Gắn bó với Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng 

Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân chính là nguồn gốc chủ yếu tạo nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc, là một trong những điều kiện quan trọng làm cho Đảng ta giữ vững được vai trò lãnh đạo.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng từ Nhân dân mà ra, phục vụ lợi ích của Nhân dân, ngày càng gắn bó với Nhân dân và chính quan hệ mật thiết ấy tạo nên sức mạnh của Đảng và sức mạnh của dân tộc.

Người nhấn mạnh: "Nước lấy dân làm gốc"; "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân"... Người khẳng định: Ðảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng? Dân không có Ðảng thì lấy ai dẫn đường? Hai điều đó như hai tiền đề bảo đảm để có được các điều kiện khác, và nhờ đó cách mạng thắng lợi. Lúc nào, ở đâu hai điều kiện tiên quyết đó bị suy giảm, bị tách rời, hoặc thực hiện nửa vời thì lúc đó, nơi đó nhất định phong trào cách mạng gặp khó khăn, thậm chí thất bại.

Gắn bó mật thiết với Nhân dân, đấu tranh vì lợi ích của của Nhân dân là mục đích hoạt động, là lý do để tồn tại và là lẽ sống của Đảng. Đảng trở thành đại biểu cho lợi ích của giai cấp và của Nhân dân. Đây là điểm xuất phát và cũng là nội dung, là mục tiêu phấn đấu của Đảng. Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác". "Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân..."

Người nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ, chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân được học hành”.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Vì vậy, gắn bó với Nhân dân, vì lợi của Nhân dân là thuộc tính tự nhiên, là bản chất đặc trưng của Đảng ta. Xa rời Nhân dân cũng có nghĩa là xa rời bản chất cách mạng của Đảng.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ, 88 năm qua Đảng ta luôn xác định rõ vị trí, vai trò của mối quan hệ đó đối với sự nghiệp cách mạng, coi mối quan hệ đó là nguồn gốc sức mạnh, là quy luật phát triển và tồn vong của Đảng, của chế độ ta.

Bằng việc đoàn kết, tập hợp, tổ chức và lãnh đạo toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, Đảng đã từng bước thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình: giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; thực hiện đường lối đổi mới đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Những chiến thắng vĩ đại và thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm cho quần chúng Nhân dân càng thêm tin yêu, gắn bó với Đảng, thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng - lãnh tụ duy nhất, đáng tin cậy của mình.

Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn thắt chắt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhờ đó, đất nước đã ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chính trị giữ vững, kinh tế tăng trưởng ngày càng cao, từng bước thực hiện được tiến bộ và công bằng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Đó là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đổi mới, đặc biệt là bài học đổi mới phải dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân là những nguồn lực vô tận để đưa đất nước tiếp tục tiến lên..

Tuy nhiên, thời gian qua, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, tình trạng quan liêu, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền… đã xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này, đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng….” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chia rẽ Đảng với dân, cán bộ với quần chúng đang đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng cho thấy, ở đâu mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân được củng cố và tăng cường, cán bộ, đảng viên gắn bó máu thịt với Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân thì cách mạng đi đến thành công. Ngược lại, ở đâu và lúc nào, Đảng và cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời Nhân dân, “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”

Do đó, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nói chung, cũng như trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng, ngày 30/10/2016 BCHTW đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ” và Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm ảung cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05-CT/TW, nhằm tăng cường mối quán hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, theo chúng tôi, trước hết, cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản của từng tổ chức đảng và của mỗi đảng viên. Trước tình hình khó khăn, phức tạp và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng; thường xuyên nâng cao cảnh giác, phòng chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”; không phai nhạt lý tưởng, kiên định thực hiện mục tiêu mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn; phải thực sự là tấm gương sáng và chỗ dựa tinh thần cho Nhân dân.

Hai là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Uy tín của Đảng, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trước hết phụ thuộc vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, vào phẩm chất, năng lực và vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì thế, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là vấn đề cơ bản, thường xuyên và cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay. Trong đó, chú trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp, các cơ quan, đơn vị trong nêu cao tính đảng, tính tiền phong gương mẫu, tự tu dưỡng, tự rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần làm chủ của Nhân dân và các tổ chức quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên; đồng thời, dựa vào dân để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó, các cấp cần, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là biện pháp quan trọng thể hiện sâu sắc ý Đảng lòng dân, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, công tác điều hành, quản lý và lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp; là phương thức hữu hiệu để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là yêu cầu cấp bách của cả hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng các cấp.    

Bốn là, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải liên hệ mật thiết với Nhân dân, tôn trọng Nhân dân và hướng dẫn, tổ chức Nhân dân thành lực lượng, phong trào hành động cách mạng, từ đó phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân. Đặc biệt, chú trọng vai trò “nêu gương”, “nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm” phát huy hơn nữa vai trò tích cực, gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng hiên nay; phát huy vai trò của hệ thống chính trị phải thực hiện tốt công tác dân vận.

Năm là, để xứng đáng với vai trò vị trí của một Đảng cầm quyền thì bài học không bao giờ cũ đó là Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất, để tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn

9110 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 809
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 809
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 75995809