Ươm những “mầm xanh” trên biên giới 

Biên phòng - Nhằm góp phần giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới được đến trường, tiếp tục ước mơ theo đuổi con đường học tập để sau này mang tri thức về xây dựng bản làng biên giới, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã phát động nhiều chương trình, mô hình đậm tính nhân văn và mang lại hiệu quả thiết thực.

7n1x_4a

Cán bộ Đồn Biên phòng A Vao chăm lo từng bữa ăn cho các “con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: Phan Phước Trung

Năm 2014, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường”, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với địa phương, nhà trường tiến hành khảo sát, thống kê, lựa chọn các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhận chăm sóc, đỡ đầu. Đến nay, các đơn vị BĐBP Quảng Trị đã nhận đỡ đầu 71 học sinh trên địa bàn hai tuyến biên giới của tỉnh và 9 cháu học sinh thuộc 2 tỉnh Sa La Van và Sa Vẳn Na Khệt của nước bạn Lào, với mức hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng; tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng, được trích từ quỹ đóng góp lương, phụ cấp của cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị. 

Các đơn vị BĐBP Quảng Trị cũng đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn biên giới của tỉnh tổ chức “Tiết học biên giới” kết hợp với hoạt động ngoại khóa, tổ chức tham quan, tìm hiểu về đường biên, cột mốc và hoạt động bảo vệ biên giới cho học sinh và thầy, cô giáo. Các đồn Biên phòng phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu các trường đưa mô hình “Tiết học biên giới” vào khung giờ học ở tất cả các điểm trường. Mỗi tuần tổ chức tuyên truyền ít nhất 1 buổi tại 1 điểm trường.

Đến nay, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh đã tuyên truyền về biên giới, lãnh thổ... cho hơn 3.000 lượt học sinh trên địa bàn. Thông qua đó, giúp các em học sinh nắm, hiểu biết và nhận thức đúng về biên giới lãnh thổ, các văn bản pháp lý về biên giới quốc gia. Từ đó, mỗi em sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, bạn bè, người thân về Luật Biên giới quốc gia và phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội..., góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng với lực lượng BĐBP xây dựng nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.

Do đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới còn khó khăn nên có rất nhiều em học sinh phải thường xuyên nhịn ăn sáng đến trường. Đồng cảm và sẻ chia sâu sắc với nhân dân, từ năm 2018, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với các nhà trường, tổ chức Đoàn ở địa phương tổ chức mô hình “Ổ bánh mì tình thương nơi biên giới” nhằm hỗ trợ các em học sinh nghèo tại các điểm trường trên địa bàn biên giới. Đều đặn mỗi tuần, chi đoàn các đồn Biên phòng tổ chức hỗ trợ bánh mì cho ít nhất 1 điểm trường. Đến nay,  các chi đoàn đã hỗ trợ gần 4.500 ổ bánh mì sữa cho học sinh nghèo tại các điểm trường với tổng trị giá trên 40 triệu đồng. 

Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính ủy BĐBP Quảng Trị cho biết: “Đầu năm 2018, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai cho mỗi đồn Biên phòng trên hai tuyến biên giới nhận nuôi từ 1-2 em học sinh. Tùy theo điều kiện, các đơn vị có thể nhận thêm nhiều em học sinh”. 

Đoàn viên, thành niên các đồn Biên phòng, Hải đội 2, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động còn thành lập 1 tổ cắt tóc. Vào thứ 5 hằng tuần, tổ cắt tóc chủ động phối hợp với địa phương và nhà trường để cắt tóc miễn phí cho các em học sinh trên địa bàn. Đến nay, đã có gần 1.400 cháu học sinh trên địa bàn các đơn vị đóng quân được cắt tóc miễn phí.

Đặc biệt, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã phát triển sâu rộng và được cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP Quảng Trị đồng tình, hưởng ứng cao. Từ phong trào nhận con nuôi được tổ chức làm điểm tại Đồn Biên phòng  A Vao, đến nay đã có 9 đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền của tỉnh Quảng Trị đã nhận 19 cháu thuộc các dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều của 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông về đồn Biên phòng nuôi dưỡng theo mô  hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”.

Những “con nuôi đồn Biên phòng” đã được cán bộ, chiến sĩ yêu thương, chăm sóc bằng trách nhiệm của người lính và tình cảm của người cha. Việc làm đầy tính nhân văn này đã giúp đỡ các cháu dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa tại khu vực biên giới có nơi ăn ở, được quản lý, giáo dục, học tập và rèn luyện tại các đồn Biên phòng. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc trên biên giới, vùng biển, chung sức xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. 

Phan Phước Trung

353 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 631
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 631
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76755878