Sớm sửa đổi bất cập trong các quy định về phòng, chống bạo lực học đường 

(ĐCSVN) – Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh nội dung trên tại buổi giao lưu trực tuyến về “Bạo lực học đường - Nhìn từ góc độ pháp luật và Giải pháp'”do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 10/4.

Theo thống kê của ngành Công an, chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT.

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng phức tạp và gia tăng về số lượng. Thực tế là có nhiều vụ việc bạo lực học đường đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau, trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật, song việc xử lý còn gặp bất cập…

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: TH.

Mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường chưa có sức răn đe, giáo dục

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Hiện nay, chúng ta đã có khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh về môi trường giáo dục an toàn và phòng, chống bạo lực học đường nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật nói riêng như: Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012;  Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội cố ý gây thương tích (Điều 134, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội làm nhục người khác (Điều 155). Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các Nghị định hướng dẫn…

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm tập trung nguồn lực cho công tác PBGDPL đối với một số đối tượng thanh, thiếu niên như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2009-2012; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015” và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn Đề án đến năm 2020…

Tuy nhiên, ông Nguyên chỉ rõ, qua nghiên cứu một số các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung gắn với xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ cho thấy, có một số hành vi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường còn thấp chưa có sức răn đe, giáo dục... như: Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Chính vì vậy, các Bộ, ngành chức năng như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định bất cập trong các văn bản pháp luật điều chỉnh về phòng, chống bạo lực học đường, để bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại cơ sở

Làm rõ thêm về nội dung này, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin: Để thực hiện Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã có hai thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Song, ông Linh cho rằng việc cập nhật các chính sách, quy định của ngành đối với từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh còn bất cập. Vẫn còn có địa phương, nhà trường chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc các chỉ đạo này.

“Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt trong lĩnh vực trẻ em. Khi đó cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng trong thời gian tới các bộ, ngành và các địa phương sẽ phải cùng nhau vào cuộc trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường.

Theo đó, các địa phương phải thường xuyên giám sát việc thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trong trường học. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những điểm bất cập để tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn…/.

Thu Hằng

606 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1616
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1616
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76441086