Quảng Trị đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước 

Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại. Qua bao thế kỷ, các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống thị hiếu thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình. Đó chính là một hệ thống hữu cơ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy thông qua hoạt động thực tiễn. Mỗi quốc gia, dân tộc, muốn phát triển bền vững và ổn định phải xây dựng văn hoá, phát triển văn hóa và con người, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, ổn định chính trị, xã hội trên tinh thần “tiếp thêm sức mạnh của nền văn hóa đương thời và nâng nó lên ngang tầm với sự phát triển kinh tế và sự phồn vinh của xã hội”.

Đảng ta cũng đã khẳng định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, coi sự phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước… Kế thừa tinh thần đó, ngày 09/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Sau khi có Nghị quyết số 33-NQ/TW, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân Quảng Trị nên việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trong 05 năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết trên địa bàn được triển khai kịp thời, nghiêm túc, sâu rộng, bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò và tính cấp bách của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới.

Môi trường văn hóa học đường được chú trọng. Thực hiện việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, các trường học trong tỉnh đã chú trọng giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho học sinh. Xây dựng giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; kiên quyết phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực học đường, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trở thành phong trào quần chúng rộng rãi và đạt được những kết quả nổi bật. Văn hóa nông thôn có nhiều tiến bộ, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường, dân chủ ở cơ sở được phát huy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; các phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo, nhân đạo từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, được Nhân dân tích cực hưởng ứng. Việc xây dựng gia đình, dòng họ, thôn, bản, cơ quan, trường học, doanh nghiệp văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động văn hoá gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” khu vực nông thôn được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã xây dựng 192 mô hình phòng, chống tội phạm theo hướng tự phòng, tự quản, bảo vệ cơ sở như: “họ-tộc không có người vi phạm pháp luật”, “Phật giáo huyện Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”, “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”.

Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hoạt động của các thiết chế văn hoá ngày càng phát huy hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua yêu nước khác đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Nhiều địa phương phát động phong trào thi đua dài hạn với chủ đề “Thi đua lao động, sản xuất, làm giàu cho mình, làm giàu, đẹp cho quê hương”, qua đó, mỗi người dân nêu cao vai trò chủ thể trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng, phát huy năng lực sáng tạo, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, góp phần vun đắp, xây dựng nhân cách, phẩm chất con người Quảng Trị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập quốc tế.

Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế được xác định là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, nhằm đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng đưa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa thông qua nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức. Các cơ quan, đơn vị hành chính không ngừng bồi dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ, tập trung rà soát, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, góp phần giảm các thủ tục rườm rà, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Các cấp ủy đảng tăng cường bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. 

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị đã góp phần thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, nhất là trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tụy, đoàn kết, có ý thức kỷ luật, nói đi đôi với làm, trách nhiệm với công việc, gia đình và xã hội; thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tệ quan liêu, hách dịch; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với những hành động, việc làm cụ thể, ý nghĩa thiết thực, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị to lớn về đạo đức trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được quan tâm chỉ đạo vì sự phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội. Cùng với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, hoạt động sưu tầm các hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử và công tác trưng bày được Bảo tàng tỉnh thực hiện thường xuyên.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm như: Hội cù ở xã Gio Mỹ; chuyện trạng Vĩnh Hoàng, tục đi Sim của đồng bào Vân Kiều, hò Như Lệ, hội bài chòi... Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ tôn vinh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2023; đồng thời, chuẩn bị các bước xây dựng đề án sưu tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các điệu hò Quảng Trị, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát triển Nghệ thuật Bài chòi từ tỉnh đến cơ sở.

Hoạt động Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đi vào nền nếp và theo đúng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Lực lượng sáng tác, biểu diễn tiếp tục sáng tác nhiều tác có chất lượng. Các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện. Nhiều cuộc triển lãm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật được tổ chức nhân các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước; các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia hưởng ứng. Công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Giải thưởng báo chí Quảng Trị được trao hằng năm đã thu hút đông đảo người làm báo trong và ngoài tỉnh tham gia với chất lượng tác phẩm ngày càng được nâng cao; nhiều tác phẩm đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sinh động quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, được đông đảo bạn đọc đón nhận, hoan nghênh. Các cơ quan báo chí trong tỉnh tiếp tục được đầu tư về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh.

Công tác phát triển công nghiệp văn hóa bước đầu được đầu tư, nhất là việc đầu tư cho phát triển những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ. Đã hình thành các đơn vị, công ty tổ chức sự kiện, quảng cáo trên địa bàn tỉnh. Bước đầu triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại bản Klu (xã Đakrông, huyện Đakrông). Chỉ đạo khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển đầu tư các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh… Liên kết vùng, địa phương xây dựng tour, tuyến du lịch, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch trong nước, khu vực.

Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc hợp tác với các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông - Tây và các nước trong khu vực. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa, tiềm năng phát triển về kinh tế du lịch vào địa bàn của tỉnh. Phối hợp hỗ trợ chương trình S-Vietnam thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch Quảng Trị; tổ chức xây dựng gian trưng bày, giới thiệu về Du lịch Quảng Trị và tham gia các sự kiện, hội nghị, hội thảo về liên kết phát triển du lịch tại Hội chợ Quốc tế - VITM Hà Nội 2018; Diễn đàn “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018” tổ chức tại Đà Nẵng; tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia 2018 tại Quảng Ninh.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, Tỉnh ủy Quảng Trị đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào hiện thực cuộc sống và tạo bước chuyển biến rõ rệt trên địa bàn tỉnh.

Các cấp ủy đảng chú trọng xây dựng văn hóa công sở, trong đó lấy nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên. Các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa chủ đề học tập và làm theo Bác hàng năm để quyết tâm thực hiện một cách hiệu quả bằng việc làm, hành động cụ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp xây dựng kế hoạch tự rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, đăng ký cam kết với Chi bộ đảng, cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”, thông qua đó, phát huy vǎn hóa trong đảng, ý thức trách nhiệm, đạo đức, tác phong công tác của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể.

Quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, phát triển, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Quan tâm việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hoạt động văn hóa, quản lý văn hóa và cán bộ của Đảng làm công tác tham mưu trong lĩnh vực văn hóa. Có cơ chế, chính sách thu hút tài năng hoạt động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, cán bộ trong lĩnh vực văn hóa có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà.

Thực hiện quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Hàng năm, mức chi hoạt động và đầu tư cho văn hóa tăng tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh, chú trọng đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở, gắn đầu tư với khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động như nhà Văn hóa cộng đồng, sân chơi, bãi tậpĐẩy mạnh việc xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người mới. Khuyến khích liên doanh, liên kết các thành phần kinh tế, khai thác, sử dụng các công trình văn hóa công cộng, hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật

Chú trọng hơn việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Nhiều chương trình mục tiêu của tỉnh về xây dựng thiết chế văn hóa đã được thực hiện với nhiều công trình quy mô lớn như: Quảng trường Trung tâm văn hoá điện ảnh tỉnh, sân vận động Đông Hà, Khu liên hợp thể thao tỉnh. Một số huyện, thị đã đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa, thể dục thể thao với cơ sở vật chất khá tốt như: Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa. Ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân đã đầu tư xây dựng hàng chục sân quần vợt, sân bóng đá mini, sân cầu lông, bóng chuyền…bước đầu đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân. Việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cũng đã được chú ý.

Đời sống văn hóa của Nhân dân trong tỉnh ngày càng được quan tâm phát triển, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy, chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Việc xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, bản, cơ quan, trường học văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội từng bước được thu hẹp. Những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức từng bước được ngăn chặn đẩy lùi. 

Trong thời kỳ mới, xây dựng và phát triển văn hóa phải góp phần làm cho mỗi người không chỉ nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình mà còn phải thực thi trách nhiệm đó một cách tốt nhất trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Việc chú trọng phát triển văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với chính trị và kinh tế; phải “thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế”; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước mà một trong những nội dung quan trọng chính là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lê Trang

 

2279 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1141
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1141
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76192823