Nỗ lực xây dựng thương hiệu "Gạo sạch Triệu Phong"  

(QT) - Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội quy tụ hàng trăm gian hàng với hàng nghìn đặc sản từ nhiều vùng, miền trên cả nước. Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu ở đây được chọn lọc khắt khe, đều có chỉ dẫn địa lý, chứng nhận thương hiệu, đảm bảo sạch, an toàn, không hoá chất độc hại…

 

“Gạo sạch Triệu Phong” được quảng bá tại hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam”

 

Tại hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm “Gạo sạch Triệu Phong” được rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Đến thăm gian hàng, sau khi nghe cán bộ tổ chức Tầm nhìn Thế giới và những nông dân tiêu biểu chia sẻ thông tin về sản phẩm gạo sạch do mình làm ra, Đại sứ New Zealand - Haike Manning khẳng định: “Chúng tôi đã có kế hoạch và mong muốn một ngày nào đó sản phẩm này sẽ được quảng bá ở New Zealand”. Thông tin ấy nhanh chóng truyền về huyện Triệu Phong khiến người dân địa phương, đặc biệt là nông dân xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn rất phấn khởi. Ba mùa vụ vừa qua, “Gạo sạch Triệu Phong” đã mang niềm vui đến với nhiều hộ dân bởi có giá thành cao gấp đôi so với thông thường.

 

Không những thế, việc sản xuất gạo sạch còn mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân như bảo vệ sức khoẻ; tránh gây ô nhiễm môi trường; thắt chặt tình làng, nghĩa xóm… Đầu năm 2015, ý tưởng sản xuất và xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” được tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai tại bốn xã: Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn. Buổi đầu, khi cán bộ dự án về địa phương để giới thiệu và vận động tham gia, nhiều người dân trong vùng còn bán tín, bán nghi.

 

Lâu nay, người dân quen với phương thức sản xuất cũ. Họ cho rằng, chỉ phân bón hoá học mới làm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, còn thuốc trừ sâu là phương án duy nhất để đẩy lùi sâu bệnh. Do vậy, các cán bộ tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã phối hợp với cán bộ chuyên trách ở huyện Triệu Phong và các xã gặp từng hộ dân để vận động bà con tham gia. Họ đối chiếu, phân tích một cách kỹ lưỡng hai phương thức sản xuất, đồng thời tư vấn người nông dân cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khoẻ của mình và cộng đồng. Nhờ đó, 10 nhóm sản xuất với hàng chục hộ đã được hình thành.

 

Những ngày sau đó, vùng quê Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn sôi động hẳn lên khi các chuyên gia từ Hàn Quốc về tận xã để truyền đạt cho nông dân kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Không chỉ lên lớp, các chuyên gia còn ra tận ruộng “cầm tay, chỉ việc” cho mọi người. Thành viên 10 nhóm sản xuất gạo sạch theo phương pháp tự nhiên được hướng dẫn làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ những phụ phẩm nông nghiệp hàng ngày. Theo đó, thuốc bảo vệ thực vật được tạo ra từ củ gừng, củ tỏi, trái ớt... Thân cây chuối, cây khoai qua quá trình lên men trở thành phân bón hữu cơ.

 

Các chế phẩm dinh dưỡng được tạo ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng… Anh Đặng Ngọc Dĩnh, trú tại thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn chia sẻ: “Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, thân thiện với môi trường được làm ra từ những nguyên liệu rất thân thuộc mà chúng tôi không ngờ đến. Tuy mất công hơn một chút so với việc ra chợ, bỏ ít tiền mua phân hoặc thuốc trừ sâu, nhưng với cách làm này chúng tôi vừa bảo vệ sức khoẻ của mình và mọi người, vừa chung tay gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp”. So với phương thức cũ, việc sản xuất “Gạo sạch Triệu Phong” cần sự chú tâm, kỹ lưỡng hơn.

 

Người nông dân phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, hàng tuần, họ đều mất thời gian để làm phân bón, chế phẩm dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. “Buổi đầu, do chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi thấy phương pháp này mất nhiều công sức, thời gian. Tuy nhiên, sau khi quen tay và biết sắp xếp thời gian nông nhàn, mọi việc đối với người dân khá suôn sẻ. Đặc biệt, chúng tôi yên tâm hơn khi không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ”, ông Nguyễn Văn Đống, nhóm trưởng sản xuất gạo sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung cho biết. Làm phép so sánh sau những vụ đầu tiên, người dân xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn rất vui mừng khi thấy việc sản xuất theo phương thức mới mang lại năng suất tương đương với phương thức cũ.

 

Đặc biệt, nhờ sự kết nối của tổ chức Tầm nhìn Thế giới, việc bán “Gạo sạch Triệu Phong” cũng trở nên thuận lợi hơn với giá cao gấp đôi. Doanh nghiệp mua nông sản cũng hài lòng khi chọn loại gạo được cam kết không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất độc hại. Từ tín hiệu đáng mừng đó, các nhóm hộ sản xuất trong vùng dự án đã tập trung mở rộng quy mô sản xuất. Một số hộ dân địa phương không thuộc nhóm sản xuất gạo sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên, thân thiện với môi trường cũng đang tích cực học hỏi kinh nghiệm để bắt tay trồng những cây lúa “ba không” - không phân bón hoá học, không phun thuốc trừ sâu, không sử dụng chất diệt cỏ.

 

Giờ đây, người nông dân ở xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn đã có thể tự hào về sản phẩm gạo do mình làm ra. Ai cũng quyết tâm nỗ lực để thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” ngày càng vươn xa.

 

Quang Hiệp

 

623 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1159
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1159
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76681796