Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới - Một số vấn đề đặt ra 

Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII; 12 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đoàn thể các cấp đã coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ quan trọng; có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội; quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở. Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp. Toàn tỉnh có 04 bệnh viện, 01 phòng quản lý sức khỏe cán bộ, 10 trung tâm y tế tuyến huyện, trong đó, huyện đảo Cồn Cỏ thành lập theo mô hình quân dân y kết hợp. 04 phòng khám đa khoa khu vực, 141/141 đơn vị cấp xã đều có trạm y tế, trong đó 95,7 % đã đạt chuẩn quốc gia; 11 bệnh xá, phòng khám, trạm y tế quân dân y; Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xếp hạng 1;  hai bệnh viện: Khu vực Triệu Hải và Trung tâm Y tế Vĩnh Linh được xếp hạng 2. Tính đến thời điểm năm 2018, toàn tỉnh có 2.025 giường bệnh đạt tỷ lệ 30 giường bệnh/ 10.000 dân. Hệ thống y tế ngoài công lập đã có bước phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã có 136 phòng khám chữa bệnh, 89 cơ sở hành nghề y học cổ truyền; 6 công ty dược, 68 nhà thuốc, 42 quầy thuốc, 154 đại lý. Đội ngũ cán bộ y tế  phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ bác sĩ / vạn dân đạt 9,1; tỷ lệ dược đại học/vạn 1,0. Cán bộ y tế xã được chuyển thành viên chức nhà nước. 90 % số trạm y tế đã có bác sĩ.100% xã có hộ sinh trung học, 100% thôn bản có nhân viên y tế cộng đồng. 

Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật. Như triển khai thành công một số kỹ thuật cao, kỹ thuật mới như: phẩu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư....Nhiều trang thiết bị hiện đại, gắn với công nghệ, phương pháp điều trị tiên tiến đã được đầu tư như cộng hưởng từ, CT Scanner, máy chụp mạch DSA...Thực hiện “ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, xây dựng  cơ sở y tế “ xanh – sạch – đẹp”.  Cơ chế quản lý trong các cơ sở y tế được đổi mới. ngân sách nhà nước chuyển dần từ cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2017 đạt 91,2 %.  Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm theo hướng dự phòng tích cực, chủ động toàn diện. Công tác tiêm chủng được củng cố vững chắc, triển khai bền vững tại 100% thôn, bản; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em đạt trên 95 %. Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch ổn định; kiểm soát được bệnh lao, sốt rét, sởi, HIV/AIDS. Công tác bảo vệ , chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh đạt kết quả tốt. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm mạnh; đến nay tỷ lệ này theo thứ tự là 7,59%o  và  5,59%o. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm

So với cả nước những kết quả về công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh ta rất đáng mừng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về quyền được cung ứng đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhiều vấn đề ddwatj ra, trong đó, nổi lên mấy vấn đề sau:

Một là: Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc,bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; sự phối hợp các đoàn thể để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên nên hiệu quả còn thấp. Ngành y tế với vai trò nông cốt cũng chưa lồng ghép tốt các hoạt động của ngành vào các hoạt động của địa phương.

Hai là: Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tuy có được đầu tư nhưng nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nhất là tuyến cơ sở . Theo đó, hiện tại một số trạm y tế xã cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu hoặc thiếu người sử dụng. Từ năm 2018, một số cơ sở y tế trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng số giường bệnh sẽ dẫn đến thiếu cả cơ sở vật chất lẫn nhân lực.

Ba là: Tỷ lệ dược sĩ trên vạn dân còn thấp; Tuyến huyện số bác sĩ giỏi, bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là khoa ngoại và khoa sản vẫn còn bất cập. Một số bác sĩ cử tuyển đang công tác tại xã nhất là hai huyện miền núi năng lực chuyên môn còn hạn chế.

Bốn là: Chính sách thu hút cán bộ ngành y tuy đã được ban hành sớm và thường xuyên có sự điều chỉnh nhưng nhìn chung chưa đủ sức thu hút nhất là những với người có trình độ chuyên sâu mà tỉnh ta đang thiếu. Chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; tuyến huyện chỉ tập trung vào một số chuyên khoa, thiếu trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, chậm triển khai các kỹ thuật mới.

Năm là: Đầu tư cho y tế dự phòng còn thấp; Ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” chưa được đa số người dân thực hiện. Vệ sinh môi trường, VSATTP chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Giải quyết nhưng thách thức trên, cần quán triệt đầy đủ 5 quan điểm Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương (khóa XII) đã đề ra, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực hiệu quả. Trước mắt, cần kịp thời xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Cán bộ lãnh đạo, quản lý…tùy theo chức trách nhiệm vụ cần có cam kết thực hiện nghị quyết với các đầu việc cụ thể; Cấp ủy, chính quyền các cấp căn cứ vào cam kết này để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận TQVN và các đoàn thể chính trị, xã hội phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; từ đó, huy động sự tham gia của các đoàn viên, hội viên; đồng thời thường xuyên kiểm tra giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm…

 Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là sự nghiệp cao cả của toàn dân; là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp. Vấn đề đặt ra là khi nào mỗi một người dân thấu suốt quan điểm “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội” để từ đó có hành đúng thì công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân sẽ đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

1932 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 991
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 991
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76425073