Trong hai ngày 2-3/11/2017, tại thành phố St-Peterburg, (Nga) đã diễn ra Cuộc gặp quốc tế các đảng Cộng sản và công nhân lần thứ 19 với chủ đề “100 năm cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười: Các tư tưởng của phong trào cộng sản, tăng cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì hoà bình và chủ nghĩa xã hội”. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917-7/11/2017).

Tham dự sự kiện lần này, ngoài 85 đoàn đại biểu đại diện cho các chủ thể liên bang của Nga còn có 103 đoàn đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Trần Đắc Lợi - Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng dẫn đầu.

Phát biểu khai mạc cuộc gặp, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã biến người lao động trở thành người chủ của đất nước, biến tầng lớp lao động không có quyền hành thành những người sáng tạo ra thế giới mới, lịch sử mới, góp phần mang đến sự bình đẳng trong xã hội, khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, ông Zyuganov đánh giá cao những quốc gia vẫn đang tích cực lựa chọn định hướng xã hội chủ nghĩa, do đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo đất nước như Trung Quốc - quốc gia hiện có nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, là Cuba - quốc gia khiến chủ nghĩa đế quốc không thể phá hoại trong suốt 6 thập kỷ, là Việt Nam - quốc gia đang rất phát triển trên thế giới.

Về phần mình, trong bài phát biểu tại phiên toàn thể của hội nghị, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Đắc Lợi khẳng định, cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhân loại toàn thế giới vì đã định hình quan hệ quốc tế kiểu mới, theo đó tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, mang lại sự công bằng và bình đẳng trong xã hội, giải phóng loài người khỏi chủ nghĩa phát xít tàn bạo và trở thành trụ cột cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Ông Shinzo Abe tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Thủ tướng Nhật Bản 

Ngày 1/11, trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã được bầu lại làm Thủ tướng nước này. Với kết quả trên, ông Abe trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Nhật Bản cho thấy, ông Abe nhận được 312 phiếu bầu tại Hạ viện (trên tổng số 465 ghế) và 150 phiếu bầu tại Thượng viện (trên tổng số 242 ghế), vượt xa các đối thủ còn lại và chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ mới.           

Cũng trong phiên họp này, Hạ nghị sĩ Tadamori Oshima thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tiếp tục được bầu lại làm Chủ tịch Hạ viện, trong khi Hạ nghị sĩ Akamatsu Hirotaka thuộc đảng Dân chủ lập hiến (CDP) đối lập được bầu làm Phó Chủ tịch Hạ viện.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Abe đã chỉ định các thành viên nội các và công bố một số nét cơ bản về các chính sách mà chính phủ mới sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ này, bao gồm vấn đề ngân sách 2018 tập trung vào lĩnh vực chăm sóc trẻ em và tăng năng lực sản xuất.

Ông Abe, 63 tuổi, bắt đầu điều hành Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng từ tháng 12/2012 với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng năng lực quốc phòng.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria

Ngày 30 và 31-10-2017, tại thủ đô Astana của Kazakhstan đã diễn ra vòng đàm phán thứ 7 về tìm lối thoát cho cuộc xung đột ở Syria với sự tham gia của đại diện 3 nước bảo trợ là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Phái đoàn của Chính phủ Syria và các nhóm đối lập vũ trang cũng tham gia cuộc đàm phán này.

Kết thúc vòng đàm phán, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ra Tuyên bố chung nhất trí tổ chức "Đại hội đối thoại dân tộc Syria" theo sáng kiến của Nga, nhằm kéo các đại diện của Chính phủ Syria và các nhóm đối lập ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, tạo cú hích cho các nỗ lực hòa bình hướng tới một giải pháp chính trị bền vững hơn để chấm dứt cuộc nội chiến đã cướp đi hơn 330.000 sinh mạng, buộc 6,1 triệu người bên trong lãnh thổ Syria phải di tản và 4,8 triệu người phải tìm kiếm nơi ẩn náu ở nước ngoài trong hơn 6 năm qua.

Cuộc hòa đàm về Syria tại Astana là sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm mở ra cơ hội để khuyến khích các thủ lĩnh phe đối lập Syria tham gia vào tiến trình chính trị tiến tới có thể chấm dứt xung đột tại Syria. Hiện nay, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang chiếm ưu thế trên “bàn cờ” Syria sau thắng lợi lớn tại một loạt thành phố được coi là thành trì của Nhà nước Hồi giáo ở Syria của quân đội Syria dưới sự hỗ trợ của lực lượng quân đội Nga. Trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Syria, Nhà nước Hồi giáo kiểm soát hơn 70% lãnh thổ nước này. Tuy nhiên đến nay, sau 2 năm, tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo tự xưng chỉ còn kiểm soát chưa đầy 5% lãnh thổ Syria. Do đó, có thể thấy, ngoài những nỗ lực đem lại hòa bình cho Syria thì cuộc đàm phán giữa đại diện chính quyền Syria và các nhóm đối lập do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran còn cho thấy vai trò lớn của ba nước này ở khu vực Trung Đông.

Mỹ lần đầu tiên không kích Nhà nước Hồi giáo ở Somalia

Ngày 3/11, quân đội Mỹ đã tiến hành 2 cuộc không kích nhằm vào các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Somalia. Đây là lần đầu tiên Mỹ không kích các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi này. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM) Anthony Falvo, cho biết, các vụ không kích được thực hiện ở Đông Bắc Somalia. Vụ thứ nhất tiến hành vào lúc nửa đêm, trong khi vụ thứ 2 diễn ra sau đó 11 tiếng. Các tên lửa đã bắn trúng mục tiêu và tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố, nhưng không gây thương vong cho dân thường.

Những tháng gần đây, Mỹ thường xuyên tấn công các tay súng Somalia thuộc nhóm phiến quân Shabaab - có quan hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Hai vụ không kích vừa qua đánh dấu một bước đi quan trọng trong các nỗ lực chống khủng bố, cụ thể là Nhà nước Hồi giáo, của Mỹ ở quốc gia châu Phi này.

Tuyên bố của AFRICOM nêu rõ "các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng mọi biện pháp chính đáng và phù hợp để bảo vệ người dân Mỹ trước các mối đe dọa có thể thấy trước mắt". Mỹ đã triển khai lực lượng đặc nhiệm ở Somalia và hiện có hơn 50 binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây.

Hiện nay, Mỹ đang duy trì lực lượng quân sự nhỏ với khoảng 50 binh sĩ ở Somalia, với nhiệm vụ chủ yếu là cố vấn và huấn luyện cho quân đội Somalia và binh sĩ thuộc Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi ở Somalia để chiến đấu chống lại phiến quân Al-Shabaab tại đây.

Tấn công khủng bố bằng xe bán tải tại Mỹ hơn 20 người chết và bị thương

Ngày 31-10-2017, một đối tượng đã lao xe bán tải với tốc độ cao vào làn đường dành cho người đi xe đạp và đi bộ ở khu vực Hạ Manhattan, thành phố New York, Mỹ khiến 8 người thiệt mạng và ít nhất 15 người khác bị thương, trong đó 11 người bị thương nặng phải nhập viện.

Đối tượng gây ra vụ tấn công trên là Sayfullo Saipov, một công dân Uzbekistan, 29 tuổi, sinh sống tại bang Florida. Đối tượng Saipov đến Mỹ vào năm 2010 và từng mắc bệnh trầm cảm.

Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích vụ tấn công xảy ra tại thành phố quê hương ông là một hành động điên rồ. Ông tuyên bố Mỹ sẽ không để những phần tử thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng quay trở về hoặc xâm nhập vào Mỹ sau khi chúng bị đánh bại ở Trung Đông hay những nơi khác. Tổng thống Mỹ Trump cũng đã ra lệnh cho Bộ An ninh Nội địa tăng cường hơn nữa việc "kiểm tra nghiêm ngặt" đối với khách du lịch nước ngoài tới nước này.

Trước mối lo về tình trạng bất ổn an ninh, các nhà phân tích cho rằng, nước Mỹ cần có những giải pháp bền vững hơn và cách tiếp cận mới về chống chủ nghĩa khủng bố. Nếu không, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ có thể trở thành một cuộc chiến không có hồi kết.

Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Cuba (PDCA) có hiệu lực

Ngày 1-11-2017, Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Cuba (PDCA) đã bắt đầu có hiệu lực tạm thời. Thỏa thuận bao gồm 3 chương chính về đối thoại chính trị, hợp tác và đối thoại chính sách ngành cũng như hợp tác về thương mại. PDCA có mục tiêu thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa 2 bên nhằm khuyến khích phát triển bền vững, dân chủ, cũng như tìm ra giải pháp vượt qua các thách thức toàn cầu thông qua việc phối hợp hành động trên các diễn đàn đa phương.

Đánh giá về PDCA, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho rằng Liên minh châu Âu và Cuba đang thực sự bước sang trang mới và cũng là một chương mới trong quan hệ đối tác song phương bắt đầu từ nay với việc PDCA đi vào áp dụng tạm thời. Hiện tại, Liên minh châu Âu đã xích lại gần hơn với đất nước Cuba và người dân quốc đảo xinh đẹp này. Người châu Âu gắn kết với Cuba, Mỹ Latinh và Caribe bằng một quá trình lịch sử, văn hóa, các giá trị và các khát vọng chung trong hiện tại và cả tương lai.

Trong lịch sử, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Cuba đã trở nên căng thẳng sau khi khối liên minh kinh tế chính trị này áp đặt hàng loạt quy định giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với quốc gia Nam Mỹ vào năm 1996. Sau nửa thập kỷ lạnh nhạt, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Cuba bắt đầu được cải thiện kể từ năm 2008 sau khi Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba (năm 2005). Kể từ đó, trải qua 7 vòng đàm phán, vào tháng 3-2016, Liên minh châu Âu và Cuba đã tiến hành ký tắt thỏa thuận PDCA. Ngày 12-12-2016, Liên minh châu Âu và Cuba đã chính thức ký kết thỏa thuận quan trọng này.

Đánh bom liều chết tại Syria khiến hơn 30 người thương vong

Truyền thông Syria đưa tin một vụ đánh bom xe liều chết ngày 3/11 đã khiến 9 người thiệt mạng tại một ngôi làng ở cao nguyên Golan của Syria. Ngay sau vụ tấn công cũng đã xảy ra nhiều cuộc đấu súng giữa lực lượng chính phủ và các phiến quân.  

Theo hãng thông tấn SANA của Syria, một đối tượng đánh bom liều chết thuộc Mặt trận Al-Nusra đã kích nổ quả bom gài trong một xe ôtô tại khu dân cư bên ngoài làng Hader, giáp giới tuyến phân chia một phần cao nguyên Golan do phía Syria kiểm soát với một phần thuộc quyền kiểm soát của Israel. Vụ tấn công cũng đã khiến ít nhất 23 người bị thương. Tuy nhiên, con số thương vong có thể còn gia tăng do nhiều người đang trong tình trạng nguy kịch.

Ngay sau vụ việc trên, các nhóm khủng bố đã tấn công vào làng Hader. Trước tình hình đó, các đơn vị quân đội cùng các đơn vị bán vũ trang, gồm các tay súng ủng hộ chính phủ đã triển khai lực lượng chiến đấu chống lại những kẻ tấn công.

Hader là ngôi làng với phần đông người Druze - tín đồ của một tôn giáo tương tự như Hồi giáo, từng hứng chịu nhiều cuộc tấn công của các nhóm phiến quân và các nhóm Hồi giáo cực đoan trong thời gian qua. Ngôi làng này nằm ở phía Tây Nam tỉnh Quneitra của Syria. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, khoảng 70% diện tích của tỉnh Quneitra hiện bị cả các nhóm phiến quân và các Hồi giáo cực đoan chiếm đóng, trong khi Chính phủ Syria chỉ kiểm soát 30% diện tích còn lại./.

Tô Chu