Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người đặt nền móng vững chắc cho quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào -Việt Nam 

Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc, đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Cùng với thời gian mối quan hệ đó đã không ngừng được củng cố và phát triển, từ quan hệ láng giềng gần gũi, thân thiện giữa hai quốc gia trong thời phong kiến, tiến đến quan hệ gắn bó trong cuộc đấu tranh tự phát của các trào lưu dân tộc và của các thân sĩ tiến bộ, khi hai nước đều bị đế quốc thực dân xâm lược, thống trị. Để đạt được những thành tựu trên trong mối quan hệ giữa hai nước khổng thể không kể đến vai trò của người đặt nền móng - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ là một người yêu nước nồng nàn, Người còn là một người cộng sản với tinh thần quốc tế cao cả. Ngay trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX, chính Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), với nghị lực phi thường, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, đã tự mình khám phá thế giới tư bản chủ nghĩa và các dân tộc thuộc địa, nhằm phát hiện chân lý cứu nước. Từ năm 1921, khi đấu tranh cho phong trào giải phóng “các dân tộc thuộc địa”, lên án chế độ hà khắc của các nước đế quốc đối với các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đứng lên tố cáo chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, Người mô tả nỗi khổ cực của nhân dân hai nước Việt - Lào trong chế độ bắt phu đi làm tạp dịch, làm đường tại Đông Dương của Pháp: “Chúng không hề phân biệt ai là Việt, ai là Lào, mà chỉ coi là dân Đông Dương thuộc Pháp; nếu trốn đi phu hay nổi dậy chống lại đều bị bắn chết, những ai ốm đau đều phải gửi xác lại nơi “rừng xanh núi đỏ”. Trên các đoạn đường xuyên Đông Dương đều có xác phu Việt bên cạnh xác phu Lào. Người viết: “Ở Luông Pha-băng nhiều phụ nữ nghèo khổ thảm thương phải mang xiềng đi quét đường chỉ vì một tội không nộp nổi thuế”. Những tiếng nói đanh thép của Nguyễn Ái Quốc trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã lột tả được cái tận cùng của sự tàn ác, vô lương tâm của chủ nghĩa đế quốc, lột tả nỗi đau đớn của những dân tộc bị áp bức và bị buộc làm nô lệ trong chế độ thực dân.

Nguyễn Ái Quốc cũng chính là người tiếp nhận và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Đông Dương để xác định con đường giải phóng các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia theo con đường cách mạng vô sản. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2 năm 1927, Hội này gây dựng được cơ sở tại Lào. Thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Lào, Nguyễn Ái Quốc thấy đây là điều kiện thuận lợi để người Việt Nam vừa tham gia cuộc vận động cứu nước tại Lào, vừa sát cánh cùng nhân dân Lào xây dựng mối quan hệ đoàn kết khăng khít giữa Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lập Hội Ái hữu, Hội Việt kiều yêu nước, mở các lớp huấn luyện cách mạng trên đất Lào. Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương. Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập tại Viêng Chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức.

                                

                                                          Bác Hồ và Hoàng thân Lào

Như vậy, Lào trở thành địa bàn đầu tiên trên hành trình trở về Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc, nơi bổ sung những cơ sở thực tiễn mới cho công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức của Người về phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Đông Dương. Quá trình Nguyễn Ái quốc đặt nền móng cho quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam báo hiệu bước ngoặt lịch sử trọng đại sắp tới của cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào.

 Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng ba nước (Campuchia – Lào – Việt Nam), mối quan hệ Lào – Việt có sự biến đổi về chất, trở thành mỗi quan hệ tự giác, kiểu mới, mang bản chất chủ nghĩa quốc tế vô sản. Để làm được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và chính Người cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những năm đầu thành lập Đảng và trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng hai nước Việt - Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi mối quan hệ đoàn kết Việt - Lào vừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là lợi ích sống còn của mỗi nước.

Tại Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định đường lối cách mạng của ba nước Đông Dương và khẳng định: Ba nước Đông Dương cần phải đoàn kết chống ách thống trị của bọn thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc... Sau Hội nghị, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số đảng viên của Đảng từ Việt Nam và Thái Lan đã sang hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở Lào, các Chi bộ cộng sản sau đó đã được thành lập ở Sa-va-na-khet, Tha-khek và Viêng Chăn. Tháng 9 năm 1934, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập tại Lào, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Kể từ đó, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân hai nước ngày càng phát triển trong tình đoàn kết chiến đấu, tạo nên sức mạnh chung để cùng tiến hành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám (Cách mạng Lào cũng đồng thời thắng lợi vào tháng 8 năm 1945), giành độc lập cho nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay những ngày đầu tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong đến Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến hai nước và khu vực. Như vậy muốn cứu nước, không có con đường nào khác là phải làm cách mạng vô sản. Khi đã xác định đường đi cho dân tộc mình thì đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận ra rằng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mình cần phải có những người bạn đồng minh. Trước hết đó là hai dân tộc láng giềng Miên và Lào.

Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp, xây dựng cho mối quan hệ này trở nên ngày càng trong sáng, thủy chung, mẫu mực cho đến khi người ra đi và ngay trước lúc ra đi còn mong muốn khi Cách mạng thành công sẽ đi thăm các nước để cảm ơn bè bạn khắp năm châu, nhưng rất tiếc là ý định đó không thực hiện được.  Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Lào – Việt được củng cố và nâng cao thành một quy luật tồn tại, phát triển, một nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước và cả hai nước.  

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam cùng với những cơ hội thì vẫn còn không ít thách thức, nhất là các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo lịch sử, chia rẽ tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào. Vì vậy, việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt trong sáng, thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam – Lào là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng, chính quyền và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Châu Minh - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

2233 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 869
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 870
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76422277