Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay 

Hơn 87 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại, đưa dân tộc tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; Nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển, đang chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi vĩ đại trên chủ yếu bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp - những chiến sĩ kiên định lập trường tư tưởng chính trị theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, luôn tiên phong mở đường đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn, tạo phong trào thi đua yêu nước, làm cho đất nước ngày một phát triển.

Trong hệ thống tuyên giáo các cấp, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh có vị trí vai trò hết sức quan trọng; đây là lực lượng trực tiếp điều hành hoạt động tham mưu với Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy về các lĩnh vực tuyên giáo trên địa bàn tỉnh, thành; đồng thời là đầu mối trực tiếp với Ban Tuyên giáo Trung ương, tiếp thu hướng dẫn chuyên môn của Ban Tuyên giáo Trung ương để triển khai các nhiệm vụ chính trị của ngành Tuyên giáo. Vì vậy, lực lượng này không chỉ nắm vững, hiểu sâu chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn cần phải nắm vững nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thành phố trong từng thời kỳ để tham mưu, đề xuất cho cấp ủy chính quyền những giải pháp phù hợp trên lĩnh vực tuyên giáo. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tuyên giáo các cấp, trước hết là ở cấp trung ương và cấp tỉnh được coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, góp phần quyết định bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, làm cho công tác tuyên giáo trên mỗi địa bàn, trong từng lĩnh vực ngày càng thể hiện tính sắc bén, kịp thời, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể; tạo động lực tinh thần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, gắn với nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo Quy định 219-QĐ/TW, ngày 27/12/2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh, thành ủy”, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy là cơ quan tham mưu của tỉnh, thành ủy, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của tỉnh ủy. Đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy gồm Lãnh đạo ban và các chuyên viên thuộc các phòng chuyên môn giúp việc (Văn phòng; Phòng Lý luận chính trị và lịch sử Đảng; Phòng Tuyên truyền - báo chí - xuất bản; Phòng Văn hoá - Văn nghệ; Phòng Khoa giáo) với biên chế chung của ban tuyên giáo tỉnh uỷ từ 25-30 người (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Nghệ An từ 35-45 người. Ban Tuyên giáo thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từ 50-60 người). Công tác tuyên giáo ở các tỉnh, thành có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác tư tưởng, cũng như các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Không chỉ nắm vững, hiểu sâu chủ trương, nghị quyết của Đảng, cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh cần phải nắm vững nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng thời kỳ để tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp phù hợp trên lĩnh vực tuyên giáo theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Thời gian qua, nhất là kể từ sau Đại hội XII của Đảng, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo trên địa bàn, qua đó giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nổi bật là một số kết quả chủ yếu sau:

- Tham mưu cấp ủy tổ chức có hiệu quả các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và cấp ủy địa phương trên lĩnh vực tuyên giáo. Trong đó trọng tâm là việc đưa Nghị quyết Đại hội XII gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 vào cuộc sống, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05-CT/TW. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh đã bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đổi mới hoạt động công tác tuyên giáo, nắm vững đặc điểm tình hình trên từng địa bàn, chủ động, sáng tạo trong đề xuất các giải pháp lãnh đạoJ chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai nghị quyết của Đảng.

- Tham mưu cấp ủy lãnh đạo công tác tuyên giáo; chỉ đạo, định hướng các hoạt động trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hoá, văn học, nghệ thuật, lịch sử đảng, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, khoa học và công nghệ, môi trường, y tế và một số vấn đề xã hội khác. Trọng tâm là sơ kết việc thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về các lĩnh vực công tác tuyên giáo; ban hành chỉ thị, nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII gắn với nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; góp phần vào thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021; thúc đẩy thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4.

- Chỉ đạo, định hướng và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm các nội dung như: các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương; tuyên truyền biển đảo, biên giới đất liền; tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, bảo đảm an toàn giao thông, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh; góp phần khẳng định những thành tựu, kết quả quan trọng của đất nước và địa phương.

- Chủ động nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; tham mưu và tham gia xử lý có hiệu quả nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp nảy sinh, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Đặc biệt là nắm bắt và phản ánh kịp thời tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội trên địa bàn liên quan đến một số vấn đề, vụ việc phức tạp, nhạy cảm chính trị. Tham gia tích cực đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên địa bàn.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để giải quyết những việc có liên quan đến công tác tư tưởng chính trị trên địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng trong nội bộ Đảng và ngoài xã hội.

Nhìn chung, các lĩnh vực công tác tuyên giáo có nhiều chuyển biến tích cực và tiến bộ, thực hiện tốt phương châm: Công tác tư tưởng hướng về cơ sở; xây đi đôi với chống; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; nhanh nhạy, hiệu quả, phù hợp, thuyết phục... Những cố gắng đó đã tạo nên diện mạo mới của công tác tư tưởng trong thời gian qua, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ thời gian tới cần phải: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù họp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội... Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên...”. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh cần phải đạt được một số tiêu chí cơ bản sau:

Một là, có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, kiên định quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, có niềm tin sâu sắc về Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và phong trào cách mạng thế giới.

Đây là yêu cầu đầu tiên để cán bộ tuyên giáo thực hiện sứ mệnh là cầu nối, là người gieo những niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao tính đảng, tính .chiến đấu và tính thuyết phục của công tác tuyên giáo. Vì vậy, người cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh trước những khó khăn của cuộc sống không dao động; không bị tác động, ảnh hưởng của những cám dỗ từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Mỗi bài viết, bài nói cần nhất quán quan điểm, đường lối của Đảng để tạo sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, tăng niềm tin, thúc đẩy hành động cách mạng.

Hai là, có trình độ lý luận, chuyên môn sâu, kiến thức vững chắc, kỹ năng thuần thục đối với các lĩnh vực công tác tuyên giáo, có khả năng dự báo, độc lập trong nghiên cứu, tư duy, lý luận.

Công tác tuyên giáo là một khoa học tổng hợp, bao hàm nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau. Người làm công tác tuyên giáo cần có sự kiên định với lý tưởng, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; bản lĩnh chính trị vững vàng; thẳng thắn, dũng cảm trong đấu tranh chống hành vi, luận điệu sai trái; có lối sống trong sáng, lành mạnh. Cần có sự am hiểu sâu các lĩnh vực liên quan đến chuyên môn trên một nền tảng văn hóa vững chắc; luôn nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, không rập khuôn, máy móc, giáo điều; dám nghĩ, dám làm trong đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; có khả năng dự báo tình hình, nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội, đồng thời, phải có kỹ năng nói và viết tốt, làm sao để truyền đạt một cách hấp dẫn nhất, dễ nhớ, dễ tiếp thu nhất đối với người đọc, người nghe... Có như vậy, mỗi cán bộ tuyên giáo mới thật sự là những chuyên gia trong mỗi lĩnh vực cụ thể, góp phần đưa ra những ý kiến tham mưu chính xác, ngạy bén, linh hoạt, hiệu quả cho công tác tuyên giáo.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, rất cần lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp của người cán bộ. Lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp trước hết thể hiện ở sự lạc quan, ý thức trách nhiệm, tận tuy công việc và tinh thần vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp là động lực khơi nguồn sáng tạo trong công việc, thúc đẩy trau dồi tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ để mang tiếng nói của Đảng đến với nhân dân, định hướng thông tin, dư luận xã hội nhanh chóng, kịp thời.

Ba là, bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân với tinh thần thực sự cầu thị, sẵn sàng đối thoại với nhân dân để định hướng tư tưởng chính trị.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải nói và viết sao cho “phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, làm cho người nghe, người đọc “hiểu được, nhớ được và làm được”. Bác còn đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi có phong trào khá và cả những nơi có phong trào kém, phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Bác nhấn mạnh: Chỉ có đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình công tác tuyên giáo của địa phương, đơn vị, mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tốt, người tốt việc tốt để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng, đồng thời vạch ra những hiện tượng, những biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn nhằm đẩy mạnh việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Do đó, cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, thành không thể xa rời cuộc sống, phải đi sâu, đi sát thực tế, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, đơn vị, gắn bó với cuộc sống của người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh, bức xúc; định hướng tư tưởng, tạo niềm tin tưởng trong toàn Đảng bộ.

Bốn là, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, tìm tòi giải pháp mới cho sát hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng lĩnh vực công tác tuyên giáo, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Tuyên giáo.

Đặc thù công tác của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh là tham mưu cấp chiến lược trên địa bàn một tỉnh, thành phố, có trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy về công tác tư tưởng chính trị. Tình hình quốc tế, trong nước và nhất là ở mỗi địa phương, trong từng lĩnh vực luôn diễn biến hàng ngày, nhiều vấn đề mới nảy sinh không có trong dự kiến, chưa có phương án định sẵn, yêu cầu về thời gian, tiến độ, chất lượng lại rất cao, nên không thể thụ động, không thể làm theo lối mòn xưa cũ. Thời gian gần đây, vấn đề đổi mới rõ nét về nội dung, phương thức công tác tuyên giáo được xác định là một nhiệm vụ có tính đột phá nhằm nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của công tác tuyên giáo. Do vậy, nếu đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh chậm đổi mới thì chẳng những tự tạo ra độ ì trong hoạt động tuyên giáo ở cơ quan đầu não cấp tỉnh mà còn không tác động được tới đổi mới công tác tuyên giáo cấp huyện. Muốn tìm tòi, sáng tạo thì không thể lười suy nghĩ, ngại nghiên cứu lý luận và lười thâm nhập thực tế; ngược lại, sẽ phải đào sâu suy nghĩ, bám sát thực tế cuộc sống, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, nghiên cứu khoa học, tổng hợp nhiều nguồn thông tin liên quan, kết nối các lực lượng liên ngành...đó là con đường đúng cho tự học, tự bồi dưỡng.                                                                     DL

1527 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 994
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 994
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76408132