Một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong quy hoạch cán bộ 

(ĐCSVN) - Nhằm đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quy hoạch cán bộ (QHCB) với mục tiêu phát hiện sớm nguồn cán bộ có đức, tài, triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt, lâu dài của từng địa phương, đơn vị và của đất nước, đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập, đáp ứng yêu cầu của công tác QHCB trong tình hình mới, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24/2/2017 “Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác QHCB lãnh đạo quản lý nêu tại Hướng dẫn 15-HD/BTCTW, ngày 5/11/2012”.

Ưu điểm 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, sau đó là Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 và Kết luận số 24-KL/TW ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị về công tác QHCB lãnh đạo, quản lý, Ban Tổ chức Trung ương đã có các hướng dẫn thực hiện công tác quan trọng này. Sau thời gian thực hiện Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương (sau đây gọi tắt là Hướng dẫn 15), công tác QHCB đi vào nền nếp, gắn đào tạo theo chức danh. Hầu hết các địa phương, đơn vị đều mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành nên đã chủ động tạo được nguồn cán bộ tương đối dồi dào từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng hụt hẫng; tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc và cơ cấu 3 độ tuổi từng bước cải thiện, chất lượng nâng lên. Công tác quy hoạch đã phục vụ tốt cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XII của Đảng, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020: nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND các cấp, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội nhiệm kỳ 2016-2021. Cấp ủy các cấp đã không còn tình trạng “đốt đuốc” đi tìm cán bộ mỗi dịp chuẩn bị nhân sự đại hội đảng, kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp. 

Quy hoạch cán bộ là tiền đề quan trọng để bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển và sử dụng cán bộ. (Ảnh minh họa: HH)

Đặc biệt, trước Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên Đảng đã thực hiện được quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Trong dịp tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 với sự chủ động trong công tác quy hoạch, các đồng chí được giới thiệu nhân sự cấp ủy và các đồng chí trúng cử, tuyệt đại đa số là cán bộ trong quy hoạch cấp uỷ các cấp. Với nguồn quy hoạch có chất lượng, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, cấp ủy các cấp đã sắp xếp, phân công các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước để kịp thời triển khai ngay việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Riêng ở Trung ương, đã tham mưu chuẩn bị phương án nhân sự, sớm kiện toàn 37 chức danh lãnh đạo chủ chốt cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, nhiều nhất so với các nhiệm kỳ trước đây (Đại hội VIII, Đại hội IX nhiều nhất là 10 chức danh).

Hạn chế

Trong quá trình thực hiện Hướng dẫn 15, cùng với những ưu điểm, công tác QHCB dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hướng dẫn 15 đã quy định cụ thể, chặt chẽ về xây dựng quy hoạch ban đầu, nhưng khâu rà soát, bổ sung, thẩm định quy hoạch hằng năm còn đơn giản, thiếu chặt chẽ. Khi rà soát, bổ sung quy hoạch, tập thể lãnh đạo (ban thường vụ các tỉnh, thành ủy, đảng ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương) căn cứ đánh giá cán bộ để xem xét, bỏ phiếu quyết định, không cần thực hiện đầy đủ các bước như xây dựng quy hoạch ban đầu. Trong khi đó, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm vẫn là một hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục. Quy định đó khiến cho việc rà soát, bổ sung quy hoạch thiếu chặt chẽ, chưa công bằng giữa cán bộ quy hoạch bổ sung với cán bộ được quy hoạch ban đầu; chưa có cơ chế mở rộng dân chủ trong lấy ý kiến của các hội nghị trước khi tập thể lãnh đạo xem xét, để tạo ra kẽ hở để những cán bộ không đủ tiêu chuẩn được đưa vào quy hoạch. 

Hướng dẫn 15 không quy định về số lần rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm và hồ sơ nhân sự quy hoạch. Việc quy định định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch không rõ ràng dẫn đến có cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có năm thực hiện rà soát một vài lần, cũng có trường hợp có đơn vị, cơ quan không thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, gây khó khăn, bị động cho cơ quan thẩm định phê duyệt, ảnh hưởng đến chất lượng của công tác quy hoạch cán bộ. Trong rà soát bổ sung quy hoạch do không quy định về hồ sơ nhân sự, nên cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phê duyệt quy hoạch không có cơ sở để thẩm định, chủ yếu dựa vào đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới. Việc thẩm định hồ sơ vì thế còn đơn giản chủ quan, tạo kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Những bất cập, hạn chế đó dẫn đến tình trạng một số cơ quan đơn vị tuy thực hiện đúng quy trình nhưng vẫn không chọn trúng người, đúng việc, gây bức xúc trong xã hội như các trường hợp được báo chí, dư luận đã nêu. Những hạn chế đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong công tác QHCB phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ.

Nội dung sửa đổi, bổ sung

Để mở rộng dân chủ, công bằng, minh bạch trong quy trình Quy hoạch và thẩm định nhân sự được quy hoạch; khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ nhằm chọn được những cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất và uy tín, ngày 24/2/2017 Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác QHCB lãnh đạo, quản lý tại Hướng dẫn 15. Điểm nhấn của Hướng dẫn số 06 là mở rộng dân chủ trong việc lấy ý kiến về quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch; quy định về định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch cũng như hồ sơ nhân sự quy hoạch bảo đảm quy trình bổ sung, giới thiệu, phê duyệt quy hoạch chặt chẽ, đồng bộ, dân chủ, minh bạch. Tạo điều kiện giới thiệu cán bộ có uy tín, năng lực, đồng thời hạn chế việc “chạy”, không khách quan, thiếu công bằng trong công tác QHCB. Theo đó, Hướng dẫn số 06 bổ sung quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm theo 4 bước, mở rộng đối tượng lấy ý kiến thêm hai lần, gần như quy trình xây dựng quy hoạch ban đầu.

Bước 1: Căn cứ vào đánh giá cán bộ hằng năm của cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo có thẩm quyền, cơ quan tham mưu thẩm định, rà soát và dự kiến phương án bổ sung nhân sự có đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào quy hoạch và đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch đối với những đồng chí không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Báo cáo tập thể lãnh đạo xem xét, cho ý kiến.

Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị cán bộ chủ chốt về danh sách nhân sự dự kiến đưa vào quy hoạch.

Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến về danh sách nhân sự dự kiến đưa vào quy hoạch tại hội nghị BCH đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng ủy trực thuộc Trung ương; BCH của các tổ chức bầu cử; hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng đối với các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương (thành phần gồm: Tập thể lãnh đạo, đảng ủy, vụ trưởng, trưởng đơn vị trực thuộc).

Bước 4: Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến tại các hội nghị nêu trên, đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng theo quy định, cơ quan tham mưu rà soát, tổng hợp, báo cáo tập thể lãnh đạo thảo luận và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự đưa vào danh sách đề nghị xác nhận bổ sung quy hoạch (đối với chức danh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư) hoặc đưa vào danh sách bổ sung quy hoạch (đối với các chức danh thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị theo quy định).

Hướng dẫn số 06 quy định về số lần rà soát, bổ sung quy hoạch và hồ sơ nhân sự như sau: Hằng năm các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chỉ tiến hành rà soát, bổ sung QHCB 1 lần trong quý 1, sau khi đã tiến hành đánh giá cán bộ hằng năm theo quy định. Việc quy định cụ thể thời lượng, thời điểm tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch đã xác định rõ trách nhiệm của tổ chức đảng trong việc rà soát, bổ sung quy hoạch. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị khi gửi tờ trình đề nghị thẩm định, phê duyệt quy hoạch gửi kèm kế hoạch luân chuyển, đào tạo cán bộ và hồ sơ nhân sự. Hồ sơ nhân sự quy hoạch tương tự như danh mục hồ sơ bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử nêu tại Hướng dẫn số 09-HD BTCTW ngày 26/9/2007 của Ban Tổ chức Trung ương. Với quy định này, các cơ quan thẩm định quy hoạch có cơ sở đánh giá được toàn diện, khách quan về uy tín, phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực của cán bộ được giới thiệu quy hoạch, từ đó nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Thực tế triển khai ở các địa phương thời gian qua cho thấy, ở đâu quy hoạch đúng người, bố trí công việc hợp lý, cán bộ được quan tâm, tạo điều kiện phát triển thì đều thành công. Các trường hợp thất bại không phải do chủ trương quy hoạch, mà ở cách làm quy hoạch và sự thiếu trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Quy định chặt chẽ trong rà soát, bổ sung quy hoạch bước đầu đáp ứng yêu cầu tình hình mới, giúp công tác quy hoạch bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch./.

Diệp Chi

1619 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 346
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 346
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76723759