Phó GĐ Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan. (Ảnh: NC)

 

23.500 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Theo báo Phương Lan, dự báo diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố sẽ tăng cao trong dịp Tết đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng nông, lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát…

Cụ thể, trên cơ sở xác định số dân, thu nhập của người dân trong năm 2016, sức mua trên thị trường, nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hoá của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn cần dự trữ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, Sở đã xác định nhu cầu và nguồn cung một số mặt hàng phục vụ Tết như 88.000 tấn gạo (tăng 5-7% so với các tháng thường); 15.300 tấn thịt lợn hơi (tăng 18-20%); 4600 tấn thịt bò (tăng 15%); 6.400 tấn thịt gà (tăng 25%)...  Các mặt hàng như rau củ; trứng gà, vịt; bánh mứt kẹo; rượu, bia, nước giải khát cũng đều tăng từ 15-25% so với các tháng thường.

“Khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn TP trong một tháng Tết về các mặt hàng thịt lợn, thịt gà đáp ứng nhu cầu thị trường Hà Nội trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh, lưu thông hàng hoá ra ngoài địa bàn và do nhu cầu đa dạng của người dân trong dịp Tết nên có thời điểm sẽ phải khai thác thêm từ các tỉnh, TP lân cận”. Bà Lan cho biết.

Ước tính tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng. Trong đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích dự trữ và dự kiến đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá 4.500 tỷ đồng; DN SXKD bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát... dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 9.000 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố SXKD các nhóm hàng hóa phục vụ Tết như nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo… với tổng giá trị gần 2.100 tỷ đồng.

Sở Công Thương sẽ chịu trách nhiệm điều phối lưu thông hàng hóa giữa DN sản xuất và phân phối hàng hóa; báo cáo UBND Thành phố xem xét tạo điều kiện cấp phép cho xe chở hàng hóa thiết yếu vào nội thành trong các ngày, giờ cao điểm, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh; theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho DN.

Hapro phục vụ cả ngày Mồng 1 Tết

Bà Nguyễn Thị  Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trước Tết Nguyên đán 2 tuần, các điểm kinh doanh của Hapro sẽ phục vụ khách đến 21h30, riêng 28, 29 Tết mở cửa đến 22h. Ngày 30 Tết các địa điểm sẽ kéo dài thêm thời gian kinh doanh, bán hàng để phục vụ nhân dân.

5 địa điểm mở cửa phục vụ ngày mùng 1 Tết là: Ki ốt Bốn mùa bờ hồ; Nhà hàng Vườn cà phê và kem gốc si tại số 1 Lê Thái Tổ; Nhà hàng Long Vân số 3 Lê Thái Tổ, Nhà hàng Hoa Hồng 6 Lê Thái Tổ, Nhà hàng Đình Làng số 1 Lê Thái Tổ. Vào ngày mùng 2 và 3, mở cửa thêm 7 siêu thị thời gian phục vụ từ 9h đến 18h. Từ ngày 4 Tết âm lịch tất cả các cửa hàng mở cửa bình thường.

Phục vụ nhu cầu Tết Đinh Dậu 2017 của người dân Thủ đô, Hapro chuẩn bị tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dự trữ ước khoảng trên 1.200 tỷ đồng, tăng 0,5% so với Tết năm trước. Số hàng hóa này đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủng loại hàng hóa tập trung vào các sản phẩm lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, bánh kẹo, ăn uống, giải khát, quà tặng, đồ gia dụng, thời trang, điện máy.

Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tăng cường thêm các mặt hàng truyền thống và thiết yếu: Giò, chả, bánh trưng, gà ta, thịt gia súc, gạo đặc sản, dầu ăn, nước mắm, rượu bia, bánh mứt kẹo, thủy hải sản, rau xảnh, hoa quả đặc sản…

Các mặt hàng này sẽ được bán tại 61 địa điểm, trong đó có 32 địa điểm bán hàng bình ổn giá thuộc hệ thống bán lẻ của Hapro (siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood, Unimart/Seika và cửa hàng chuyên doanh điện máy, thời trang…, hệ thống nhà hàng ăn uống dịch vụ) thuộc Hapro.

Hapro  cũng sẽ tổ chức các gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết, tổ chức 1 chợ Tết với quy mô khoảng 2.000m2, với 25-30 gian hàng, tại huyện Ứng Hòa để cung ứng những sản phẩm thiết yếu, đặc trưng ngày Tết cổ truyền. Thời gian bắt đầu từ ngày 22/12 đến 26/12 Âm lịch); Đăng ký 8 gian hàng tham gia hội chợ Xuân tại Trung tâm triển lãm quốc tế 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm từ (21-27/12 Âm lịch).

Hapro sẽ triển khai 22 phiên chợ Việt và 100 chuyến bàng hàng lưu động trong thời gian trước Tết tại các khu vực ngoại thành Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh, mặc dù năm 2016 không có chương trình hỗ trợ vốn ưu đãi cho chương trình Bình ổn giá. Hapro vẫn chủ động đăng ký tham gia dự trữ hàng hóa bằng nguồn vốn huy động và nguồn vốn tự có. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ chương trình bình ổn của Hapro cho10 mặt hàng hơn 508 tỷ đồng./.

Nguyễn Chính