nay, GDP của Nga nhỏ hơn GDP của bang Texas, Hoa Kỳ, nhỏ hơn GDP của thành phố Thẩm Quyến, Trung Quốc.

          Tiếp cận về lĩnh vực quân sự thì chỉ có 3 nước: Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc là nước lớn.

          Trong lịch sử văn minh nhân loại chưa bao giờ có một quốc gia có tiềm lực quân sự khổng lồ như Hoa Kỳ. Hiện nay, Hoa Kỳ bố trí gần 800 căn cứ quân sự vòng quanh trái đất, do đó về mặt quân sự, Hoa Kỳ là số một. Đứng thứ hai là Nga. Về số lượng vũ khí thì Nga không bằng Hoa Kỳ nhưng về chất lượng vũ khí hiện đại trong nhiều lĩnh vực thì Nga không kém Hoa Kỳ, thậm chí trong một số vũ khí còn vượt trước Hoa Kỳ. Quốc gia thứ 3 là Trung Quốc.

          Nhận thức chung về nước lớn và về thế giới hiện nay là như vậy.

          Hiện nay, trên hành tinh này có 216 quốc gia và vùng, lãnh thổ, suy cho cùng 3 quốc gia Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc có vai trò mang tính quyết định chi phối tiến trình phát triển của thế giới. Toàn bộ những vấn đề châu Đại Tây Dương, Ucraina, Dolbad; phần lớn các vấn đề của Trung Đông, như: Cuộc chiến ở Syria, tình hình I-rắc, vũ khí hạt nhân của I-ran, quan hệ Ixrael - Palestin… cả những vấn đề về biển Ban-tic và Địa Trung Hải cơ bản là quan hệ Hoa Kỳ với Nga. Như vậy, nửa Tây bán cầu và Trung Đông, Địa Trung Hải, Ban –tic thì Hoa Kỳ và Nga đóng vai trò giải quyết, chi phối đến tiến trình phát triển. Còn phía châu Á - Thái Bình Dương thì Hoa Kỳ với Trung Quốc có vai trò chi phối. Đối với Việt Nam, vấn đề chúng ta cần quan tâm nhất là, trong số các cường quốc thế giới: cường quốc kinh tế, cường quốc quân sự, cường quốc chính trị thì quốc gia nào tác động lớn nhất đến an ninh và phát triển của Việt Nam.

          Từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, chỉ có 02 quốc gia quan trọng nhất tác động lớn nhất đến an ninh và phát triển của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc và có thể là suốt thế kỷ XXI. Nước Nga cũng là cường quốc hàng đầu, tiếp cận theo phương diện quân sự, nhưng thực ra tác động trực tiếp đến Việt Nam vẫn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Do vậy, chúng ta quan tâm đến việc điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

          1. Điều chỉnh chính sách của Trung Quốc

          Để hiểu rõ hơn về sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc, chúng ta đề cập đến thành tựu vĩ đại trong suốt 40 năm mở cửa. Thông qua số liệu sau để chứng minh sự phát triển vĩ đại của Trung Quốc.

          Năm 1978, cách đây hơn 40 năm, GDP của Trung Quốc chỉ có 200 tỷ USD, tức là nhỏ hơn GDP của Việt Nam hiện nay; bình quân đầu người chỉ có 190 USD. Sau 40 năm, GDP năm 2018  của Trung Quốc là 13 ngàn tỷ USD, tức 40 năm tăng 65 lần. Bình quân đầu người từ 190 USD năm 1978, năm 2018 lên 9 ngàn USD, tăng 47 lần. Về dự trữ ngoại tệ: Tháng 4/1975, ông Đặng Tiểu Bình đi Nữu Ước dự phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an LHQ. Toàn bộ hệ thống ngân hàng của Trung Quốc năm 1975 chỉ có 38 ngàn USD dự trữ ngoại tệ. Tất cả các ngân hàng Trung Quốc dốc hết toàn bộ cho ông Đặng Tiểu Bình đi dự phiên họp đặc biệt. Tại Nữu Ước, ông Đặng Tiểu Bình và đoàn Trung Quốc phải tiết kiệm chi tiêu hàng ngày để giành một chút ít “boa” cho những người phục vụ trong khác sạn. Kết thúc cuộc họp tại Nữu Ước ra về, lúc ấy ông Đặng Tiểu Bình chỉ còn đủ tiền mua một thanh Sôcôla cho đứa cháu. Năm 2012, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hơn 4 ngàn tỷ USD, đến năm 2019, dự kiến dự trữ thêm trên 3 nghìn tỷ USD nữa. Như vậy, 44 năm, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng 90 triệu lần. Để công nghiệp hóa (CNH), điển hình nhất là nước Anh mất 200 năm, Nhật Bản mất 120 năm, 4 con rồng chấu Á: Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapo mất 50 năm, còn Trung Quốc chỉ mất 40 năm. Trong quá trình CNH để tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người nước Anh mất 60 năm, Hoa Kỳ mất 47 năm, Nhật Bản mất 30 năm, Hàn Quốc mất 11 năm, còn Trung Quốc chỉ mất 9 năm.

          Năm 2018, Trung Quốc sản xuất ra 700 đồ chơi của toàn cầu, 60% xe đạp của thế giới, 50% máy tính, máy ảnh của thế giới, 35% điện thoại di động toàn cầu, 30% máy điều hòa và tivi toàn cầu, 25% máy giặt trên thế giới.

Trong năm 2017, trên thế giới có 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thì 109 tập đoàn ở Trung Quốc, 4 tập đoàn lớn nhất thế giới thì có 3 tập đoàn của Trung Quốc. Trên thế giới có 500 máy tính lớn nhất thì có 207 máy tính ở Trung Quốc. Những số liệu này đã phản ánh sau 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu thần kỳ, một bước nhảy vọt vĩ đại. Trong lịch sử 5 nghìn năm của nhân loại chưa bao giờ có một quốc gia phát triển nhanh đến như vậy. Sự phát triển của Trung Quốc làm rung chuyển thế giới. Những số liệu này phản ánh Trung Quốc là công xưởng của thế giới.

          Thành tựu kinh tế thần kỳ của Trung Quốc là kết quả tổng hợp chính sách đối nội và đối ngoại dưới thời ông Đặng Tiểu Bình. Về đối nội, có câu châm ngôn nổi tiếng là “mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột”. Chính phủ Trung Quốc tạo mọi điều kiện cho người dân Trung Quốc có tiền, có điều kiện để kinh doanh, phát triển hết cở. Về đối ngoại, tháng 12/1978, trong cuộc họp Bộ Chính trị, ông Đặng Tiểu Bình đã yêu cầu: 50 năm nữa (tức là vào năm 2008), Trung Quốc không thách thức Mỹ, không đối đầu Mỹ, không chống đối Mỹ. Nếu 50 năm chưa phát triển đến độ cần thiết thì phải 75 năm, Trung Quốc chấp nhận trật tự của Mỹ, đi dưới cái bóng của Mỹ, dùng công nghệ kỹ thuật và nguồn tài chính của Mỹ và phương Tây cộng với 250 triệu lao động Trung Quốc để chấn hưng, phát triển. Đây chính là nội dung náu mình chờ thời của ông Đặng. Chưa bao giờ ở đâu chính sách đối nội, đối ngoại lại gắn bó với nhau như ở Trung Quốc suốt 40 năm qua.

          Bên cạnh những thành tựu thần kỳ như vậy thì từ năm 2017, 2018 nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ hàng loạt vấn đề bất cập, đứng trước hàng loạt thách thức cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Với sự tăng tốc như vậy thì nền kinh tế của Trung Quốc đã có vấn đề. Theo các chuyên gia kinh tế thì trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, chưa bao giờ có một quốc gia phát triển liên tục 50 năm, tối đa cũng chỉ 25 năm, Trung Quốc đã có sự phát triển 40 năm, do vậy bây giờ tích dồn hàng loạt vấn đề, thách thức.

          Thách thức lớn nhất của Trung Quốc là bắt đầu từ kinh tế: Tại Hội nghị Bộ Chính trị (BCT) ngày 25/4/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: Vấn đề quan trọng nhất, gay gắt nhất của Trung Quốc hiện nay là an ninh tài chính. Tỷ lệ nợ trên GDP là một tham số tiêu chuẩn cho tính bền vững của nợ, khả năng chi trả nợ của một quốc gia mà không cần sự hỗ trợ của nước ngoài, không cần hỗ trợ của Ngân hàng thế giới WB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Trung Quốc đầu tư cực kỳ lớn để xây cơ sở hạ tầng (CSHT) trong 40 năm qua. Trung Quốc tiêu thụ gần 50% xi măng của toàn cầu, tập trung xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, đường cao tốc, sân bay, bến cảng và bất động sản. Trong thời gian 2009 – 2011, 3 trung tâm kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu rơi vào khủng hoảng, thì Trung Quốc vẫn phát triển 8-9% do Trung Quốc có một chương trình kích thích kinh tế tri thức trị giá 589 tỷ USD trong 2 năm 2010 – 2011 kéo dài đến 2012. Buộc các ngân hàng nhà nước phải mở rộng tín dụng, chủ yếu cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn. Lúc 3 trung tâm kinh tế lớn của thế giới khủng hoảng, Trung Quốc đầu tư lớn. Chính điều này làm cho núi nợ công của Trung Quốc phình to ra. Về bong bong bất động sản: Trung Quốc có những thành phố ma, thành phố có 4 đến năm nhà cao tầng không có người ở. Đầu tư không hiệu quả, các công trình đầu tư của Chính phủ, đặc biệt là công trình của 31 tỉnh thành của Trung Quốc, vì thế đẩy nợ công, nợ xấu lên khổng lồ. Hiện nay, không ai biết được nợ công của Trung Quốc chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của Trung Quốc. Nhưng nhiều nguồn tin, kể cả nguồn tin của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), IMF thì Trung Quốc hiện nay đang có một khối nợ là 28 ngàn tỷ USD, lớn nhất hành tinh này. Nếu đem chia 28 ngàn tỷ USD cho GDP 13 ngàn tỷ USD thì tỷ lệ nợ công của Trung Quốc trên GDP là 215%, vượt ngưỡng cho phép của thế giới. Tại Đại hội thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, ông Chu Tiểu Xuyên – Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc cũng đã cảnh báo về nguy cơ giá trị tài sản sụt giảm nghiêm trọng. Thực tế từ năm 2015 đến giờ một dòng đô-la đã chảy ra khỏi Trung Quốc (chảy máu đô-la): Năm 2015, 1 ngàn tỷ USD chảy ra khỏi Trung Quốc, năm 2016: 1 ngàn một trăm tỷ USD, năm 2017 là 900 tỷ USD, năm 2018 cũng không dưới 800 tỷ USD. Điều này được Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc cảnh báo từ năm 2017 là hoàn toàn đúng.

          Lịch sử kinh tế thế giới mách bảo rằng, không một quốc gia nào liên tục đầu tư 20 năm mà không chịu bị ảnh hưởng. Trung Quốc đã tập trung đầu tư khổng lồ trong 40 năm. Nền kinh tế của Trung Quốc phát triển nhờ 3 trụ cột: Đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng.  Sau 40 năm phát triển, kinh tế Trung Quốc đang đứng trước hàng núi vấn đề: Nợ công, nợ xấu, sản xuất dư thừa. Nhiều nhà phân tích cho rằng nhiều nhà máy sản xuất hàng hóa chỉ chạy được công suất 50%, có những nhà máy chỉ 40%. Do vậy buộc Trung Quốc phải chuyển qua mô hình phát triển nâng cao giá trị của hàng hóa dịch vụ, chuyển từ quảng canh sang thâm canh, chuyển từ bề rộng sang chiều sâu. Đây là lý do mà Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách, bắt đầu từ chiến lược về kinh tế.

          Về môi trường của Trung Quốc cũng là một thảm họa: 20 thành phố bị ô nhiễm nhất hành tinh thì Trung Quốc có 16 thành phố (theo ADB). Chỉ 1% trong 500 thành phố lớn nhất Trung Quốc là đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng không khí do tổ chức Y tế thế giới quy định; 1/3 các con sông, 70% ao hồ và 60% mạch nước ngầm bị ô nhiễm. Bộ Nông nghiệp của Trung Quốc thông báo chính thức 16,1% diện tích trồng trọt và 10% gạo của Trung Quốc bị nhiễm chất độc. Hàng năm có 190 triệu người bị lao phổi, ung thư, đột quỵ trong 15 năm qua do nhiễm độc không khí, nước và đất. Trung Quốc bị nhiễm độc cả không khí, nước và đất. Ô nhiễm môi trường tác động lớn đến sự ổn định của chính trị - xã hội. Ở Trung Quốc, mỗi năm trung bình có 170 cuộc tụ tập đông người và những cuộc biểu tình hàng trăm hàng ngàn người liên quan đến thảm họa môi trường.

          Về vấn đề tham nhũng: Từ năm 2013 đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã triển khai chiến dịch chống tham nhũng. 8 ủy viên BCT, 50 ủy viên TW Đảng bị xử lý. Cán bộ từ cấp phòng trở lên là gần 1 triệu. Trung Quốc đã thành công trong vây bắt các quan chức tham nhũng chạy ra nước ngoài (4.300 quan chức) thu về hàng tỷ USD. Xung quanh chuyện này chúng ta cần phải có đánh giá khác quan, công bằng: Đâu đấy trong và ngoài Trung Quốc nói rằng, thông qua chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình loại bỏ đối thủ chính trị. Điều này không khách quan. Tất cả những kẻ bị ông Tập Cận Bình xử tù đều có tội với đất nước và nhân dân Trung Quốc. Mục đích của ông Tập Cận Bình là cứu Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này không phải có từ bây giờ. Năm 1997, cách đây 22 năm, trong một cuộc họp BCT của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Chu Dung Cơ – Thủ tướng Chính phủ lúc đó đã nói rằng, thảm họa lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là tham nhũng. Ông cũng nói thêm hãy chuẩn bị 100 quan tài và dành cho tôi quan tài thứ 100 trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng để cứu cái Đảng này, nếu cần chết tôi sẵn sàng chết. Cách đấu tranh chống tham nhũng của Trung Quốc đã mang lại hiệu quả cao, có tác dụng tích cực.

          Về lão hóa dân số: 30 năm Trung Quốc thực hiện chính sách 01 con. Từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc cho một cặp vợ chồng sinh 02 con. Nhưng hiện giờ rất nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh con, chính sách cho sinh 02 con nhưng dân số không tăng được. Trung Quốc thuộc trạng thái chưa giàu đã già, mới đạt 19 ngàn USD/người nhưng dân số đã già. Nhật Bản già hóa dân số khi đã đạt 33 ngàn USD/người. Hiện nay ở Trung Quốc 8 người làm việc nuôi 01 người nghỉ hưu. Theo tính toán thì 21 năm nữa, tức là vào năm 2040, 02 người Trung Quốc đi làm nuôi 01 người nghỉ hưu. Đây là thảm họa thực sự. Đến năm 2040, Trung Quốc phải chi 10 ngàn tỷ USD để trả lương hưu. Chính vì thế Trung Quốc phải điều chỉnh.

          - Điều chỉnh về chính sách kinh tế: Trung Quốc quyết tâm không để nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, thảm họa. Cho nên ông Tập Cận Bình chủ trương cho nền kinh tế hạ cánh mềm. Thời kỳ phát triển 8 - 10% qua rồi, bây giờ, theo thống kê của Trung Quốc, Trung Quốc chỉ giữ mức tăng trưởng quanh 6%/năm (6%, 6,5% hoặc 6,7%). Năm 2016, Tổng cục Thống kê của Trung Quốc thông báo tăng trưởng kinh tế của nước này tăng 6,7%, nhưng cũng chính vào năm này, Ngân hàng thế giới WB cho rằng, thực chất Trung Quốc chỉ tăng 1,2% (do cách tính GDP của WB). Nhiều nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học ở Trung Quốc cũng cho rằng thực chất tăng trưởng của Trung Quốc chỉ tăng 2-3%.

          Để duy trì nền kinh tế tăng trưởng vừa phải, không có đổ vỡ và giữ vai trò thế giới, Trung Quốc triển khai 02 chiến lược (về khoa học thì có thể gọi là siêu chiến lược), đó là “Vành đai và con đường”, “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” (Made in China 2025). Trong cuốn “Bàn cờ lớn” xuất bản năm 1989 của chiến lược gia số một của Hoa Kỳ có nói rằng, về lâu dài, kẻ nào thống trị được lục địa Á - Âu thì kẻ đó thống trị thế giới. Chiến lược “Vành đai và con đường” không chỉ diễn ra ở lục địa Á-Âu mà nó còn đến tận ở châu Phi, châu Mỹ Latin và châu Đại Dương. Chúng ta còn nhớ Kế hoạch Maksan của Mỹ để hỗ trợ châu Âu và Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ II chỉ có 5 tỷ USD. Nhiều nhà khoa học nói “Vành đai và con đường” cần 4 nghìn tỷ. Tuy nhiên theo tính toán của các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, muốn thực hiện “Vành đai và con đường” tối thiểu Trung Quốc cũng phải chi 1 nghìn – 1,5 nghìn tỷ USD. Đầu tư vào CSHT: Đường bộ cao tốc, đường sắt, đường hàng không, sân bay, cảng biển, đường điện, hệ thống viễn thông, các trung tâm dịch vụ lớn theo trục đường của “Vành đai và con đường” gồm 60 quốc gia. Đây thực chất là chuyển tư bản ra nước ngoài, chuyển một phần sản xuất dư thừa trong nước ra nước ngoài và sử dụng hiệu quả hơn nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc. Đầu tư CSHT tạo thành liên kết giữa Trung Quốc với một phần các quốc gia còn lại của thế giới. Theo quan điểm của Trung Quốc thì các nước tham gia đều được hưởng lợi. Điều này cũng đúng nhưng phải rất cảnh giác, cẩn thận, bởi vì nếu không cẩn thận thì trở thành con nợ của Trung Quốc (trên thực tế đã xảy ra ở Srilanca). “Vành đai và con đường” là một siêu chiến lược, tham gia vào đó là có lợi, vấn đề tham gia như thế nào, tham gia cái gì, tham gia mức độ nào. Trong khi thế giới đang đói vốn để xây dựng CSHT mà dửng dưng với “Vành đai và con đường” là không hợp lý. Việt Nam cũng vậy, vấn đề là phải tham gia mức độ nào để bảo vệ lợi ích quốc gia.

- Điều chỉnh về mặt công nghệ: Trung Quốc triển khai chiến lược “Made in China 2025” với mục đích là tự cung cấp 75% các linh kiện cốt lõi của nguyên vật liệu cơ bản cho ngành công nghiệp quan trọng như viễn thông và thiết bị hàng không; tự sản xuất 40% chip điện t, tự cấp 70% bộ phận robot công nghiệp, 80% số thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo.

          Với hai siêu chiến lược này, Trung Quốc đang tập trung triển khai để nâng trình độ phát triển kinh tế lên ngang hàng với các nước phát triển, giải thoát được sản xuất thừa, khủng hoảng nợ công. Trung Quốc đã chuyển hàng trăm dây chuyền công nghệ trung bình ra nước ngoài dưới dạng đầu tư FDI, chuyển hàng hóa dư thừa ra nước ngoài (hiện nay, trong kho hàng hóa của Trung Quốc tồn đọng 30 tỷ USD hàng hóa dư thừa), cho các nước trên con đường “Vành đai và con đường” vay vốn để xây dựng CSHT.

          - Về đối ngoại: Trung Quốc điều chỉnh quan hệ với Mỹ. Quan hệ Trung Quốc với Mỹ ngày càng căng thẳng không chỉ về kinh tế mà còn căng thẳng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng … Ở tầng sâu nhất, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có mâu thuẫn với nhau về hệ giá trị, về phương thức phát triển, về mục tiêu chiến lược. Thực chất đây là cuộc đụng đầu lịch sử, vài trăm năm mới có. Hoa Kỳ muốn giữ nguyên trật tự được thiết lập từ sau chiến tranh thế giới thứ II năm 1945: trật tự kinh tế, trật tự chính trị, an ninh do Hoa Kỳ chi phối. Còn Trung Quốc muốn có một trật tự khác - công bằng hơn, văn minh, dân chủ hơn. Do vậy, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng gay gắt nhưng vẫn trong vòng kiểm soát và sẽ không sụp đổ ít ra từ đây đến năm 2025 - 2030. Xu thế quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng cho dù chiến tranh thương mại giữa hai nước có kết thúc vào cuối năm nay.

          2. Điều chỉnh chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump

          Với chủ thuyết “nước Mỹ trên hết”, “khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ”, trong hơn 02 năm vừa rồi, Tổng thống Donal Trump đã thực hiện một số chính sách đối nội và đối ngoại.

          - Ở trong nước: Đối với lĩnh vực kinh tế, thủ thuật nổi bật nhất của Tổng thống Trump là giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở nước ngoài quay về đầu tư ở Mỹ. Riêng biện pháp giảm thuế này làm cho nền kinh tế Mỹ năm 2017, 2018 phát triển ngoạn mục, đạt đến 3,1 – 3,2%, là kỷ lục trong 20 năm vừa qua. Tất nhiên giảm thuế cũng có mặt tiêu cực của nó, giảm thuế kéo dài ảnh hưởng đến nguồn thu, nhưng ít ra trong ngắn hạn, chính sách kinh tế này làm cho thất nghiệp và lạm phát của Hoa Kỳ trong năm 2017, 2018 đạt thấp nhất trong 20 năm vừa qua,  mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của nền kinh tế. Còn thời gian phát triển đến đâu chúng ta còn theo dõi, bởi vì chỉ với biện pháp giảm thuế có tác dụng trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn là có vấn đề nếu không có biện pháp khác hỗ trợ. Ngoài ra Tổng thống Donal Trump cũng đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Obama, như vấn đề Obamake – bảo hiểm y tế. Dù sao dấu ấn nổi bật của Tổng thống Donal Trump ở trong nước là kinh tế. Chính vì thế, trong tháng 3, 4 /2019 uy tín của Tổng thống Donal Trump đã tăng lên so với cuối năm 2017 (theo điều tra xã hội học của các Trung tâm độc lập ở Mỹ).

          - Về đối ngoại: Phần lớn, Tổng thống Donal Trump đi ngược lại người tiền nhiệm, như đối với Cu Ba, Tổng thống Obama khôi phục lại quan hệ, còn Trump đi ngược lại. Đặc biệt là vấn đề Trung Đông, một chảo lửa của thế giới, Tổng thống Obama đã kết hợp với Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức để có Thỏa thuận P5 + 1 với I-ran năm 1915, nhưng Trump thì rút khỏi P5+1, đó là chưa nói đến chính quyền Mỹ thừa nhận Zeruzalem là thủ đô của Ixrael. Điều này cả thế giới biết. Năm 1948, Liên Hợp quốc có Nghị quyết chia đôi phố cổ Zeruzalem ra làm đôi, phía Tây là của Ixrael, phía Đông là của Palesstin. Và vừa rồi chính quyền Mỹ công nhận cao nguyên Golan là của Ixrael, điều này ngay cả đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng bất bình và không chấp nhận được. Trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1967, Ixrael đã xâm chiếm cao nguyên Golan của Syria. Dù  đồng minh, bạn bè của Mỹ không thích gì Syria, thậm chí đối đầu với Syria nhưng chính các nước này cũng thừa nhận cao nguyên Golan là của Syria, không thể chấp nhận là của Ixrael được.

          Một loạt chính sách đối ngoại có vẽ như khác thường. Về kinh tế: Tổng thống Trump ưu tiên hơn chính sách song phương, xét lại hầu hết chính sách đa phương, bắt đầu từ NAFTA – Hiệp định tự do kinh tế với Canada và Mehico – 2 nước phía Bắc và phía Nam nước Mỹ; Xem lại và từ bỏ TPP, xem lại Hiệp định FTA với các nước đồng minh như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc; Tiếp tục phát động chiến tranh thương mại không chỉ với Trung Quốc (chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu).

          Về đối ngoại, duy chỉ có một điều mà Tổng thống Donal Trump làm không đi ngược lại với các người tiền nhiệm là đối phó với Triều Tiên. Bốn đời Tổng thống của Mỹ kế tiếp nhau không giải quyết được vấn đề Triều Tiên, nhưng Tổng thống Donal Trump làm được. Đây là cái mới. Một cái mới nữa dưới thời Tổng thống Donal Trump cầm quyền là đã triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Riêng vấn đề này, về mặt khoa học có thể nói: Chiến lược, nhưng duy danh về mặt khoa học thì chưa phải là chiến lược. Đây phần lớn tồn tại dưới dạng ý tưởng chủ trương hình thành vòng cung Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ không nói ra bất cứ ở diễn đàn nào, nhưng thực chất là Mỹ bao vây đối với Trung Quốc, tập hợp tất cả lực lượng xung quanh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương để đối phó với Trung Quốc. Lần đầu tiên ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017  Tổng thống Donal Trump tuyên bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong 02 năm vừa rồi Hoa Kỳ cũng chưa làm cái gì cụ thể để tạo ra một sự đột biến giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Có vẽ như họ đang nói  nhiều, nhưng đặc biệt tại Hội nghị Sangri - La vừa rồi (ngày 11/6/2029), Bộ Trưởng Quốc Mỹ công khai: “Đây là khu vực trọng điểm của chúng tôi, chúng tôi phải đầu tư, đặc biệt là kinh tế và quân sự trong 5 năm tới”. Tuyên bố của Mỹ tại diễn đàn Sangri - La ở Singapo vừa rồi là dấu ấn quan trọng nhất về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chính quyền Ôbama thì đưa ra chính sách xoay trục châu Á – Thái Bình Dương, chính quyền Donal Trump đưa ra chính sách vành đai Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

          Ở đây có vấn đề là lịch sử đặt lên vai chúng ta “Vành đai và con đường” của Trung Quốc cũng đi trước cổng Việt Nam. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng đi trước cổng Việt Nam. Do vậy buộc chúng ta phải suy nghĩ. Về nguyên tắc, chúng ta không thể quay lưng lại với “Vành đai và con đường” và chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được. Có điều chúng ta phải tham gia cái gì, tham gia như thế nào, mức độ nào để đảm bảo lợi ích quốc gia và độc lập chủ quyền đất nước.

Điều chỉnh đối nội, đối ngoại của Mỹ dưới thời của Tổng thống Donal Trump, trước hết là về kinh tế.

          - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

          Đây là điều chỉnh lớn nhất của Mỹ.

Bản chất của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Chiến tranh thương mại chỉ là biểu hiện bề ngoài của một cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu mang tính lịch sử giữa 02 cường quốc. Một bên là cần duy trì trật tự do họ chi phối (Mỹ), một bên cần có trật tự khác (Trung Quốc) công bằng hơn, dân chủ hơn. Thực ra, sự phấn đấu của Trung Quốc cũng phù hợp với yêu cầu khách quan là đa cực, đa phương. Nói công bằng là như vậy. Thế giới đang phấn đấu đa cực, đa phương, dân chủ hơn.  Trong tư tưởng của Trung Quốc có cái hợp lý, vì thế có nhiều quốc gia tham gia vào.

Nhưng thực chất đây là cuộc đối đầu mang tính lịch sử. Chúng ta nhớ lại rằng, nước Anh kết thúc thời kỳ hoàng kim vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bàn giao lại vai trò chi phối thế giới cho Hoa Kỳ và cuộc đọ sức giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ XXI này sẽ định hình trật tự thế giới.

 Từ năm 1978, khi ông Đặng Tiểu Bình triển khai cải cách mở cửa, 6 đời Tổng thống Mỹ: Catơ (1977 - 1981), Ri-gân (1981 – 1989), Bush (cha) (1989 – 1993), Clinton (1993 – 2001), Bush (con) (2001 – 2009), Obama (2009 – 2017) đến trước khi ông Donal Trump nhậm chức đều thực hiện chính sách với Trung Quốc. Thực ra Mỹ bao vây Trung Quốc, tác động “Diễn biến hòa bình” với Trung Quốc. Mỹ phải chờ đợi Trung Quốc sụp đổ như Liên Xô, nhưng sau đó Mỹ suy nghĩ lại mô hình của Trung Quốc không sụp đổ được.

Không thể chờ Trung Quốc sụp đổ như Liên Xô được nên Mỹ chuyển sang một chiến lược khác: mở cửa cho Trung Quốc vào, đầu tiên là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, lập đại sứ quán ngoại giao, chấp nhận một Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc vào năm 1979, mời Trung Quốc vào WTO, các định chế kinh tế, các tổ chức chính trị, an ninh quốc tế với hy vọng Trung Quốc phát triển kinh tế theo mô hình thị trường, trong nước thật sự dân chủ, ngoài nước trở thành một thành viên có trách nhiệm với thế giới, cùng hợp tác với Mỹ, thực hiện phát triển định hướng thế giới dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Đến năm 2017, nhiều học giả và giới tinh hoa của Mỹ, các chính trị gia của đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa thấy rằng 02 vấn đề họ hy vọng đã không xảy ra ở Trung Quốc. Vì thế năm 2017, một bước ngoặt mang tính chất thay đổi về chất trong quan hệ Mỹ với Trung Quốc. Giới tinh hoa Mỹ đã nhận thức lại với Trung Quốc, có đối sách với Trung Quốc theo xu hướng tăng tính cạnh tranh, tăng đối đầu, chỉ hợp tác có chọn lọc trên một số lĩnh vực và tập hợp lực lượng đối phó với Trung Quốc. Chiến lược an ninh quốc gia tháng 12 2017, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng Nga và Trung Quốc là 2 đối thủ đang xâm phạm an ninh và lợi quốc gia của Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt chiến lược an ninh quốc phòng của Mỹ tháng 01/2018 – một văn bản quan trọng nhất của Hoa Kỳ đã nói công khai rằng, Trung Quốc đang có hành động thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương trong tương lai gần và thay thế Mỹ thống trị thế giới trong tương lai xa. Trong chiến lược an ninh quốc phòng năm 2017 và 2018, lần đầu tiên Hoa Kỳ xếp Trung Quốc vào đối tượng cạnh tranh chủ yếu của Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI. Trong văn bản Hoa Kỳ dùng chữ “đối tượng”, nhưng thực chất trong thảo luận nội bộ, Hoa Kỳ xem Trung Quốc là thế lực lớn nhất cản trở, xâm phạm trật tự do Mỹ lãnh đạo, chi phối từ năm 1945 đến bây giờ. Nga là một quốc gia mạnh về quân sự, nhưng tiềm lực kinh tế nhỏ hơn bang Texas của Mỹ, chỉ bằng 1/8 châu Âu thì Nga hoàn toàn khó có tham vọng chi phối toàn cầu được. Giới tinh hoa của 02 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ nhận thấy rằng Trung Quốc có đồ mưu toàn cầu. (02 chiến lược này là văn bản chính thức của Nhà nước Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ, vì thế năm 2017 là một bước ngoặt trong nhận thức của giới tinh hoa Mỹ đối với Trung Quốc và cũng là một dấu hiệu bắt đầu một giai đoạn của cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc). Như vậy, bắt đầu từ năm 2017, Mỹ nhận thức lại, tất cả những chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trước đây họ đều thừa nhận là không đúng và buộc phải thay đổi.

Về cuộc chiến thương mại: Năm 2017, Trung Quốc xuất siêu vào Mỹ là 315,72 tỷ USD, năm 2018 là 418 tỷ USD. Đây là võ bề ngoài của thương mại. Thực ra, ngày 23/3/2018, khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo 100 trang để phát động chiến tranh vì vi phạm quy định: đánh thuế quốc gia thứ 2 là quyền của Quốc hội, Tổng thống không có quyền, nhưng nếu như cơ quan hành pháp chứng minh được rằng các quốc gia nào đó cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm an ninh quốc gia của Mỹ thì Tổng thống có quyền. Quy định pháp lý rõ ràng, vì thế ngày 23/3/2028, Bộ Công thương Mỹ công bố bản đánh giá toàn cầu: Trung Quốc, châu Âu, các đồng minh Nhật Bản, Úc, Canada và Mêhico đã cạnh tranh không lành mạnh, thao túng, vi phạm lợi ích quốc gia của Mỹ. Khi Bộ Thương mại chứng minh rằng các quốc gia này xâm phạm lợi ích quốc gia của Mỹ về kinh tế thì khi ấy không cần thông qua Quốc hội mà Tổng thống có toàn quyền đưa ra đánh thuế đối với hàng hóa nước ngoài. Luật pháp của Mỹ rất chặt chẽ.

Từ đánh giá ngày 23/3/2018, Tổng thống Mỹ tuyên bố đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ các nước có sự cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm lợi ích quốc gia của Mỹ, trong đó có Trung Quốc. Từ đó đến nay đã có 10 cuộc họp, nhưng điểm nhấn là cuộc họp lần thứ 10 ở Bắc Kinh giữa Mỹ và Trung Quốc, 02 bên đã có thỏa thuận cao, đáng lẽ cuộc họp ở Oasintơn vào cuối tháng 4 năm 2019 đã ký, chuẩn bị khâu cuối cùng cho ngày 20/6/2019 ông Donal Trump gặp ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 tổ chức tại Nhật Bản, nhưng cuộc họp lần thứ 11 vẫn không ký được thỏa thuận về thương mại. Vào 23h ngày 3/5/2019, Trung Quốc chuyển cho Mỹ một dự thảo Hiệp định mới theo quan điểm của Trung Quốc (Dự thảo Hiệp định mới này khác với thỏa thuận tại cuộc họp lần thứ 10), do vậy Tổng thống Trump phẫn nộ vì cho rằng Trung Quốc đã xóa sạch kết quả đã thỏa thuận trong cuộc họp lần thứ 10 tại Bắc Kinh và bao nhiêu lần trao đổi với nhau. Dẫn đến, trong tháng 5/2019, Tổng thống Trump tuyên bố đánh thuế 200 tỷ USD vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và thậm chí  có thể đánh thuế toàn bộ hàng hóa lên 350 tỷ USD.

Như vậy, qua sự điều chỉnh sách đối ngoại, đối ngoại của 02 quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những năm gần đây, nhất là trong 02 năm 2017 – 2018 và những tháng đầu năm 2019, chúng ta nhận thấy rằng, về bản chất vẫn là canh tranh địa chính trị của các cường quốc nhằm đạt được mục tiêu chiến lược và chính sách khu vực; là sự tác động, lôi kéo, gây ảnh hưởng đến các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, xu hướng các cường quốc tổ chức cạnh tranh theo những phương thức mới, toàn diện và đồng bộ hơn cả về chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại; kết hợp điều chỉnh cả chính sách đối nội và đối ngoại nhằm tác động mạnh mẽ lên hầu hết các nước trong chiến lược địa - chính trị và mục tiêu của chính sách khu vực.

Cũng như các nước đang phát triển, Việt Nam đã và đang chịu sự tác động, ảnh hưởng của tình hình thế giới, bị chi phối bởi các quy định trong cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong quá trình hội nhập, phát triển. Tuy nhiên, chúng ta có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đã triển khai  thực hiện thống nhất, triệt để trong nhiều năm. Đó là những tiền đề, cơ sở thực tiễn và cũng là những kinh nghiệm quý giá để xác định cách ứng xử đúng đắn nhằm bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia trước sự điều chỉnh chính sách nhằm thực hiện cạnh tranh địa - chính trị của các cường quốc hiện nay./. Phan Văn Lãn

 

1463 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 3049
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 3049
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76295469