Dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật”: Cần hoàn thiện thêm để đưa ra thị trường 

Dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật” nam sinh Phạm Huy (THPT Quảng Trị) vừa giành được giải 3 tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tổ chức ở Mỹ. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đây là một công trình giàu tính nhân văn, song cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường.

Liên quan đến công trình “Cánh tay robot cho người khuyết tật” nam sinh Phạm Huy (THPT Quảng Trị) vừa giành được giải 3 tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tổ chức ở Mỹ, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, đây là một công trình hay và có ý nghĩa nhân văn cao. Kết quả này thể hiện rõ nét việc ứng dụng tư duy về tự động hóa vào giải quyết những vấn đề bức xúc trong cuộc sống xã hội. Chưa bàn đến nội hàm công nghệ ra sao nhưng việc học sinh – sinh viên có định hướng tư duy, ứng dụng công nghệ để giải quyết nhu cầu của cuộc sống là điều rất tốt.

Về chế độ đối với các em học sinh có sản phẩm đạt giải quốc tế, ông Quất cho biết thêm, hiện Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cũng tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc dành cho sinh viên năm 2017. Với các công trình đang ở mức ý tưởng và mô hình, việc tham gia quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) sẽ rất phù hợp. Khi sản phẩm có thể ra thị trường thì chương trình phát triển thị trường của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ có thể tham gia hỗ trợ.  

Khi được hỏi về tiềm năng đưa sản phẩm này ra thị trường, ông Quất cho biết: “Để sản phẩm ra được thị trường còn rất nhiều điều cần thực hiện gồm: Đăng kí bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiến hành thử nghiệm, cấp phép lưu hành, độ an toàn, các bệnh viện, cơ sở sản xuất nhận chuyển giao, ứng dụng như thế nào… Việc được giải mang tính chất khích lệ song để ra được thị trường, sản phẩm của các em học sinh phải có các doanh nghiệp hoặc các cơ sở nghiên cứu khác cùng tham gia hỗ trợ mới có thể hoàn thiện được”.

Trước đó, Phạm Huy với dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật” được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử tham dự cuộc thi Intel ISEF tổ chức tại Mỹ vào 12- 22.5. Nam sinh này từng 2 lần bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa. Đến ngày khai mạc, em mới nhận được visa từ lần phỏng vấn đặc cách lần thứ 3 và tự bay qua Mỹ một mình do đoàn Việt Nam di chuyển từ trước.

Chung cuộc, đoàn Việt Nam có tất cả 9 giải thưởng ở 2 hạng mục giải thưởng. Trong đó, nam sinh lớp 11 Phạm Huy, với đề tài "Cánh tay robot cho người khuyết tật" nhận giải 3 ở lĩnh vực robot và thiết bị thông minh. Bốn đề tài khác cùng nhận giải 4 ở 3 lĩnh vực, gồm 2 đề tài của các học sinh Vũ Nam Anh và Trần Khuê (THPT chuyên thuộc Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội), Đỗ Mai và Bùi Quân (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) ở lĩnh vực hoá học. Hai em Phạm Tân và Chu Minh Đức ở lĩnh vực hệ thống nhúng. Em Trần Thị Thu (THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng) ở lĩnh vực phần mềm hệ thống.

Intel ISEF là cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông lớn nhất thế giới, được tổ chức hàng năm tại Mỹ, do Intel tài trợ chính. Cá nhân hay nhóm dự thi (không quá 2 học sinh) sẽ trình bày sản phẩm của mình bằng tiếng Anh. Mục đích cuộc thi là khơi dậy niềm đam mê học tập, sự sáng tạo, hình thành cho học sinh phương pháp tự học, biết ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống... Cuộc thi được tổ chức từ cấp trường, tỉnh thành và quốc gia.

Việt Nam bắt đầu tham gia Intel ISEF từ năm 2012. Năm 2016, cả 4 dự án của học sinh Việt Nam tham dự cùng đoạt giải ba lĩnh vực Hóa học, Khoa trái đất và môi trường, Kỹ thuật cơ khí, Sinh học tế bào và phân tử của cuộc thi.

961 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 814
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 814
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76405530