Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: KT)

Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 02 dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6: Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc thảo luận các nội dung dự thảo Luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua là hoạt động hết sức có ý nghĩa để khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình nhằm góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản trình Quốc hội, nhất là đối với các dự án luật có nhiều nội dung khó, có tính chất kỹ thuật, chuyên sâu.

Sau khi xem xét các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây và trên cơ sở ý kiến đề xuất của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, UBTVQH đã quyết định lựa chọn 02 dự án Luật để thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại 02 kỳ họp và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương về phòng, chống tham nhũng và khắc phục các hạn chế, bất cập của luật hiện hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại hội nghị lần này, dự án Luật cần tiếp tục được tiếp thu, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước…

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án đang thu hút sự quan tâm của dư luận nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi Luật nhằm đặt nền móng pháp lý ban đầu đối với việc tự chủ của các trường đại học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng cần phải làm rõ những vấn đề, như: Tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với các loại hình cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học, phát triển hệ thống đại học tư thục, hợp tác giáo dục với nước ngoài, các vấn đề về học phí, các quy định về tiêu chuẩn, thời gian công tác của giáo viên…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề đã nêu trong Báo cáo và các nội dung khác mà các đại biểu quan tâm trong dự thảo Luật; đồng thời, đề xuất cụ thể hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Ngay sau khai mạc, Hội nghị đã thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Dự thảo luật trình Hội nghị này gồm 11 chương, 96 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Dự luật đưa ra 12 hành vi tham nhũng gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét  xử, thi hành án vì vụ lợi.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, một số vấn đề lớn của dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau là: Về mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước; về cơ quan kiểm soát, tài sản, thu nhập; về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Hội nghị dành cả ngày 6/9 để thảo luận về dự án Luật này./.

Kim Thanh