Quảng Trị thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6: Quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả 

Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đang được tỉnh Quảng Trị triển khai tích cực, bài bản và khá quyết liệt, đồng bộ. Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn quan trọng này.

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, việc thực hiện Nghị quyết số 18 –NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được địa phương triển khai như thế nào?

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18 –NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng liên quan các nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung được xác định trong Kế hoạch của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 sẽ mở ra sự bứt phá trong bộ máy và cán bộ, tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và nâng cao niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong phạm vi tỉnh Quảng Trị, Nghị quyết sẽ có những tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, tác động đến từng tổ chức bộ máy ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn và trong nội bộ mỗi cơ quan, ban, ngành; là vấn đề “ nóng” được toàn xã hội và nhân dân quan tâm. Vì vậy sau khi có Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo việc học tập, quán triệt Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên đồng thời đặt ra yêu cầu chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, khoa học, hiệu quả, tạo sự chuyển biến thực sự về đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Với nhận thức như vậy, trước khi xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những bước chỉ đạo căn cơ, thận trọng nhưng khá quyết liệt. Tổ chức 3 đoàn khảo sát quy mô lớn do 3 đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn làm việc với một số huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành y tế, giáo dục, nông nghiệp... và một số sở, ngành liên quan để nắm rõ hơn về thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế và cơ chế hoạt động của các mô hình tổ chức; về định hướng và tính khả thi của mỗi mô hình tổ chức khi triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và 19.

Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo BCS Đảng UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ chủ trì tham mưu nghiên cứu xây dựng Đề án, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết. Chỉ đạo tiến hành khảo sát, thống kê thực trạng các đơn vị hành chính thôn, bản, khu phố, các đơn vị hành chính, đơn vị sự  nghiệp; làm việc với thường trực các huyện, thị, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố, lấy ý kiến các cơ quan cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh về Đề án, Kế hoạch. Các cấp ủy địa phương cũng đã tự giác đăng ký thực hiện thí điểm 2 đến 3 mô hình về sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy. BCS Đảng UBND tỉnh cũng đã tổ chức các phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo Đề án, kế hoạch trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phải có các bước đi như vậy để thống nhất tư tưởng của từng tổ chức, cá nhân, vì sắp xếp lại bộ máy tinh gọn sẽ tác động nhiều mặt về nhiệm vụ chính trị, yếu tố con người, cán bộ, nếu không làm thông về mặt nhận thức ngay từ đầu thì về sau sẽ khó triển khai.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 5 phiên họp để thảo luận một cách dân chủ, kỹ lưỡng với quyết tâm xây dựng đề án, kế hoạch chất lượng để trình Ban Chấp hành. Trong 2 ngày 19 và 20/4/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp và thông qua Kế hoạch, Đề án thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW. Khác với cách xây dựng Chương trình hành động hay Kế hoạch thực hiện Nghị quyết như trước đây, với Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW, Tỉnh ủy đã lượng hóa các đầu việc, bước đi, lộ trình cụ thể để mỗi cấp, mỗi địa phương, mỗi tổ chức triển khai thực hiện ngay những việc đã rõ, thí điểm thực hiện những việc mới mà Nghị quyết yêu cầu.

Quan điểm chung trong chỉ đạo thực hiện được Tỉnh ủy xác định là: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật Nhà nước, đảm bảo tính thống nhất lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong sắp xếp bộ máy; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn làm mục tiêu hàng đầu để sắp xếp. Chúng tôi cũng xác định phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; vừa có tính kế thừa, ổn định, vừa đảm bảo tính đổi mới, phát triển; gắn đổi mới bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế; chú trọng về chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trọng dụng người có năng lực, có tài thực sự. Khi sắp xếp tổ chức bộ máy phải đảm bảo nguyên tắc, một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, nhất là nêu cao vai trò người đứng đầu. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả. Tinh thần chung là thực hiện khẩn trương, kiên quyết, chắc chắn để đạt mục tiêu về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Thưa đồng chí, mục tiêu cụ thể mà tỉnh đặt ra cho việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là gì và giải pháp căn cơ để đạt được mục tiêu này?

Các Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW đã cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và xác định các nhiệm vụ, đầu việc cụ thể trong tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung sắp xếp thu gọn đầu mối trong các cơ quan đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị; sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; sắp xếp, thu gọn đơn vị hành chính cấp xã, thôn chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh gắn với rà soát, xác định rõ chức năng nhiệm vụ từng cơ quan và tinh giản biên chế, giảm chức danh lãnh đạo, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi hành chính.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung sắp xếp theo hướng giải thể các đơn vị yếu kém, kết thúc hoạt động các đơn vị không cần thiết; sáp nhập các đơn vị có nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi các đơn vị có điều kiện thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính hoặc thành các công ty cổ phần..., nhằm thực hiện mục tiêu giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế theo quy định, chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong khu vực này.

Việc sắp xếp lại sẽ triển khai ngay trong năm 2018 và trong những năm tiếp theo, với hướng đi và lộ trình cụ thể như sau:

 Ở cấp tỉnh, đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập Sở Thông tin truyền thông với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sáp nhập Ban Dân tộc vào Ban Tôn giáo thành Ban Dân tộc- Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ, đảm bảo cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn 17 đơn vị. Lộ trình tiếp theo tiếp tục nghiên cứu để sáp nhập thêm một số sở. Tiến hành sắp xếp, thu gọn đầu mối các phòng, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở; thực hiện giải thể các Ban Quản lý dự án chuyên ngành cấp sở. Hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh khi có chủ trương của Trung ương. Tổ chức thực hiện mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh.

Đối với các cơ quan đảng cấp tỉnh, tiến hành chuyển giao văn phòng các Ban đảng về Văn phòng Tỉnh ủy để thực hiện văn phòng cấp ủy tỉnh phục vụ chung; sắp xếp lại Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y bác sỹ cho Bệnh viện đa khoa tỉnh; sắp xếp, tổ chức lại các đầu mối bên trong hai Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh theo hướng chỉ có Ban Xây dựng đảng và Văn phòng.

 Ở cấp huyện, thực hiện ngay Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQVN ở 50% địa phương năm 2018 và thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh năm 2019. Thực hiện kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm UBKT kiêm Chánh thanh tra ở 50% địa phương năm 2018, hoàn tất trong toàn tỉnh vào năm 2020; một số địa bàn nhỏ như Thị xã Quảng Trị cho phép nhập một số ban đảng, khi có điều kiện thì nhập tất cả các ban đảng thành ban xây dựng đảng của thị xã. Thí điểm hợp nhất văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND ở một số địa phương có đăng ký. Thực hiện nhập bộ phận phục vụ chung cho Mặt trận, đoàn thể ở những nơi có chung trụ sở làm việc. Sáp nhập Trung tâm phát triển quỹ đất vào Ban quản lý dự án cấp huyện. Không tổ chức Phòng Y tế, Phòng Dân tộc mà giao các nhiệm vụ này cho Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Hợp nhất một số phòng ở cấp huyện phù hợp với mỗi địa phương, đảm bảo không quá 10 phòng.

Ở cấp xã, cấp thôn, giao cho Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện tính toán lộ trình thực hiện sáp nhập các xã thiếu 2 tiêu chí để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Đối với các thôn tách ra từ làng trước đây và thôn tách ra từ thôn cũ tiến hành sáp nhập trước; tiếp đến sáp nhập các thôn không đủ về số hộ theo tiêu chuẩn quy định. Các thôn ở vùng miền núi thực hiện sáp nhập linh hoạt, không máy móc theo các tiêu chí; tính toán cân nhắc kỹ sáp nhập các thôn ở vùng biên giới, không gây xáo trộn làm ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh nhằm giảm ít nhất 10% những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn; thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm mạnh đầu mối, đảm bảo tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo từ năm 2015-2030 giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập, có 20% đơn vị tự chủ về tài chính; giảm tối thiểu 30% biên chế; giảm 35% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Dự kiến sau khi triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-QN/TW, tỉnh sẽ giảm các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh còn 17 đơn vị đối với tỉnh loại III theo quy định của Trung ương và tiếp tục sáp nhập thêm một số sở nếu thấy phù hợp. Đến năm 2021 sẽ giảm 39 phòng chuyên môn cấp tỉnh, 19 phòng chuyên môn cấp huyện, 185 đơn vị sự nghiệp công lập, 1.786 biên chế, đảm bảo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương. Giảm được 300-400 thôn, 18 xã, thị trấn. Đến năm 2030 sẽ giảm 5.440 chỉ tiêu biên chế so với năm 2015, trong đó biên chế hành chính cấp tỉnh và cấp huyện giảm 201 chỉ tiêu, công chức cấp xã giảm 378 chỉ tiêu, biên chế sự nghiệp giảm 4.840 chỉ tiêu.

Việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó, bởi làm sao số lượng giảm nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động phải tăng, phải được nâng lên. Việc này còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ, đảng viên, là việc hệ trọng và nhạy cảm. Do vậy các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao nhận thức và đồng thuận chung trong thực hiện các nghị quyết. Từng cơ quan, đơn vị phải có đề án cụ thể, khoa học và trách nhiệm; thực hiện tốt quy chế dân chủ, bàn bạc công khai về kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để mỗi cán bộ công chức, viên chức biết và cùng thực hiện trên cơ sở xuất phát từ lợi ích chung, căn cứ vị trí việc làm và căn cứ vào sự đánh giá đúng cán bộ. Cần chống thiên vị nể nang, cả sự tác động tiêu cực từ bên ngoài, có như thế mới tránh được tình trạng người kém ở lại, người giỏi ra đi. Đi liền với sắp xếp tinh giản là vận dụng đúng đắn các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, làm sao để người tại vị phấn khởi và người phải giảm cũng yên lòng.

Mặt khác cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các Đề án, Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt, sáng tạo, hiệu quả; phê bình những đơn vị làm chưa tốt, thậm chí kỷ luật các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, cản trở việc thực hiện Nghị quyết. Chúng tôi tin rằng, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII sẽ đi vào cuộc sống và tạo kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy sự phát triển đi lên của đất nước, quê hương, cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới./.

2083 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1114
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1114
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76398583