Hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất tại Việt Nam năm 2018 

(Chinhphu.vn) - Diễn ra từ ngày 29-31/3, Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 và Hội nghị Cấp cao CLV 10 là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2018.

 

Họp báo quốc tế về GMS 6 và CLV 10.  Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Ngày 15/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo quốc tế về Hội nghị GMS 6 và CLV 10.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị Đặng Đình Quý cho biết, tiếp nối thành công của Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Hội nghị GMS 6 và CLV 10 là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2018.

Dự kiến có khoảng hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và 150 phóng viên báo chí tham dự.

Hội nghị GMS 6 với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng” sẽ xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.

Tại hội nghị lần này Việt Nam lần đầu tiên đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.

Diễn đàn sẽ thu hút khoảng 1.000 đại biểu tham dự,  gồm lãnh đạo các nước GMS, đại diện các tổ chức quốc tế như ADB, WB, AIIB, JICA,  Tổng thư ký ASEAN, đại diện các tập đoàn lớn trong khu vực và thế giới …

Liên quan đến Hội nghị CLV 10, Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết, hội nghị sẽ rà soát tình hình thực hiện “Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội khu vực CLV giai đoạn 2010-2020”, đồng thời thảo luận định hướng hơp tác trong thời gian tới, đặc biệt là tăng cường kế nối kinh tế giữa ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam.

Việt Nam rất coi trọng và tham gia tích cực trong cả hai cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam.

Đối với hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, Việt Nam đã tham gia hợp tác ngay từ giai đoạn đầu, tích cực đóng góp vào hầu hết tất cả các sáng kiến hợp tác. Việc Việt Nam đăng cai chủ trì Hội nghị GMS 6 và CLV 10 tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong hợp tác tiểu vùng Mekong nói chung, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam nói riêng. 

Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên của GMS gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).  

Tam giác phát triển khu vực biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia (CLV) được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào CLV.

Mục tiêu của việc hình thành CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. Hợp tác CLV tập trung vào các lĩnh vực: An ninh-đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…

Tuấn Dũng

1081 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2167
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2167
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76239024