Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc 

Cách đây 50 năm, vào dịp Tết Mậu Thân 1968 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân ta đồng loạt tấn công vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ- ngụy trên toàn miền Nam. Cuộc tiến công “táo bạo, bất ngờ đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng 1-1968) thông qua. Trong đó phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn – Gia Định, Huế, Đà Nẵng, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 – Khe Sanh. Cụ thể là: cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 – Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn – Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn – Gia Định, Huế, Đà Nẵng và các thành phố lớn. Với ý chí quyết tâm, cả dân tộc bước vào trận đánh quyết định nhằm tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Quán triệt phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào chiến trường trọng điểm  Sài Gòn – Gia Định, Huế, Đà Nẵng, trước đó 10 ngày, hai sư đoàn của ta đánh nghi binh, nhằm “đánh lạc hướng” đối phương bằng cuộc tấn công vào căn cứ của lính thuỷ đánh bộ Mỹ tại Khe Sanh, gây sự chú ý của Mỹ, làm cho Bộ Chỉ huy Mỹ tập trung tâm trí và binh lực lên miền núi Quảng Trị để tránh một trận Điện Biên Phủ mới, sau đó quân ta sẽ tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố, tiếp quản các mục tiêu và tham gia chiến đấu. Cuộc tấn công của ta vào căn cứ Khe Sanh được giới chuyên môn Mỹ đánh giá như tấn công vào Oasinhtơn – gây chấn động cả nước Mỹ.

Mỹ, nguỵ bị thu hút vào Khe Sanh, bất ngờ, đêm 29 rạng ngày 30 tháng 1 năm 1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân), quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn – Gia Định và Huế, Đà Nẵng, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn.

Tại Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam. Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, toà Đại sứ Mỹ, các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của Mỹ ngụy…. Trận đánh toà Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ. ồng thời với lực lượng biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ, từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hoà, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An... cũng bị tiến công.

Tại mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà đèn, Ty Cảnh sát, Toà tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV), Tri Bưu, Thành Cổ, La Vang, điểm cao 49. Nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng, Bến Đá rầm rộ nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở trong các quận lỵ cầu Nhùng, Bến Đá làm chủ đoạn quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh; đánh chiếm quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế, phá sập Cầu Hai, cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía nam Cầu Hai, khu vực Truồi. Tại mặt trận Huế, lúc 22 giờ 33 phút, ngày 31 tháng 01 năm 1968, tiếng súng tấn công bắt đầu vang lên khắp thành phố; sau 4 ngày chiến đấu liên tục quân và dân ta đánh chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng như: Dinh Tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, đài Phát thanh, khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang (hang ổ của Mỹ), sân bay Phú Bài…Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.

Tiếp theo đợt I, đợt tiến công mùa hè- đợt 2, từ ngày 5-5 đến ngày 12-5-1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã đồng loạt bắn phá và tiến công bằng bộ binh vào 31 thành phố và thị xã, 58 thị trấn và quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch. Trên mặt trận Đường 9- Khe Sanh, với tinh thần anh dũng và bất khuất, trải qua hơn 170 ngày đêm chiến đấu liên tục với 4 đợt tấn công (từ ngày 20.1 đến 15.7.1968)  quân và dân ta đã giành chiến thắng oanh liệt, buộc Mỹ phải chịu thất thủ rút khỏi Khe Sanh, giải phóng khu vực đường số 9 và huyện Hướng Hóa với gần 10.000 dân, mở thông hành lang tuyến đường vận tải chiến lược Bắc-Nam chi viện chiến trường miền Nam.

Đợt 3 được tiến hành từ ngày 17-8 đến ngày 30-9-1968, quân và dân ta đã tiến công chủ yếu bằng pháo vào 27 thành phố và thị xã, 100 thị trấn, quận lỵ và chi khu quân sự, 47 sân bay, 3 tổng kho lớn, 6 bộ tư lệnh sư đoàn Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, các địa bàn tiến công trải rộng khắp miền Nam từ Trị Thiên Huế cho đến mảnh đất cực Nam Cà Mau. Nhưng điểm đặc biệt là lần đầu tiên quân ta tiến công vào hầu khắp các đô thị, nơi tập trung lực lượng quân sự, chính trị chủ yếu của địch. Đó là bất ngờ lớn và trên thực tế đợt tiến công đầu tiên vào những ngày đầu Xuân Mậu Thân đã gây thiệt hại lớn cho địch.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi. Bằng cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đơn phương “xuống thang chiến tranh”, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược. Tác động to lớn, trực tiếp của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân buộc Mỹ phải hạn chế ném bom, bắn phá miền Bắc, tiến đến chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, tham gia đàm phán hòa bình nhằm tìm lối thoát ra khỏi cuộc chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh điểm là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đã tác động mạnh mẽ đến chính giới Mỹ, làm cho nước Mỹ phân hóa hơn bao giờ hết, làn sóng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam dâng cao trong lòng nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Tổng thống Giônxơn buộc phải tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai. Mặt trận quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam mở rộng và dâng cao hơn bao giờ hết.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 dù chưa đạt được yêu cầu theo khả năng thứ nhất như dự kiến; và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được cục diện chiến tranh, tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư chúc Tết năm 1969; " độc lập, vì tự do; đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào ".

Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.

Kỷ niệm 50 năm thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào thời điểm công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và đang đứng trước thời cơ, vận hội phát triển mới với những khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, chuyển thách thức thành thời cơ để phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đẩy mạnh xây dựng và nâng cao tiềm lực quốc phòng - quân sự, kết hợp kiến quốc với phòng thủ đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phú binh cường. Kết hợp hài hoà xây dựng tiềm lực quốc phòng - quân sự với xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực chính trị - tinh thần, đặc biệt là thế trận lòng dân, tiềm lực khoa học - công nghệ; nghiên cứu vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân trong chiến tranh giải phóng vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên mọi địa bàn.

Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, chúng ta nhất định sẽ đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

                                                                                                                                                                       Từ Quang Hóa

 

5528 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 917
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 917
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76206293