Đó là lợi ích của dịch vụ ngân hàng số được cho biết tại Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức” diễn ra sáng 20/7, tại Hà Nội.

Tọa đàm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Trung tâm tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa (VMFWG) tổ chức.

 

Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: BT)

Tọa đàm được thực hiện trong khuôn khổ dự án hợp tác công-tư giữa NHCSXH, Quỹ Châu Á (TAF) và MasterCard về “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia.

Buổi Toạ đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các tổ chức tài chính vi mô về dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động ở Việt Nam nói chung, cho người nghèo và phụ nữ nói riêng; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về xu thế và lợi ích dịch vụ ngân hàng số cũng như những cơ hội và thách thức trong việc đưa dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Việt Nam.

Thông tin tại buổi Tọa đàm cho thấy, từ năm 2016, NHCSXH đã phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF) và MasterCard triển khai thực hiện Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh doanh nhằm nghiên cứu, xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tại Việt Nam.

Dự án với mục tiêu lâu dài tăng cường và cải thiện sự tiếp cận tới các dịch vụ tài chính toàn diện cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp vi mô do phụ nữ điều hành. NHCSXH đã tiến hành thực hiện dự án với các giai đoạn cụ thể phù hợp, giúp khách hàng dễ thích ứng nhất.

Trong đó, từ cuối năm 2016, NHCSXH đã triển khai dịch vụ tin nhắn qua điện thọai di động tới khách hàng tại 63 chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Dịch vụ tin nhắn bao gồm: Đối chiếu thông tin dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi, thông báo nợ đến hạn, thông báo chuyển nợ quá hạn giúp khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin kịp thời. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Theo số liệu mới nhất vừa cập nhật, NHCSXH đã gửi 6.906.611 tin nhắn cho khách hàng trên toàn quốc với tin nhắn gửi đi thành công là 6.904.804 tin nhắn.

Thời gian tới, NHCSXH dự kiến thực hiện triển khai thí điểm dịch vụ Mobile banking tới 850 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (với hơn 30.000 tổ viên vay vốn) thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua sử dụng điện thoại di động.

 

Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam của NHCSXH

(Ảnh: Ngân hàng chính sách xã hội)

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc triển khai dịch vụ ngân hàng số có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, doanh nghiệp vi mô do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, ứng dụng số trong tài chính ngân hàng ngày càng chứng tỏ hiệu quả lớn, giúp giảm chi phí giao dịch, tăng cường phổ cập dịch vụ tài chính cho người nghèo, đặc biệt là vùng sâu vùng xa ít có hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các vấn đề về bảo mật, dữ liệu khách hàng, lừa đảo trực tuyến,...cũng là những vấn đề đáng lo ngại của ngân hàng số. Vì vậy, cần có các giải pháp giúp cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu triển khai nhằm giảm thiểu những rủi ro này.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, với việc ứng dụng công nghệ ngân hàng di động (mobile banking) và công nghệ thanh toán đóng vai trò quan trọng cho việc sử dụng dịch vụ tài chính chính thức. Trong đó, ngân hàng di động cung cấp các dịch vụ qua thiết bị di động như: Kiểm tra số dư, vấn tin tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn và nhiều dịch vụ khác giúp cung cấp dịch vụ thuận tiện cho cả người có tài khoản ngân hàng và người không có tài khoản ngân hàng. Hay việc ứng dụng ngân hàng đại lý (agent banking) tạo nhiều điểm tiếp cận thuận tiện hơn cho khách hàng, giảm tắc nghẽn ở chi nhánh và dành được sự hiện diện hơn về mặt địa lý mà không cần phải đầu tư vào trụ sở chi nhánh truyền thống.

Tuy nhiên, vấn đề thông tin bất đối xứng dễ dẫn đến các tổ chức tín dụng tính lãi suất cao hoặc từ chối cho vay; vì vậy, cần áp dụng giải pháp công nghệ mới giúp các ngân hàng dễ dàng xác thực nhân thân của người đi vay, cải thiện tính minh bạch và giảm vấn đề thông tin bất đối xứng ở thị trường tín dụng./.

 

BT