Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân với 70 triệu mảnh đất nông nghiệp. Diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,46ha, trung bình được chia khoảng 2,83 mảnh. Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á. Việc phân mảnh nhỏ ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng suất lao động do cản trở cơ giới hóa, lãng phí thời gian lao động và đất bờ bao, tăng chi phí trung gian và giảm năng lực chống chọi với rủi ro.

Vì vậy, việc tích tụ ruộng đất là việc làm cần thiết để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân. Điển hình, tại nhiều địa phương, việc tích tụ ruộng đất đã được triển khai và mang lại hiệu quả cho người đứng ra tích tụ ruộng đất và người nông dân.

Tại Thái Bình, mô hình tích tụ ruộng đất trồng ổi sạch và cây ăn quả theo quy trình VietGAP của gia đình ông Bùi Xuân Hiếu, xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tích tụ ruộng đất theo hình thức thuê của dân với diện tích 5,5ha của 136 hộ dân. Ngoài trồng ổi, ông Hiếu còn ươm giống cây cam đường, ổi, lê táo để bán ra thị trường, tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương. Mỗi năm, trang trại cho thu nhập 1 tỷ đồng. Các hộ gia đình sau khi cho thuê đất mỗi năm được trả 700.000 đồng/sào và có điều kiện, thời gian đi làm ở các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Hoặc tại Hà Nam, theo UBND tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tích tụ xấp xỉ 400ha đất nông nghiệp và giao cho các doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo đúng tiến độ. Các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã nhận đất, một số dự án đã đi vào sản xuất, áp dụng công nghệ cao từ Israel, sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế. Trong quá trình sản xuất, các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo việc làm ổn định cho gần 250 lao động của địa phương với thu nhập bình quân khoảng từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nam chủ yếu hiện nay cung cấp cho các siêu thị lớn và hướng tới xuất khẩu.

Việc tích tụ ruộng đất đã góp phần giảm diện tích sản xuất quy mô manh mún, nhỏ lẻ, tạo ra lượng hàng hóa nông sản lớn, giá trị thu nhập cao và tạo điều kiện cho người nông dân tham gia vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, phải chăng ở nơi nào cũng nên thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất?. Để tích tụ ruộng đất có nhiều lời giải cần được đáp ứng cho các bài toán đặt ra.

Cụ thể, việc tích tụ ruộng ở vùng đất (này) có lợi thế cho việc trồng cây, chăn nuôi sản phẩm đó không? Việc tích tụ ruộng đất có trên cơ sở tự nguyện của người nông dân?. Người nông dân đã được đảm bảo quyền lợi trong việc góp phần tích tụ ruộng đất?

Với việc tích tụ ruộng đất nhằm mục đích sản xuất, cần tính đến với loại đất của vùng đã thích hợp với trồng các loại cây, nuôi con gì để tạo ra sản phẩm cho năng suất tốt. Nếu phương án đề ra để sản xuất nông nghiệp không có lợi thế của vùng thì rất khó để việc tích tụ ruộng đất thành công.

Với người nông dân, đất đai để sản xuất rất quan trọng. Vì vậy, việc tích tụ ruộng đất nhất thiết phải tính đến được việc hài hòa lợi ích của cả hai bên: người góp đất và người dùng đất, trong đó, cần quan tâm đến quyền lợi của người nông dân. Người nông dân đảm bảo được trả tiền thuê đất đầy đủ, không bị mất đất khi có biến động xảy ra,…Đồng thời, người nông dân có được tham gia và trở thành lao động công nhân trên những mảnh đất mà gia đình góp vào để cùng tích tụ ruộng đất (nếu có). Việc đảm bảo lợi ích của người nông dân khi tham gia góp đất là mấu chốt mang tính bền vững cho tích tụ đất đai.

Việc tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp còn cần tính đến việc khả thi khi đất được giao cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất. Cần tập trung đúng cho mục đích sản xuất đã được thỏa thuận, ký kết từ ban đầu, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tránh tình trạng giao đất để rồi biến thành khu công nghiệp, dịch vụ, thậm chí là xây dựng các khu đô thị.

Bên cạnh đó, thị trường cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến việc sản xuất. Trước khi tích tụ đất đai để sản xuất, cần đảm bảo yếu tố thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông sản được sản xuất. Thị trường là yếu tố quyết định lớn tới thành công của tích tụ ruộng đất. Chỉ khi thị trường được khơi thông, đảm bảo nguồn cầu ổn định, bà con nông dân mới yên tâm góp đất, yên tâm cùng tham gia sản xuất. Điều này cũng đòi hỏi những nỗ lực cao của các doanh nghiệp, của các tổ chức, cá nhân đứng đầu trong việc tích tụ ruộng đất, chỉ đạo sản xuất,…Việc tìm đầu ra cho thị trường rất quan trọng cho mô hình sản xuất.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp cũng không tránh khỏi những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến động của thị trường có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, rất cần những con người bản lĩnh, chuẩn bị công tác sản xuất tích cực, phương án kinh doanh có hiệu quả để ứng phó khi có rủi ro xảy ra.

Việc tích tụ đất đai rất cần thiết cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhưng chỉ nên tiến hành khi đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố thuận lợi để đảm bảo tính thành công của mô hình. Những nơi chưa đủ các điều kiện về nguồn đất, về lợi thế trồng cây gì, nuôi con gì, về thị trường đầu ra, về nguồn vốn,…cần cẩn trọng và xem xét kỹ trong việc tích tụ ruộng đất, tránh làm theo phong trào mà có thể dẫn đến những hệ lụy xấu có thể xảy ra./.

 

BT