Chuyển biến tích cực sau 3 năm triển khai Đề án phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Đông Hà 

Thực hiện Đề án phát triển giáo dục - đào tạo thành phố Đông Hà giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2025, trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền và ban ngành các cấp, sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp giáo dục và đào tạo thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới.

Tạo cơ chế để giáo dục phát triển bền vững

Trước năm 2016, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đông Hà đạt được những kết quả quan trọng, nhưng chất lượng, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, ngày 13/12/2016, UBND thành phố Đông Hà đã ban hành Đề án số 1885/ĐA-UBND về phát triển giáo dục - đào tạo thành phố Đông Hà giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 1885). Đến nay, sau 3 năm thực hiện Đề án, sự nghiệp giáo dục và đào tạo thành phố bước đầu đã tạo được sự chuyển biến khá tích cực.

Đề án 1885 đề ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp, với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của thành phố, khẳng định là đơn vị dẫn đầu phong trào giáo dục của tỉnh. Ngay sau khi Đề án được ban hành, các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cụ thể hóa và triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ, bám sát thực tiễn, giải quyết được những vấn đề cốt yếu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và việc học tập của con em.

Kết quả 3 năm thực hiện Đề án 1885 thể hiện rõ ở từng cấp học cũng như trình độ đào tạo. Chương trình giáo dục mầm non được xây dựng bảo đảm giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, đặt nền móng cho việc học ở các cấp học tiếp theo. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non ngày càng được nâng lên, các điều kiện bảo đảm chất lượng được tăng cường; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các trường, lớp mầm non giảm rõ rệt. Công tác giáo dục toàn diện trong các trường tiểu học, THCS, TH&THCS chuyển biến tích cực theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh. Đặc biệt, chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu của thành phố Đông Hà qua các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia hàng năm được duy trì vững chắc và từng bước nâng lên, tiếp tục nằm trong nhóm các huyện dẫn đầu trong toàn tỉnh. Trong 3 năm qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo Đông Hà đã tham gia và đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong các kỳ thi, hội thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị tổ chức với tổng số 834 giải, trong đó có 29 giải cấp khu vực/quốc gia và 805 giải cấp tỉnh. Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được triển khai thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và bổ sung thêm nhiều kiến thức về văn hóa, xã hội, pháp luật cho học sinh. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường được quan tâm đúng mức, trở thành sân chơi sôi nổi, bổ ích đối với học sinh mọi lứa tuổi, qua đó góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhiều học sinh năng khiếu.

Mạng lưới, quy mô trường, lớp và các trung tâm học tập cộng đồng phát triển đa dạng, phù hợp. Đến nay, toàn thành phố có 44 trường trực thuộc UBND thành phố, trong đó cấp mầm non có 24 trường, tăng 01 trường công lập, 04 trường tư thục, 04 lớp mẫu giáo và 2 nhóm trẻ độc lập so với năm 2016; cấp tiểu học có 11 trường, giảm 3 trường so với năm 2016; cấp THCS có 09 trường (trong đó có 06 trường THCS và 03 trường TH&THCS). Tỷ lệ huy động và duy trì học sinh ở các cấp học đều tăng, số học sinh bỏ học giảm mạnh; công tác phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc. Hoạt động của các trung tâm học tập cộng động từng bước đi vào nền nếp và từng bước phát huy hiệu quả.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố và được trang bị khá đầy đủ các điều kiện dạy học theo chuẩn. Nhờ thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự đầu tư của thành phố và đóng góp của nhân dân, đến nay, toàn thành phố có 100% trường học đã được kiên cố hóa và cao tầng hóa, tăng 2,4% so với năm 2016. Hệ thống các phòng chức năng, phòng phục vụ học tập và các công trình khác được bổ sung khá hoàn chính, mang sắc thái của giáo dục đô thị. 100% thư viện các trường tiểu học, THCS, TH&THCS đạt chuẩn. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được thực hiện khá hiệu quả. Tính đến tháng 9 năm 2019, toàn thành phố có 27/35 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 77,14%,  trong đó có 5 trường tiểu học và 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tăng 02 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường THCS so với cuối năm 2016. Tổng nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo thành phố trong 3 năm qua khoảng 459,549 tỷ đồng, trong đó có 63,916 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh và thành phố; 25,861 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục dùng để đầu tư nâng cấp cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình và 369,772 tỷ đồng từ nguồn vốn chi thường xuyên phục vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo. Ngoài sự đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, việc đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa cũng góp phần đáng kể vào việc thực hiện Nghị quyết số 20/2015/NQ-HĐND, ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh, tổng kinh phí xã hội hóa trong 3 năm qua ước tính khoảng 24,5 tỷ đồng (chưa kể kinh phí đầu tư các trường tư thục). Hàng năm, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã tích cực, chủ động huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu sửa và mua sắm bổ sung cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của trường, lớp. Ngoài ra, thành phố có 12 trường mầm non tư thục trực thuộc và hai trường tư thục liên cấp (Trường TH,THCS&THPT Trưng Vương và Trường hội nhập quốc tế Ischool) do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, góp phần giảm áp lực rất lớn cho các trường công lập do không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tuyển sinh đầu vào và giảm bớt sự đầu tư từ ngân sách của nhà nước cho giáo dục.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng ổn định, được sắp xếp, bố trí khá hợp lý; chất lượng từng bước được nâng lên. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn tăng mạnh, 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo trở lên, trong đó trên chuẩn bình quân 96,4% (mầm non 90,8%, tiểu học 96,4%, THCS 99,6%); giáo viên trình độ sơ cấp chính trị đạt tỉ lệ 24,5%. Cán bộ quản lý trường học được bổ sung khá kịp thời, đáp ứng cơ bản về số lượng cũng như chất lượng, 100% cán bộ quản lý trường học đều có trình độ đào tạo Đại học (trong đó có 05 Thạc sĩ), cán bộ quản lý có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính đạt tỉ lệ 45,9%. Tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành chiếm trên 70%, tăng 19% so với năm 2016. Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ giáo viên đã đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy trình, tạo động lực thúc đẩy ý thức rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ của từng cá nhân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Còn đó những hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố Đông Hà cũng đối mặt với nhiều khó khăn: Hệ thống trường, lớp trên địa bàn phần lớn được xây dựng từ lâu, trong quá trình phát triển bộc lộ nhiều hạn chế như diện tích đất của nhiều trường không đủ chuẩn quy định, phòng học chật hẹp, thiếu hệ thống phòng học chức năng, phòng phục vụ học tập, nhà hiệu bộ, sân chơi bãi tập, phương tiện thực hành giáo dục thể chất.... Ngân sách đầu tư cho giáo dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, do Đông Hà là thành phố nên không được thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí huy động từ chủ trương xã hội hóa chủ yếu hỗ trợ cho nhà trường thực hiện các phần việc mang tính nhỏ lẻ trong khi điều kiện kinh tế của một số địa phương còn khó khăn nên chưa hỗ trợ thích đáng cho sự phát triển của giáo dục. Quy mô trường, lớp tại một số phường vùng ven thành phố có chiều hướng giảm dẫn đến tình trạng mất cân đối trong quy hoạch, tạo ra áp lực trong công tác tuyển sinh ở các trường trung tâm và trở ngại trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và các tệ nạn xã hội đang có nguy cơ xâm nhập vào trường học, ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng để phát huy hiệu quả

Triển khai thực hiện Đề án 1885, trong thời gian tới, thành phố Đông Hà tiếp tục tập trung cao các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 05-KL/TU ngày 30/11/2016 của Thành ủy Đông Hà, Kế hoạch số 887/KH-UBND ngày 25/5/2017 của UBND thành phố về thực hiện Đề án phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Đông Hà giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2025 và hoàn thành mục tiêu về giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học theo hướng tích cực, tự giác, sáng tạo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non và học sinh tiểu học, THCS; quan tâm đến việc tự học nhằm phát huy tính độc lập suy nghĩ, sáng tạo của học sinh và giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững. Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và định hướng phân luồng học sinh sau THCS; kết hợp hài hòa “dạy chữ”, “dạy người” và “dạy nghề”... Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giáo viên có đầy đủ năng lực, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua  trong toàn ngành “Dạy tốt”, “Học tốt” “; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo”... Nhật Linh

 

1411 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 762
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 762
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76733965