Sáng ngày 12/7, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về Biểu thuế BVMT nêu rõ mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết là thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính về BVMT và cơ cấu một bước nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân hạn chế dùng hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường; khuyến khích việc sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Báo cáo thẩm tra Dự án Nghị quyết về Biểu thuế BVMT của Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi và mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết về thuế BVMT như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT và làm căn cứ để UBTVQH xem xét thông qua Nghị quyết, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn một số nội dung như: Công tác tuyên truyền, phản ứng của dư luận xã hội trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đối tượng bị tác động; việc sử dụng nguồn tăng thu từ thuế BVMT cần được ưu tiên bố trí để xử lý, khắc phục hậu quả môi trường…

Đặc biệt, về điều chỉnh mức thuế đối với xăng, dầu; đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ tăng mức thuế đối với xăng nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc BVMT, khuyến khích sử dụng tiết kiệm và tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.

Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đề nghị cân nhắc việc tăng thuế suất thuế BVMT đối với xăng.

Đối với mặt hàng dầu mazut, dự kiến dầu mazut điều chỉnh tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, vì theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 thì nguồn nhiên liệu sử dụng sản xuất điện trong nước từ năm 2020 không còn dầu mazut. Các ngành công nghiệp như: sản xuất kính, sứ... cũng phải thực hiện lộ trình chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu khác thay thế dầu mazut theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh mức tăng mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ mức 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với phương án điều chỉnh này. Có ý kiến đề nghị tăng điều chỉnh tăng lên 1.500 đồng/lít. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Về thời hạn hiệu lực của Nghị quyết, theo Báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết sau 45 ngày kể từ ngày ký, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng đầu năm tăng cao nhất trong nhiều năm qua (bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% và dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%), đồng thời, ngày 1/9, chuẩn bị vào năm học mới, nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí các cấp. Do đó, để góp phần bảo đảm khả năng điều tiết giá cả hàng hóa vào cuối năm, đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát do Quốc hội đề ra và các tác động chính trị, xã hội khác, thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết cần được xem xét và cân nhắc cho phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bản thân các doanh nghiệp xăng, dầu phải có giải pháp để tiết giảm chi phí, hạn chế thất thoát, làm sao để việc điều chỉnh thuế nhưng không làm tăng giá xăng, dầu, hạn chế tác động đến xã hội. Cần phải quy định vấn đề này vào trong Nghị quyết.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa thông qua dự thảo nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Sau khi nghe các báo cáo, thảo luận, phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình UBTVQH xem xét, quyết định./.

 

Bích Liên