Thứ nước uống quý kỳ lạ ở vùng cao Quảng Trị-uống đẹp da, lâu già 

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về hay cưới, hỏi, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị lại chuẩn bị chu đáo những món ăn, thức uống truyền thống để thết đãi khách quý đến thăm nhà. Đặc biệt, đớ tỡ cruông được xem là thức uống quý và chỉ những gia đình có người am hiểu phương thuốc gia truyền từ các loại cây rừng mới có để mời khách.

Trong những thức uống đó, không thể thiếu các loại như đớ tỡ cruông (nước từ rễ cây rừng), đăq tuvăq (rượu đoác), piđo (men chế biến từ lá rừng dùng để nấu rượu), aloong kreahs (rễ và vỏ cây rừng pha với nước đoác hoặc mật mía)...

 thu nuoc uong quy ky la o vung cao quang tri-uong dep da, lau gia hinh anh 1

Cụ Quế và cụ Huệ trò truyện rôm rả bên ly nước từ rễ cây rừng.

Trong tiết trời xuân tươi đẹp của phố núi, đôi bạn già đều đã hơn 84 tuổi Hà Thị Quế và Hồ Thị Huệ ở khối 3b, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa trò chuyện rôm rả bên ly nước ấm nóng có vị ngọt, thơm nhẹ từ rễ cây rừng.

Nhâm nhi từng ngụm nước vàng đỏ óng ánh mà người bạn già vừa rót thêm vào ly, cụ Hồ Thị Huệ vui vẻ nói: “Nhiều năm nay, không chỉ tết mà ngày nào tôi cũng được cụ Quế mời đến nhà, tự tay nấu những loại rễ cây rừng mời uống. Loại thức uống này rất ngon, nó giúp chúng tôi loại bỏ một số bệnh người già thường mắc phải như đau lưng, thiếu máu. Đặc biệt, dù đã hơn 84 tuổi nhưng chúng tôi ít ốm đau...".

Quả thật, nhìn dáng vóc nhanh nhẹn, nói năng minh mẫn của hai cụ, không ai nghĩ họ đã bước sang tuổi ngoài 84. Được như vậy, bên cạnh sự tự tin, yêu đời, họ còn nhờ vào thức uống quý dùng hằng ngày.

Vốn là người được cha ông truyền nghề chữa bệnh bằng cây rừng nên qua nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, cụ Hà Thị Quế đã lựa chọn được một số loại rễ cây quý thường gọi là đớ tỡ cruông dùng để bồi bổ sức khỏe cho mình và những người quý mến đến nhà thăm chơi.

“Loại nước uống này gồm có 4 vị rễ cây rừng trộn lại là piar pang, péng, ning và suông. Mỗi loại có một vị và màu sắc riêng như cay, chát, ngọt, chua, đắng; đỏ, đen, vàng, sẫm. Khi nấu lên sẽ ra một màu vàng đỏ rất đẹp, uống cảm nhận được vị ngọt thanh rất lâu trên đầu lưỡi...", cụ Quế chia sẻ.

Theo cụ Quế, đây là những loại rễ cây rừng có tác dụng bổ máu, chữa bệnh đau lưng, nhức mỏi, suy nhược cơ thể, ăn ngon, ngủ ngon, đặc biệt phụ nữ uống vào sẽ đẹp da, lâu già. Đối với người Vân Kiều, Pa Kô, màu vàng đỏ của nước uống này tượng trưng cho tình cảm của chủ nhà với khách, thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai bên...

Để chuẩn bị nước uống mời khách trong ba ngày tết, cụ Quế dành nhiều thời gian vào rừng tìm kiếm những loại rễ cây nói trên, thái mỏng phơi nắng và cất trên giàn bếp củi. Mỗi lần có khách đến nhà, ngoài hạt dưa, mứt bánh, cụ chỉ cần lấy một nhúm nhỏ 4 loại rễ cây rửa sạch, cho vào nồi nấu là có được một ấm nước nóng hổi, thơm ngon.

Thật đặc biệt, đớ tỡ cruông luôn tạo ấn tượng cho những ai may mắn được thưởng thức. Bởi, chỉ cần nhìn thấy ly nước có màu đẹp, uống vị lạ, ngon, khách sẽ say sưa hỏi chuyện chủ nhà về nguồn gốc và cảm nhận được ý nghĩa từ thức uống quý mà chủ nhà dành cho mình. Khi chia tay, khách không khỏi lưu luyến khi được người mời tặng ít rễ cây rừng quý về làm quà.

“Bây giờ tuổi tôi đã cao, chỉ sợ sau này khi mất đi không có ai tiếp nối nghề đi lấy rễ cây rừng về chữa bệnh và làm nước uống. Tôi mong con cháu cũng như khách quý không quên ở miền sơn cước này, nhất là dịp tết, cưới hỏi có một loại thức uống đặc biệt của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô”, cụ Quế thổ lộ.

 

 
Theo Kô Kăn Sương (Báo Quảng Trị)
734 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1334
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1334
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76382320