Ngân hàng phối hợp thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số 

(Chinhphu.vn) – Ban Kinh tế Trung ương và một số bộ, ngành vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy thương mại dịch vụ trong kỷ nguyên số” với sự tham gia của đông đảo chuyên gia công nghệ, ngân hàng…

 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong bối cảnh các thành tựu khoa học công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 trên thế giới đang có những tác động sâu sắc đến phương thức sản xuất và tiêu dùng thì đòi hỏi lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng phải có những thay đổi mang tính đột phá, cách mạng. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ động nhận diện nhằm nắm bắt được những cơ hội từ những thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Ngay từ năm 2000, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thời gian qua đã thu được một số kết quả quan trọng góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 6,3%/năm. Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 thì Việt Nam cần phải nhanh chóng có định hướng tiếp cận, chương trình hành động cụ thể rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đang sớm chịu tác động như ngân hàng-tài chính, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, du lịch…

 

Riêng về Việt Nam, ông Ngô Văn Tuấn nhận định, với quy mô dân số hiện đứng thứ 13 thế giới và dự báo sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2025 với cơ cấu dân số vàng, thu nhập bình quân năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet năm 2017 theo một nghiên cứu là 55% cao hơn mức bình quân 44% trên thế giới, Việt Nam được đánh giá vừa là thị trường nhiều tiềm năng, vừa có nguồn nhân lực dồi dào, dư địa phát triển còn rất lớn đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đã đến lúc để người dân và doanh nghiệp nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ 4 trong sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Triển lãm về Công nghiệp thông minh. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đại diện ngân hàng thương mại phát triển mạnh về công nghệ, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định ngân hàng luôn chú trọng nâng cao sự hài lòng của khách hàng với các trải nghiệm số hoá trên thiết bị di động. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT) và xu hướng sử dụng điện thoại thông minh cùng tốc độ phát triển mạnh mẽ của Internet  tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngân hang số, hay ngân hàng trên các thiết bị di động (Laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh) cùng với các hình thức thanh toán di động (Mobile Payment) được áp dụng các thành tựu công nghệ hiện đại nhất

 

Trong đó, qua các số liệu phân tích thị trường trên toàn cầu cho thấy, Việt Nam chiếm thị phần cao về tốc độ phát triển Internet, số lượng người dùng Internet, thiết bị di động và các ứng dụng tiện ích đi kèm.

 

Từ năm 2001, Vietcombank đã ra mắt dịch vụ ngân hàng qua Internet đầu tiên với tên gọi VCB-iB@nking. Mới đây nhất, vào tháng 3/2017, Vietcombank đã triển khai dịch vụ VCB-MobileB@nking phiên bản mới với thiết kế hiện đại, tiện ích đa dạng, áp dụng công nghệ mới (tính năng bảo mật bằng vân tay, thanh toán bằng mã QR). Về chiến lược phát triển, ông Phạm Mạnh Thắng khẳng định, Vietcombank đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái trên thiết bị di động (Mobile Ecosystem) và hy vọng sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới đa dạng cho khách hàng.

 

Tuy nhiên, cùng với việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, cần hết sức thận trọng với các nguy cơ tấn công từ bên ngoài ngày càng tăng, yếu tố bảo mật là yêu cầu hàng đầu, đòi hỏi ngân hàng đầu tư, theo dõi, giám sát liên tục.

 

Các cơ quan quản lý cần tăng cường tính nhất quán trong cơ chế quản lý phát triển ngân hàng số; cần có sự kết nối cổng dịch vụ công trực tuyến, cổng thương mại điện tử của các bộ, ngành với cổng thanh toán điện tử của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ phát triển dịch vụ thương mại điện tử. Cần tăng cường công tác truyền thông và phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp về lợi ích và hiệu quả thanh toán điện tử hạn chế sử dụng tiền mặt.

 

Còn ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường tốt cho các TCTD và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

 

Dưới góc độ quốc gia, ông Trần Phương đề nghị cần sớm triển khai hệ thống dữ liệu tập trung về dân cư và quốc gia sẽ được triển khai trên cơ sở Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 13/03/2017 xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về dân cư. Thông qua hệ thống này mỗi người dân sẽ có một định danh duy nhất. Hệ thống có thể nhận dạng thông qua hình thức sinh trắc học để người dân có thể sử dụng đăng ký các dịch vụ công trực tuyến. Điều này cũng cho phép các khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ tài chính từ xa (eKYC).

 

Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Ban Tổ chức sự kiện mong muốn phối hợp nhằm tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng hợp tác để nắm bắt cơ hội phát triển thương mại, dịch vụ trong kỷ nguyên số.

 

“Các giải pháp cũng như cơ chế chính sách áp dụng trong từng lĩnh vực để có thể nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ được tổng hợp, chắt lọc để phục vụ công tác xây dựng chủ trương, chính sách giúp ngành thương mại, dịch vụ Việt Nam có bước phát triển đột phá mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.” ông Ngô Văn Tuấn nói.  

 

Huy Thắng

397 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 587
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 587
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76704536