Giải quyết kiến nghị của cử tri: Dứt điểm 5 nhóm vấn đề trước 5/2018 

(ĐCSVN) – “Đối với 59 kiến nghị tồn đọng có khả năng giải quyết dứt điểm trong thời gian khoảng một năm tới, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm trước kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018), trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết 05 nhóm vấn đề”.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: KT) 

Đây là một trong những kiến nghị tại Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV do Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày trước Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 13/6.

Chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Theo Báo cáo, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tổng hợp được 3.320 kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội (sau đây gọi tắt là kiến nghị). Trong đó, có 168 kiến nghị (5,1%) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan của Quốc hội, 3.119 kiến nghị (94%) thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, 13 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và 20 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị - xã hội.

Việc giải quyết trả lời kiến nghị cử tri cũng đã đạt nhiều kết quả. Cụ thể, tiếp thu kiến nghị của cử tri, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường tính tranh luận; chú trọng kỹ thuật lập pháp; ý kiến cử tri đóng góp trực tiếp vào một số dự án luật đã được tiếp thu, như: về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; về danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh liên quan đến mặt hàng pháo nổ; về tội vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp; đã ban hành văn bản hướng dẫn để đại biểu Quốc hội có sáng kiến pháp luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến...  

Đáng chú ý, mặc dù nhận được số lượng kiến nghị cử tri rất lớn (3.119 kiến nghị, kỳ trước là 856 kiến nghị), nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã rất tích cực chỉ đạo giải quyết, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị lắng nghe. Kết quả là ngay trong khoảng thời gian 6 tháng giữa hai kỳ họp, toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; hàng nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành đã được tổ chức, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm theo yêu cầu, kiến nghị của cử tri, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất nỗ lực xem xét, giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề mà cử tri nêu, kết quả là số lượng kiến nghị trong kỳ họp này đã được giải quyết dứt điểm lên đến 539 kiến nghị, gấp 3 lần kỳ trước (176 kiến nghị).

Đặc biệt, tháng 4/2017, Chính phủ đã đưa hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, đây là bước đột phá tăng cường sự tương tác giữa người dân với Chính phủ, nâng cao chất lượng giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri.

Đối với 142 kiến nghị còn tồn đọng từ nhiều kỳ họp trước, đã giải quyết dứt điểm được 69 kiến nghị (đạt 49%). Một số vấn đề mà cử tri kiến nghị từ năm 2014 (kỳ họp thứ 8) được giải quyết như quy định về quy chế quản lý rừng sản xuất; quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; về chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020…

Trưởng Ban Dân nguyện cũng thông tin, đối với 04 nhóm vấn đề cụ thể đã được nêu tại báo cáo kỳ trước đề nghị tập trung chỉ đạo giải quyết, trong khoảng thời gian 06 tháng giữa hai kỳ họp, 02 nhóm vấn đề liên quan đến kinh doanh theo phương thức đa cấp và tính ổn định của các phương án thi tốt nghiệp, xét tuyển vào đại học, cao đẳng đã được Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và  Đào tạo chỉ đạo giải quyết bước đầu khá hiệu quả .

Tuy nhiên, theo đánh giá, các bộ, ngành còn quá chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị, dẫn đến thực trạng số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao, số kiến nghị được trả lời chỉ bằng việc cung cấp thông tin còn nhiều (68%), cá biệt có văn bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu. Ví dụ như: Cử tri tỉnh Bình Dương hỏi về “việc chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách được giao nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã”. Trả lời  lại nêu về chế độ chi trả bồi dưỡng đối với công chức kiêm nhiệm là không đúng với đối tượng cử tri đang hỏi. Thêm vào đó, việc giao nhiệm vụ tiếp công dân cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã là không đúng với Luật Tiếp công dân nhưng chưa được nhắc nhở. Cử tri tỉnh Sóc Trăng kiến nghị cần sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khép kín cho các tuyến đê tại huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, trả lời  lại nêu “...hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc huyện Trần Đề hàng năm đều được Chính phủ bố trí kinh phí...” là không đúng với địa bàn mà cử tri hỏi.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, đến nay, các cơ quan chức năng đã có văn bản trả lời thay thế cho 2 văn bản trả lời không đúng, chưa đầy đủ nêu trên...

Giải quyết dứt điểm 5 nhóm vấn đề trước tháng 5/2018

Từ những tồn tại, hạn chế trong việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri, đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Báo cáo đề nghị có kế hoạch rà soát tổng thể việc thực hiện các nghị quyết giám sát, các kiến nghị sau giám sát, đồng thời đề xuất hình thức phù hợp để xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi không thực hiện đầy đủ nghị quyết, kiến nghị sau giám sát,… qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.

Đồng thời quan tâm tổ chức tiếp xúc cử tri dưới nhiều hình thức theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri… như quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”, “đại cử tri”... 

Đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Có 94% tổng số kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Bộ, ngành, chính vì vậy sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ trưởng, Trưởng ngành mang ý nghĩa quyết định trong nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giải quyết, trả lời cử tri. Do đó kiến nghị Chính phủ nên coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, đồng thời, sớm có hình thức nhắc nhở, xử lý đối với cá nhân, cơ quan, không thực hiện trả lời cử tri theo quy định và công khai để cử tri được biết.

Về việc giải quyết các kiến nghị có phạm vi liên ngành, theo bà Nguyễn Thanh Hải, hiện chưa có quy định để các bộ, ngành phối hợp cùng giải quyết kiến nghị có nội dung liên ngành, do vậy dễ dẫn tới tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, vì vậy kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri để việc giải quyết  được kịp thời, đúng pháp luật.

Về lộ trình giải quyết đối với các kiến nghị cần có nhiều thời gian, có những kiến nghị của cử tri chưa thể giải quyết dứt điểm ngay do chưa có nguồn lực, do cần thêm thời gian để tổng kết thực tiễn,... đề nghị các bộ, ngành khi trả lời các kiến nghị loại này cần kèm theo lộ trình, giải pháp và dự kiến thời điểm sẽ giải quyết xong để cử tri có căn cứ giám sát và không tiếp tục kiến nghị. Cụ thể, đối với các kiến nghị còn tồn đọng qua một số kỳ họp, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát xây dựng lộ trình giải quyết và thông báo cho cử tri bằng văn bản trước ngày 15/9/2017.

Đối với 59 kiến nghị tồn đọng có khả năng giải quyết dứt điểm trong thời gian khoảng một năm tới, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm trước kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết 05 nhóm vấn đề sau: Biện pháp khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, trước mắt có giải pháp nhanh, mạnh ngăn chặn hiện tượng khai thác cát trái phép đang gây bức xúc trong nhân dân.

Vấn đề thương hiệu nông sản, thực phẩm, thu hút đầu tư cho nông nghiệp; giải pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, rau quả sạch ngay tại thị trường nội địa.

Tăng cường chất lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt thanh tra trách nhiệm người đứng đầu tại các dự án thua lỗ mà dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.

Nâng cao chất lượng tiếp công dân, đối thoại với công dân, gắn tiếp công dân với việc giải quyết để kịp thời xử lý những bức xúc, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai không làm phát sinh điểm nóng về khiếu kiện.

Có biện pháp khắc phục ngay tình trạng nhà xây tại dự án vùng ngập lũ khu vực đồng bằng sông Cửu Long để hoang phí, không có người ở do thiếu hạ tầng kỹ thuật./.

Kim Thanh
509 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 748
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 748
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76791286