- Buổi sáng:

Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Trong quá trình thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến nhất trí cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo luật lần này tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu, góp ý kiến về một số nội dung của dự thảo như: Về hội đồng trường; về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động khoa học, công nghệ; về tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia, đại học vùng; về xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo; về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh; về nhiệm vụ, quyền hạn người học; về quy định trình độ đào tạo của giáo dục đại học; về định hướng hình thành, phát triển các đại học lớn trong tương lai; về quy định mở mã ngành; về tự chủ đại học…   

Sau thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, đồng thời giải trình, làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn trước khi quyết định thông qua Dự luật này.

- Buổi chiều:

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Trong quá trình thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu, 4 ý kiến tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời bày tỏ sự đánh giá cao đối với những nỗ lực của ngành công an trong việc cải cách bộ máy hành chính trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo như: Về vị trí của Công an nhân dân; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân; về cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc Công an cấp tỉnh; về hạn tuổi phục vụ và một số chế độ, chính sách đối với Công an Nhân dân: chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm y tế đối với Công an Nhân dân; về công nghiệp an ninh...

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Thứ tư, ngày 7/11/2018, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi./.

Vũ Thị Quỳnh Hoa (TTXVN)