Tăng cường công tác dân số tại huyện miền núi Đakrông 

Thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Từ tình hình thực tiễn của tỉnh, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Chương trình hành động, chú trọng triển khai tại các huyện miền núi, qua đó góp phần giải quyết các vấn đề về dân số mà địa phương đang gặp phải, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số đồng bào dân tộc huyện miền núi như huyện Đakrông.

Tính đến cuối tháng 6/2018, huyện Đakrông có tổng 9.464 hộ, dân số trung bình là 42.859 người, tỷ suất sinh đạt 9,93%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 31,5%.

Nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, huyện Đakrông chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, đặc biệt đến những đối tượng đang trong độ tuổi sinh đẻ, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, công tác xây dựng mô hình làng, bản không sinh con thứ ba...

Công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình tại huyện Đakrông ngày càng đi sát đối tượng, không ngừng đổi mới phương pháp và đa dạng hình thức, phong phú về nội dung, mở rộng phạm vi và đối tượng tuyên truyền. Với phương châm “đi từng ngõ – gõ từng nhà” được thể hiện qua tờ rơi sách báo... Do đó, nhận thức của con em trên địa bàn huyện đã có bước chuyển biến rõ rệt, nhịp độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế, số con trung bình của một phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ giảm qua các năm. Qua đó thấy được đội ngũ công tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình trong công tác tuyên truyền tại cơ sở đang ngày càng phát huy được vai trò của mình.

Về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, trong 6 tháng đầu năm 2018, chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình đã được triển khai tai 14 xã/thị trấn của huyện Đakrông với phong trào rầm rộ và thu hút được chị em phụ nữ tham gia hưởng ứng khá đông. Tất cả đối tượng đến tham gia chiến dịch đều được tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí.

Một buổi truyền thông dân số tại thôn Tà Lềng, xã Đakrông, huyện Đakrông

Các mô hình làng bản không sinh con thứ ba đã và đang hoạt động hiệu quả, đảm bảo tiêu chí các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ kể từ khi phát động đến nay không có người sinh thêm con thứ 3 trở lên nữa. Các thôn, bản hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như Ty Nê, La Hót, Cu Tai 1, Thạch Xá, Ăng Công... đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng dân số. Để nhân rộng các mô hình hiệu quả, tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, chính quyền, các cán bộ làm công tác dân số huyện đang nỗ lực đề ra những giải pháp phù hợp với điều kiện, tình hình dân số của địa phương, đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ ba. Năm 2017, toàn huyện có 51/103 thôn có mô hình làng (thôn) không có người sinh con thứ ba.

Mục tiêu trong năm 2018 sẽ xây dựng được thêm 3 mô hình nữa và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm 2017 là 1,5%, giảm tỷ suất sinh 0,4%, cơ cấu dân số cân đối nhất là trẻ mới sinh ra giữa nam và nữ không quá 10%. Để làm được điều đó, các cán bộ làm công tác dân số đã đi đến mọi thôn, bản và nhận thấy một số khó khăn địa phương gặp phải cần sớm được giải quyết. Trong đó, cần khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ chuyên môn làm công tác dân số, xóa bỏ nhận thức lạc hậu của người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc đẻ nhiều sẽ được hỗ trợ và hưởng lợi nhiều; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản để giảm tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa...

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Truyền thông Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong thời gian tới, để thực hiện DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện thật tốt, chúng tôi tập trung các giải pháp, đặc biệt chú trọng công tác truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau như đến tận nhà người dân để tuyên truyền, thông qua các buổi họp bản, họp thôn, các hội thi... nhằm thay đổi nhận thức cho người dân và lâu dài sẽ là thay đổi hành động.”

Các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh và đặc biệt là địa phương thuộc khu vực miền núi như huyện Đakrông đang ngày càng đầu tư hơn cho công tác dân số. Qua đó góp phần đảm bảo ổn định quy mô dân số, cân đối cơ cấu dân số và từng bước nâng cao chất lượng dân số của huyện miền núi nói riêng và tỉnh nhà nói chung, cùng nỗ lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Chương tình hành động của Tỉnh ủy Quảng Trị tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Thảo Nhi

801 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 727
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 727
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76374482