Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào 

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Nhân dân hai nước dày công vun đắp; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước của mình rất quan tâm đến tình hình Lào. Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên- tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập vào tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2 năm 1927, Hội này gây dựng được cơ sở tại Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lập Hội Ái hữu, Hội Việt kiều yêu nước, mở các lớp huấn luyện cách mạng trên đất Lào. Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Đông Dương. Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập tại Viêng Chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức.

Ngày 3 -2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã ra đời - tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng là sự mở đầu những trang sử vẻ vang của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Trên cơ sở sự phát triển của tổ chức Đảng ở Lào, tháng 9 năm 1934, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao được thành lập là dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Lào đối với cách mạng Lào cũng như đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa phong trào cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Trong tư tưởng chỉ đạo và hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn phát huy cao độ tính độc lập và chủ động của đồng bào các bộ tộc Lào. Theo Người “kháng chiến Việt - Miên - Lào là chung của chúng ta, là bổn phận của chúng ta. Việt Nam kháng chiến có thành công thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”. Người khẳng định “Chính phủ, Mặt trận và Nhân dân Việt Nam ra sức hết lòng, thành thực giúp đỡ Mặt trận Nhân dân Lào, Miên một cách không có điều kiện”; “Mà giúp nước bạn tức là tự giúp mình” nên “phải ra sức giúp đỡ một cách tích cực, thiết thực hơn”. Tại Hội nghị Trung ương III (khóa II), Hồ Chủ tịch nêu rõ: “cho đến nay chúng ta phải cố gắng giúp đỡ hơn nữa” và cũng từ đó, nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào ngày càng được tăng cường, quan hệ đoàn kết Việt - Lào càng thêm gắn bó, mật thiết. Điều đó càng chứng tỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đóng góp về lý luận, đường lối, phương hướng cách mạng mà Người còn quan tâm đến cả việc tổ chức, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Lào.

Đảng và Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhiệm vụ giúp cách mạng Lào như mình tự giúp mình để cùng phối hợp chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho mỗi nước trên bán đảo Đông Dương. Thấm nhuần quan điểm quốc tế cao cả của Đảng Lao động Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam từ tiền tuyến đến hậu phương sẵn sàng chia sẻ những thuận lợi, cùng khắc phục khó khăn, cử nhiều người con yêu dấu của mình sang phối hợp cùng bạn Lào đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển lực lượng kháng chiến.

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Trở về tham gia chính phủ Lào, ngày 3-10-1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Savannakhẹt đón chào Hoàng thân Xuphanuvông Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”.    Hình ảnh, uy tín, quyết tâm làm cách mạng, cứu nước và những lời nói tốt đẹp của Hoàng thân về quan hệ Lào - Việt Nam đã tác động lớn lao đến sự hưởng ứng, tham gia cách mạng của các tầng lớp nhân dân Lào, càng tạo thêm chất keo gắn kết tình cảm của nhân dân Lào với Việt kiều cũng như với Việt Nam. Chính phủ Lào Ítxalạ (Lào tự do) vừa được thành lập cũng đã chủ trương: “Nhân dân Lào thân thiện với Nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng Nhân dân Việt Nam đánh đuổi bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”. Thủ tướng Khăm Mạo tuyên bố với Việt kiều: “mong rằng ba nước Việt, Miên, Lào bắt tay nhau để kiến thiết quốc gia”.

Bằng việc xây dựng hệ thống quan điểm và chỉ đạo thực tiễn thực hiện liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, cũng như sự quan tâm, phát hiện và xây dựng nhân tố bên trong cho cách mạng Lào, đã dẫn tới việc thành lập Đảng Nhân dân Lào ngày 22/3/1955, sau này là Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 2/1972), Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự đã đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản quá trình hoạt động cách mạng gắn bó với đất nước Việt Nam từ thời niên thiếu tới lúc trưởng thành. Năm 1935, đồng chí Cayxỏn Phômvihản theo học ở Trường Bưởi (nay là Trường phổ thông trung học Chu Văn An, Hà Nội). Trong những ngày học tại Trường Bưởi, đồng chí đã giác ngộ cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí cũng đã từng học Đại học Luật khoa ở Hà Nội, từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Việt Nam. Mùa thu 1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Savannakhẹt, sau đó trực tiếp xây dựng khu du kích Hủa Phăn, thành lập đội vũ trang Latxavông đầu tiên. Năm 1946, đồng chí làm việc tại Ban liên lạc Lào - Việt Nam ở Hà Nội và phụ trách những người yêu nước Lào ở Việt Nam chống Pháp.

Năm 1948, đồng chí trở về nước, lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp, chủ trì lễ thành lập Quân đội Itxala (Quân đội Nhân dân Lào). Theo Nghị quyết Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 22-3-1955, tại tỉnh Hủa Phăn, đồng chí đã chủ trì Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào. Cùng với các nhà lãnh đạo cách mạng Lào, đồng chí đã tổ chức ra Đảng Nhân dân Lào và được bầu làm Bí thư thứ nhất của Ban lãnh đạo Đảng, Bí thư Quân ủy trung ương, đồng thời là Tư lệnh tối cao.

Là một trí thức yêu nước, rất tâm huyết với Nhân dân các bộ tộc Lào, đồng chí luôn luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng vào việc lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng Lào đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Nhân dân Lào trong suốt nhiều thập kỉ qua gắn liền với tên tuổi, công lao to lớn của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản. Sự cống hiến suốt cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, cho Đảng thể hiện phẩm chất tuyệt vời của Chủ tịch. Công lao và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản mãi mãi được ghi vào sử sách của Lào.

Chủ tịch Cayxỏn luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, đóng góp nhiệt tình vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, nhất là các quốc gia trong khu vực. Trong quan hệ quốc tế đó, đoàn kết với Việt Nam luôn là nhân tố quan trọng và được Chủ tịch dày công vun đắp mối quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu thủy chung son sắt giữa Lào và Việt Nam. Chính từ khói lửa của chiến tranh ác liệt vì độc lập tự do cho dân tộc mình đã làm cho Nhân dân hai nước, các chiến sĩ cách mạng và các nhà lãnh tụ cao nhất của hai dân tộc gắn bó, kề vai sát cánh bên nhau và cùng nhau làm cách mạng, đánh bại các lực lượng thù địch và tiến lên theo con đường đã lựa chọn.

Trong suốt thời gian lãnh đạo cách mạng Lào, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào. Trong các cuốn sách, trong các bài phát biểu của mình, Chủ tịch luôn khẳng định chính sách trước sau như một của Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tác chiến tại Lào, ngày 21/9/1965, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã nói: “Nhìn lại lịch sử 20 đấu tranh vừa qua, bất kể trong hoàn cảnh nào, ở đâu, hai dân tộc anh em Lào - Việt Nam chúng ta luôn luôn sống chết có nhau, cùng nhau làm cách mạng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi chung của chúng ta. Hai anh em chúng ta đồng cam cộng khổ, bát cơm chia đôi, cọng rau bẻ nửa, sướng khổ có nhau, quan hệ giữa hai dân tộc là quan hệ đặc biệt”.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng, được đúc kết thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế và là tài sản chung vô giá của hai dân tộc Việt Nam - Lào./

                                                                                                                                                          Từ Quang Hóa

12948 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 927
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 927
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76639126