Tranh luận thuyết phục

Trong gần 100 phút tranh luận, các ứng viên đã đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" hiện được cử tri Đức rất quan tâm như: Cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, căng thẳng ngoại giao giữa Đức - Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách đối ngoại, an ninh nội bộ và công bằng xã hội. Trong phần lớn thời gian, ông Schulz chủ yếu công kích Thủ tướng Merkel xoay quanh vấn đề cuộc khủng hoảng di cư và quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Schulz chỉ trích quyết định mở rộng biên giới của Thủ tướng Merkel đã kéo theo nhiều hệ lụy như: Vấn đề giải quyết việc làm, hội nhập, chính sách xã hội, Hồi giáo cực đoan...  Về phần mình, Thủ tướng Merkel khẳng định, Đức đã nỗ lực phối hợp tốt giữa tiếp nhận người tị nạn để bổ sung vào thị trường lao động Đức, nhất là với lao động nữ. Đối với hoạt động Hồi giáo cực đoan, bà Merkel cho rằng, dù đã gây ra những hành động kinh hoàng ở châu Âu, song bà tin rằng "Hồi giáo thuộc về Đức".

Về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, quan điểm hai bên có phần giống nhau khi Thủ tướng Đức Merkel cho rằng, nên chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời cho biết, bà sẽ tìm kiếm một lập trường chung của EU về vấn đề này với lãnh đạo các nước khác trong khối. Bà Merkel nêu rõ: "Thực tế rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ không nên trở thành thành viên của EU", đồng thời cho biết, Đức sẽ tìm cách áp đặt "các hạn chế thực sự về kinh tế" với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như có thể đưa ra cảnh báo du lịch đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, ông Schulz khẳng định sẽ ngăn chặn nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ và ngừng các cuộc hội đàm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU nếu ông trở thành Thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử tới.

Các tuyên bố cứng rắn trên của Thủ tướng Merkel và Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Schulz được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang sau khi Ankara bắt giữ thêm 2 công dân Đức "vì lí do chính trị", nâng tổng số công dân Đức bị giam giữ vì lí do trên tại Thổ Nhĩ Kỳ lên con số 12 người, trong đó có 4 trường hợp mang 2 quốc tịch Đức - Thổ Nhĩ Kỳ và 2 người là nhà báo nổi tiếng. Theo Thủ tướng Merkel, hầu hết các vụ bắt giữ nói trên là "không có cơ sở pháp lý". Do đó, bà kêu gọi Ankara trả tự do ngay lập tức cho các công dân này.

Ngoài ra, ứng viên SPD cũng công kích bà Merkel về những mâu thuẫn giữa CDU và CSU liên quan đến một số vấn đề như: Phí cầu đường, lương hưu trong các cuộc bầu cử trước đây.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cuộc tranh luận đã không đề cập đến những vấn đề khác mà cử tri quan tâm cũng như đã được đưa ra trong cương lĩnh tranh cử của hai bên, như: Giáo dục, số hóa, năng lượng, khí hậu, đổi mới, tình trạng quan liêu...

Kết quả thăm dò được tiến hành ngay trong và sau cuộc tranh luận do Tổ chức Infratest Dimap tiến hành cho đài ARD cho thấy, đánh giá về độ tin cậy, tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Merkel là 49%, bỏ xa ông Schulz với 29%. Về độ thuyết phục trong tranh luận, bà Merkel nhận được 55% sự ủng hộ còn ông Schulz là 35%. Khảo sát nhanh do đài truyền hình ZDF thực hiện cũng cho thấy, Thủ tướng Đức Merkel đã tạo ấn tượng tốt hơn với cử tri trong cuộc tranh luận này. Theo đánh giá chung của truyền thông Đức, đương kim Thủ tướng Merkel nổi lên như là người chiến thắng rõ ràng của cuộc tranh luận trên truyền hình duy nhất trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong tháng 9 này.

Giành thêm lợi thế

Sự kiện hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Đức tham gia tranh luận kéo dài 97 phút đã thu hút sự quan tâm của dư luận và giới truyền thông không chỉ của nước Đức mà còn của toàn thế giới, bởi kết quả cuộc tranh luận sẽ tác động không nhỏ tới lá phiếu của các cử tri Đức, đặc biệt là những người hiện chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào. Như vậy, ứng cử viên của SPD Martin Schulz đã đánh mất cơ hội cuối cùng để thu hút thêm sự ủng hộ, qua đó giúp SPD rút ngắn khoảng cách trong bối cảnh kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều nghiêng về phía bà Merkel và liên đảng CDU/CSU.

Trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa đương kim Thủ tướng Đức Merkel và Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Schulz, giới phân tích nhận định, ông Schulz sẽ khó có thể lật ngược được thế cờ trong bối cảnh Thủ tướng Merkel và liên đảng CDU/CSU đang nhận được sự tín nhiệm cao. Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thặng dư ngân sách, thương mại và giải quyết việc làm... của Đức hiện nay đều ở mức tốt hơn so với kỳ vọng.

Thêm vào đó, dường như những vấn đề mà ông Schulz dự kiến đưa ra trong cuộc tranh luận trực tiếp lần này đều đã được Thủ tướng Merkel "hóa giải" trước đó với những tuyên bố được dư luận đánh giá cao. Thủ tướng Merkel đã lên tiếng bảo vệ chính sách mở cửa chào đón người tị nạn mà chính phủ của bà theo đuổi trong những năm qua. Bà khẳng định không hối tiếc trước quyết định của mình, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng, bà đã phạm sai lầm về chính sách này, dù việc 1 triệu người tị nạn từ Syria và Iraq tới Đức trong 2 năm qua đã gây ra những rạn nứt trong liên minh CDU/CSU và khiến uy tín của bà giảm sút mạnh.

Về chính sách quốc phòng, nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định, kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của Berlin sẽ không làm giảm bớt phúc lợi của nước này; đồng thời bác bỏ chỉ trích của SPD rằng bà đang nhượng bộ trước yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ. Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng thể hiện rõ vai trò lãnh đạo cứng rắn trong các chính sách đối nội và đối ngoại của mình.

Với những đánh giá tích cực về khả năng điều hành đất nước cùng các ấn tượng thu được từ cử tri trong vòng tranh luận trên truyền hình, đương kim Thủ tướng Đức Merkel vẫn được coi là ứng cử viên sáng giá nhất và gần như nắm chắc trong tay nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư liên tiếp./.

Tấn Vũ