Hiệp định Paris - Bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta 

Diễn ra trong 4 năm, 8 tháng, 14 ngày (13/5/1968 – 27/1/1973), trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngày 27/1/1973, tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” (gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam) đã được ký kết. Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta “đánh cho ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân trên toàn miền Nam, nhất là đòn tấn công trực diện các cơ quan đầu não của địch ở các thành phố lớn Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và các đô thị miền Nam đã làm “rung chuyển nước Mỹ” và “chao đảo ngụy quyền Sài Gòn”. Thất bại này đã đẩy phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Hoa Kỳ diễn ra mạnh mẽ chưa từng có; Tổng thống Giôn- xơn phải tuyên bố đơn phương ngừng ném bom đánh phá miền Bắc từ vỹ tuyến 20 trở ra; không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 và đặc biệt phải “xuống thang” - chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris.

Ngày 13/5/1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên đại lộ Klébe, Paris, chính thức mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”. Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Xuân Thuỷ đứng đầu, đã khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam là trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan của hai bên. Hội nghị hai bên ở Paris sau nhiều phiên họp trong năm 1968 vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản, nhưng đã mở đầu cho một thời kỳ Việt Nam tiến công trực diện Mỹ về ngoại giao trên bàn hội nghị. Trong quá trình đấu tranh đó, phái đoàn Việt Nam luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam, hành động phá hoại hiệp định Giơnevơ của Mỹ; đòi Mỹ rút quân và chư hầu ra khỏi Việt Nam; chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam.

Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên quyết của phái đoàn Việt Nam, cùng với những thất bại nặng nề trên chiến trường và tình hình nước Mỹ trước ngày bầu cử Tổng thống, ngày 1/11/1968, Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Sau sự kiện này, cuộc đấu tranh giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất tổ chức Hội nghị Bốn bên bao gồm: Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hoà (chính quyền Sài Gòn).

Suốt từ năm 1969 đến đầu 1972, hàng loạt cuộc gặp gỡ đã diễn ra, nhưng giữa ta và Mỹ đều không thể thống nhất được các nội dung bởi dã tâm xâm lược và thái độ ngoan cố của Mỹ ngụy.

Để tăng sức nặng trên bàn đàm phán, tháng 5/1971, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ: “Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và cả chiến trường Đông Dương, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch xâm lược của chúng ở Campuchia, Lào, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc để quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua…”. Thực hiện chủ trương đó, ngày 30/3/1972, ta thực hiện cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn đánh vào các hướng trọng điểm là Quảng Trị, Thừa Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, làm lung lay chính quyền Sài Gòn. Ngày 2/5/1972, ở Paris, cuộc họp giữa Kissinger và Bộ trưởng Xuân Thủy cùng cố vấn Lê Đức Thọ được tái lập.

Sau những cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt giữa các bên đàm phán, đặc biệt là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger, ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho Mỹ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22/10/1972 phía Mỹ lật lọng đòi sửa đổi bản dự thảo. Ngay sau đó, Tổng thống Nixon gửi tối hậu thư, “yêu cầu Hà Nội trở lại đàm phán trong vòng 72 giờ” để ký theo phương án Hoa Kỳ đề nghị.

Ngày 17/12/1972, Tổng thống Nixon chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc Việt Nam với tên gọi Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II (Linebacker II)” chủ yếu bằng B.52, nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Đế quốc Mỹ đã “tung con chủ bài cuối cùng” - như cách nói của Henry Kissinger nhằm cố cứu vớt thể diện, xoay chuyển tình thế. Nixon đã nói với đô đốc Morơ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân: “Điều may mắn của ông là được dùng một cách có hiệu quả sức mạnh quân sự của chúng ta để thắng cuộc chiến tranh này, nếu ông không làm được điều đó, tôi sẽ coi ông là người chịu trách nhiệm”. Nixon nhấn mạnh phải đánh, đánh ác liệt; Dùng đòn mạnh nhất để thúc đẩy thương lượng. Và ngày 18/12/1972, ngay khi cố vấn Lê Đức Thọ về đến Việt Nam cũng là lúc những trận bom B52 bắt đầu dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và toàn miền Bắc.

Đúng như lời của Nixon, trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972. Những cuộc ném bom B52 sau đó đã diễn ra ác liệt và tàn khốc nhất chưa từng có. Cuộc tập kích tàn bạo chủ yếu bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội đã vấp phải làn sóng đấu tranh, lên án phản đối kịch liệt của dư luận thế giới. Ngay trên đất Mỹ, các tờ báo lớn ở đây đã phê phán cực kỳ mạnh mẽ: “Hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe tâm thần của Tổng thống họ”. Đây là một hành động “khủng bố vô đạo làm hoen ố uy danh nước Mỹ”. Các cuộc ném bom này là “ném bom khủng bố nhân danh hòa bình”… Trên bàn đàm phán, trong phiên 171 của hội nghị bốn bên ở Hội nghị Paris tại Klê-be ngày 21-12-1972, vừa vào họp, trưởng đoàn VNDCCH tuyên bố: “Để biểu thị sự phản đối những cuộc ném bom cực kỳ dã man và thái độ đàm phán lật lọng của phía Mỹ, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự đồng ý của đoàn đại biểu Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam quyết định bỏ phiên họp lần thứ 171”. Cả 2 đoàn Việt Nam rời hội nghị bỏ ra về. Cuộc họp chỉ kéo dài 58 phút.

Âm mưu thâm độc và những thủ đoạn đê hèn, tàn bạo của đế quốc Mỹ đã hoàn toàn thất bại thảm hại. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là trận “Điện Biên Phủ trên không” giữa không quân Mỹ và nhân dân miền Bắc kết thúc bằng việc 81 máy bay các loại gồm 34 “pháo đài bay B52”, 5 chiếc F-111 và 42 máy bay chiến đấu khác của Mỹ đã bị nổ tung ngay trên bầu trời Hà Nội. Thất bại thảm hại của Mỹ trong trận tập kích dẫn đến thất bại của Nixon về chính trị. Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh.

Ngày 23/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27/1/1973 diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris. Với 9 chương, 23 điều và 4 Nghị định thư kèm theo, nội dung chủ yếu của Hiệp định Paris khẳng định: Mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; các bên thực hiện ngừng bắn, chấm dứt chiến sự không thời hạn; Mỹ chấm dứt mọi hoạt động chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ... thừa nhận sự hiện diện hợp pháp của Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam, sự tồn tại và địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…

Tiếp đó, ngày 2/3/1973, đại diện 12 chính phủ, gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Việt Nam cộng hòa và 4 nước trong Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế đã họp tại Paris để ra Định ước ghi nhận và bảo đảm Hiệp định Pa-ri và các Nghị định thư về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được thi hành một cách nghiêm chỉnh và triệt để.

Hiệp định Paris để lại nhiều bài học lịch sử sâu sắc, không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Đó là bài học về  giữ vững nguyên tắc về độc lập tự chủ, phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, phải biết rõ lực lượng mình như thế nào, đối phương ra sao để quyết định từng bước đi và luôn luôn có sự kết hợp giữa chiến trường và trên mặt trận ngoại giao.

Thứ hai, chúng ta phải hết sức kiên định đối với lập trường nguyên tắc và mục tiêu chiến lược của mình, nhưng trong sách lược phải biết mềm dẻo. Lúc đầu chúng ta đặt ra mục tiêu trong cuộc đàm phán gồm 2 yêu cầu: yêu cầu quân sự là Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam. Yêu cầu thứ 2 là ở miền Nam Việt Nam phải bỏ chính quyền tay sai của Mỹ để nhân dân tự lựa chọn chính quyền của mình. Nhưng dựa trên tình hình thực tế, chúng ta đã tập trung vào 1 mục tiêu là Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.

 Thứ ba, biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Nghĩa là chúng ta phải trông vào sức mình; về mặt chính trị, quân sự chúng ta đã hết sức cố gắng để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngoài ra, trong một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt với đối phương mạnh hơn nhiều lần, chúng ta đã biết tranh thủ sức mạnh đoàn kết quốc tế. Có thể nói, phong trào đoàn kết quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta là phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Trong suốt thời gian dài diễn ra cuộc đàm phán tại Paris, không có tuần nào, tháng nào mà không có các cuộc mít tinh, biểu tình hay các hoạt động khác đoàn kết với Việt Nam diễn ra tại các nước châu Âu. Phong trào ủng hộ Việt Nam nở rộ và dâng cao với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Những “Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam”; những ngày, tuần, lễ, tháng hành động vì hòa bình ở Việt Nam, “Con tàu cho Việt Nam”… được tổ chức khắp nơi từ Pháp, Italy, Đức, Thụy Sĩ, Anh. Tại Mỹ, các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Hãy đem chiến tranh về trong nước” diễn ra trên quy mô lớn, quy tụ mọi tầng lớn nhân dân tham gia, có lúc đã làm tê liệt cả bộ máy chính quyền và các hoạt động bình thường trong xã hội. Báo chí Mỹ mô tả: “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ, mà cũng chưa từng có trong lịch sử nhân loại”. Quốc hội Mỹ đã nhiều lần thông qua nghị quyết cắt giảm chi phí chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước. Chúng ta đã thành công trong việc tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”. Đó chính là sức mạnh to lớn đã góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta.

Hiệp đinh Paris là kết quả của 20 năm chiến đấu ròng rã của quân và dân hai miền Nam - Bắc với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hiệp định Paris đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại, ngụy mất chỗ dựa và suy yếu, làm thay đổi cục diện trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta. “Mỹ cút” là cơ sở để ta tiến đến “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 45 năm đã trôi qua, song ý nghĩa lịch sử của sự kiện ký kết Hiệp định Paris - đỉnh cao của mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Ngọc Tuấn

 

20424 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1316
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1316
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76382940