PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ – TỪ THỰC TIỄN TẠI CỬA KHẨU QUỐC TẾ LAO BẢO 

Dịch vụ logistics là mắt xích quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tác động trực tiếp đến giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm với cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu thông qua các hoạt động thương mại bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng và các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, dịch vụ logistics quyết định rất lớn đến thời gian thông quan hàng hóa, sự an toàn cho hàng hóa thông quan và phản ứng linh hoạt với các tình huống phát sinh tại cửa khẩu. Dịch vụ logistics tại cửa khẩu tuy không phải là một bộ phận do hải quan quản lý nhưng lại có tác động không nhỏ đến chất lượng quản lý nhà nước về hải quan.

1. Tình hình hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo dọc theo tuyến đường Quốc lộ 9 đến các cảng biển miền Trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng... Căn cứ trên Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 về việc phê quyệt Quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ,  tỉnh Quảng Trị đã xây dựng chiến lược phát triển mạnh mạng lưới kho, bến bãi, phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025.

Dịch vụ logistics gắn liền với quá trình cung ứng hàng hóa từ điểm khởi đầu của quá trình sản xuất đến khi sản phẩm được cung ứng đến tay người tiêu dùng với chi phí thấp nhất. Hiện nay tổng số phương tiện vận tải hàng hóa tại tỉnh Quảng Trị khoảng 569 phương tiện. Quy mô của các doanh nghiệp vận tải nhỏ, doanh nghiệp lớn nhất không quá 30 đầu xe và chủ yếu hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải quốc tế Việt Nam – Lào, không có doanh nghiệp nào kinh doanh chuyên nghiệp lĩnh vực dịch vụ logictics mà chỉ hoạt động vận tải trên đường bộ mang tính đơn lẻ, tự tổ chức đầu tư phương tiện… chưa thực sự tham gia theo chuỗi dịch vụ vận tải đa phương thức kết hợp lưu kho, bến, bãi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hàng hóa, nên chưa thể gọi là logistics.

Bảng 1. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động vận tải đường bộ

TT

Loại hình vận tải

Số lượng

Quy mô

< 5 xe

Từ 5-10 xe

> 10 xe

I

Vận tải hành khách

 

 

 

 

1

Doanh nghiệp

04

02 DN

 

02 DN

2

Hợp tác xã

00

 

 

 

II

Vận tải hàng hóa

 

 

 

 

1

Doanh nghiệp

78

61 DN

10 DN

07 DN

2

Hợp tác xã

00

 

 

 

III

Vừa vận tải hành khách
vừa vận tải hàng hóa

 

 

 

 

1

Doanh nghiệp

01

 

 

01

2

Hợp tác xã

05

 

 

05 HTX

 

Cộng

88

63

10

15

        (Nguồn: Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị tại báo cáo thống kê tháng 4/2017)

Thực tế hiện nay dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa có quy hoạch chi tiết, chưa phát triển đồng bộ để tạo thành chuỗi dịch vụ vận tải đa phương thức. Do đó thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics đồng bộ và có quy hoạch chi tiết sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn FDI và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh, góp phần đưa nền kinh tế tỉnh Quảng Trị trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị khu vực Hành lang Kinh tế Đông - Tây, gắn nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị với nền kinh tế cả nước và khu vực.

2. Thực trạng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là điểm đầu cầu, cửa ngõ trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, một trong những cửa khẩu đường bộ quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Cửa khẩu Lao Bảo nằm về phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị, trên Quốc lộ 9 từ thành phố Đông Hà sang Lào, cách thành phố Đông Hà khoảng 80km và ngay cạnh sông Sepon; gối đầu lên cột mốc R1 biên giới Việt - Lào; thuộc địa phận thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nếu nhìn nhận tầm quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây trong việc phát triển kinh tế chung của khu vực, thì cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavanh (Lào) là một điểm nhấn đóng vai trò hết sức quan trọng trong xu thế hội nhập và phát triển chung. Trong năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt 153,1 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước được 69,6 tỷ đồng đạt 76,5% kế hoạch được giao, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.    

Bảng 2. Thống kê số liệu hàng hóa xuất nhập khẩu; phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo năm 2017

Nội dung

Phát sinh trong năm 2017 (31/10/2017)

So với cùng kỳ năm trước

Ước đến 31/12/2017

1. Tổng số lượt phương tiện xuất nhập cảnh

60.064

+4,6

72.077

+ Xuất cảnh

30.287

 

 

+ Nhập cảnh

29.777

 

 

2. Tổng số lượt hành khách xuất nhập cảnh

377.091

-6,2

452.509

+ Xuất cảnh

188.310

 

 

+ Nhập cảnh

188.781

 

 

3. Tổng số tờ khai đã đăng ký làm thủ tục

4.781

+4,5

5.737

4. Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (USD)

153.129.612

+61

183.755.534

+ Xuất khẩu (USD)

77.978.725

 

 

+ Nhập khẩu (USD)

75.150.887

 

 

5. Trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (tấn)

217.075

+13,6

260.490

+ Xuất khẩu (tấn)

66.035

 

 

+ Nhập khẩu (tấn)

151.040

 

 

              (Nguồn: Báo cáo năm của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo)[1]

Tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung, dịch vụ logistics đã có bước đầu khởi sắc. Tuy nhiên, do yếu tố địa lý, chưa nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ; các doanh nghiệp làm logistics của tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ đơn lẻ hoặc đảm nhận một số công đoạn của chuỗi dịch vụ này, tiêu biểu ở các công đoạn như: dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hiện nay tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo còn hạn chế, điển hình như kho bãi để tập kết hàng hóa, lưu thông xe và người còn nhiều bất cập; các dịch vụ phụ trợ như in ấn, phô tô tài liệu đều không có dịch vụ thực hiện trong khu vực Cửa khẩu; chi phí vận tải qua biên giới bằng đường bộ hiện nay khá cao, hạn chế cạnh tranh giữa các nhà vận tải.

Để góp phần đánh giá sát thực trạng chất lượng dịch vụ logistics tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chúng tôi tiến hành khảo sát bằng hình thức phiếu trưng cầu ý kiến đến 231 đối tượng là đại diện doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên). Kết quả đánh giá của đối tượng khảo sát được xử lý trên phần mềm SPSS như sau:

 

Bảng 3. Ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về
hạ tầng dịch vụ logistics tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Tiêu chí đánh giá

Trung bình

Sai số chuẩn

Kết luận

Đường giao thông

1,10

0,301

Tốt

Khu vệ sinh

3,90

0,730

Tạm được

Khu chờ

3,90

0,730

Tạm được

Kho bãi lưu hàng hóa

3,90

0,730

Kém

Dịch vụ ăn uống

3,91

0,780

Kém

Dịch vụ đại lí hải quan

5,00

0,000

Rất kém

Dịch vụ xếp, dỡ hàng

3,97

0,782

Rất kém

Dịch vụ văn phòng (in, fax)

4,96

0,196

Rất kém

So sánh với cửa khẩu quốc tế
đường bộ lân cận

3,21

0,781

Bình thường

                                  (Nguồn: kết quả điều tra chọn mẫu do tác giả thực hiện)

          Kết quả khảo sát từ Bảng 3 cho thấy đường giao thông được doanh nghiệp nhận định là tốt nhất trong tất cả 09 tiêu chí đánh giá về dịch vụ logistics tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tiếp theo là khu chờ và khu vệ sinh được đánh giá tạm được. Thực tế cho thấy hạ tầng cơ sở liên quan đường giao thông thông tuyến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trên Hành lang kinh tế Đông Tây khá tốt so với các cửa khẩu quốc tế dọc miền Trung. Tuy nhiên về kho bãi hàng hóa, dịch vụ ăn uống doanh nghiệp  bị đánh giá kém, thậm chí dịch vụ đại lý hải quan, dịch vụ xếp, dỡ hàng và dịch vụ văn phòng như dịch vụ in, fax doanh nghiệp đánh giá rất kém. Do đó đánh giá tổng quan về hạ tầng logistics tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo so với cửa khẩu quốc tế đường bộ lân cận như Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình); Bờ Y (Kom Tum); Cầu Treo (Hà Tĩnh)... chưa có lợi thế vượt trội. Việc bố trí điểm kiểm tra chung (CCA) phía Lào còn nhiều bất cập như: Trong khi quãng đường từ quốc môn cửa khẩu Lao Bảo đến CCA phía Lào không thể giám sát hải quan (vùng đệm dài, không có hàng rào ngăn với bên ngoài, không có camera giám sát...); CCA phía Lào lại nằm trong khu vực tách biệt trục Quốc lộ 9, bên ngoài barie cuối cùng cửa khẩu phía Lào (không giống CCA Việt Nam nằm trong khu vực cửa khẩu, có barie giám sát hai đầu) nên rất khó kiểm soát đối với hàng xuất của Việt Nam (một số phương tiện chở hàng chưa làm thủ tục hải quan Việt Nam lợi dụng việc không kiểm soát được này nên đã đi thẳng vào nội địa Lào, không vào CCA phía Lào để làm thủ tục), Hải quan phía Việt Nam không quản lý được. CCA tại Lào chưa có hàng rào ngăn cách với nội địa Lào. Hiện tại khu vực kiểm tra chung phía Việt Nam đã được xây dựng mở rộng, nhưng phía CCA Lào còn quá chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu tập kết hàng hóa chờ làm thủ tục hải quan. Do đó với phương thức thực hiện mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng”, ngay chất lượng CCA của Lào cũng ảnh hưởng phần đánh giá chất lượng hạ tầng logistics của doanh nghiệp đối với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

3.Giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Từ kết quả nghiên cứu kiểm định tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho thấy, một số bất cập hiện tại về phát triển dịch vụ logistics tại tỉnh Quảng Trị, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh dịch vụ logistics tại tỉnh Quảng Trị như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai và áp dụng có hiệu quả các chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics.  Thông qua rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh, bao gồm: các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các Sở, Ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics… nhằm đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng logistics. Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải (trong các yếu tố cấu thành chuỗi logistics thì vận tải giao nhận là khâu quan trọng nhất và thường chiếm trên 1/3 tổng chi phí của hoạt động logistics, do đó cần chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển vận tải đa phương thức từ đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không), hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong logistics để phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa và các ngành dịch vụ khác; Xây dựng các trung tâm logistics tại thành phố Đông Hà, Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay, Khu cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh duyên hải  miền Trung và một số tỉnh của Thái Lan, Lào, Myanmar. Trước mắt tập trung khắc phục những yếu kém về hạ tầng logistics ở những khu vực trọng điểm gắn với phát triển tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Đồng thời, cần cân nhắc cải thiện phần kho bãi lưu hàng hóa, dịch vụ ăn uống, dịch vụ đại lý hải quan, dịch vụ xếp dỡ hàng hóa và dịch vụ văn phòng (in, fax); và cùng với hải quan Lào tổ chức địa điểm kiểm tra chung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và trong quản lý hải quan để phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của tỉnh Quảng Trị trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây và trở thành một đầu mối quan trọng trong hệ thống dịch vụ logistics của khu vực miền Trung.

Tạo điều kiện hình thành các Trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 cả UBND tỉnh Quảng Trị về việc duyệt Quy hoạch phát triển Thương mại Quảng Trị đến năm 2020, định hướng cho các năm tiếp theo.

          Thứ ba, có chính sách khuyến khích thành lập một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô trên địa bản tỉnh Quảng Trị và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý – kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và khu vực. Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ thông qua khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến như: Công nghiệp phụ trợ, năng lượng, dệt may xuất khẩu, đồ gỗ, chế biến nông sản – thực phẩm, dược liệu… góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời phải phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến kích thu hút đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật và tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị, đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường dịch vụ logistics một cách bền vững.

          Thứ tư, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương, trong đó chú trọng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực logistics cho doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, mang tính ứng dụng thực tiễn.

          Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ logistics thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ logistics; thu hút nguồn hàng từ các nước Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Thúc đẩy sự liên doanh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở khai thác, sử dụng thế mạnh hiện có của các doanh nghiệp như cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin… để triển khai, phát triển dịch vụ logistics và mở rộng tầm hoạt động của các doanh nghiệp. Thái Minh

 

 

 
 

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo số 620/BC-HQLB ngày 18/11/2017 về việc thực hiện công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo;

2. Kế hoạch số 1898/QĐ-UBND ngày 11/7/2017 về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025;

3. Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê quyệt Quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

4. Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;

5. Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;

6. Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 cả UBND tỉnh Quảng Trị về việc duyệt Quy hoạch phát triển Thương mại Quảng Trị đến năm 2020, định hướng cho các năm tiếp theo.

 

[1] Báo cáo số 620/BC-HQLB ngày 18/11/2017 về việc thực hiện công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo.

 

1456 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 657
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 657
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76374877